'Xem trước' bảo tàng ở Hoàng thành Thăng Long

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
19/04/2021 06:19 GMT+7

Một bảo tàng ở Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) sẽ làm di sản này gần gũi hơn với công chúng.

Tòa nhà đẹp, hiện vật quý

Một pano lớn được dựng sát tòa nhà Vaxuko trong Hoàng thành Thăng Long (HTTL). Ở đó, có thông tin về việc tu bổ tòa nhà này và Viện Kiến trúc quốc gia sẽ thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, tòa nhà kiến trúc Pháp,
gồm 2 tầng trên mặt bằng hơn 1.000 m2 này sẽ trở thành bảo tàng của HTTL. Bảo tàng dự kiến trưng bày các loại hình tư liệu, di vật, hiện vật từ các cuộc khai quật tại khu di sản HTTL. “Việc lựa chọn khu trưng bày ở phía bắc, nằm cuối lộ trình tham quan của khu di sản sẽ góp phần quảng bá, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể của khu di sản. Tuyến thăm cũng có các di tích kiến trúc hiện còn và khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu”, thông tin cho biết.

Tranh vẽ một buổi thiết triều thời Lê Trung hưng

Ảnh: tư liệu Samuel Baron

Trong khi đó, theo PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, các nhà khảo cổ học đang chỉnh lý các hiện vật để trưng bày ở bảo tàng tại HTTL. “Bây giờ là lúc xây dựng nội dung trưng bày. Chúng tôi sẽ chọn những hiện vật quý để đưa vào. Các hiện vật tìm thấy khi khai quật ở HTTL rất nhiều và không phải hiện vật nào cũng đưa vào trưng bày cả”, ông Tín nói.
Những hiện vật mà PGS-TS Tống Trung Tín nhắc tới có nhiều loại. “Có những hiện vật xưa nay đã được nhắc đến nhiều. Đó là các vật liệu kiến trúc như các loại gạch, ngói. Cũng có những đồ dùng bằng nhiều chất liệu như sứ, sành, kim loại, gỗ, đá. Các loại tượng trang trí trong hoàng cung có tượng đầu rồng, chim phượng, uyên ương, các loại hình lá đề, các loại hình vật liệu trang trí đầu ngói thời Lê, các loại đất nung và gốm sứ với số lượng rất lớn. Cái gì cũng có, cái gì cũng hay”, ông Tín cho biết.
Viện Nghiên cứu kinh thành (Viện Hàn lâm khoa học xã hội) là một đơn vị khác cũng chỉnh lý hiện vật đào được ở HTTL để bàn giao lại cho Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội. Trước đó, Viện là đơn vị thực hiện trưng bày bảo tàng dưới hầm tòa nhà Quốc hội với nhiều hiện vật khảo cổ học từ HTTL. “Một số hiện vật khai quật từ HTTL chúng tôi cũng đã bàn giao cho bên trưng bày về thành cổ rồi. Trong đó, có một chiếc bát của nhà vua thời Lê sơ. Đó là chiếc bát quý nhất của HTTL. Cũng còn nhiều hiện vật quý khác như nắp hộp men lục thời Lý hay mảnh vàng trang trí rồng thời Lý. Bảo tàng ở HTTL sẽ có nhiều hiện vật đẹp, quý giá”, PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, nói.
“Xem trước” bảo tàng ở Hoàng thành Thăng Long

Thành bậc chạm rồng quý tìm thấy ở khu vực Vườn hồ

Ảnh: tư liệu HTTL

Câu chuyện nhiều thời kỳ của trung tâm quyền lực

Theo nguồn tin, đề cương nội dung trưng bày Bảo tàng HTTL đang được soạn thảo. Theo đó, tòa nhà Vaxuko sẽ được chia làm nhiều khu vực trưng bày. Tầng 1 dự kiến gồm 3 khu vực: Khu vực 1 dùng để tiếp đón, giới thiệu chung; Khu vực 2 giới thiệu quy mô cấu trúc HTTL thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê Trung hưng; Khu vực 3 tương tác trải nghiệm. Tầng 2 tòa nhà chia làm 4 khu vực: Khu vực HTTL trung tâm quyền lực thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê Trung hưng; Khu nghi lễ, trang phục cung đình thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê Trung hưng; Khu ẩm thực, đời sống văn hóa cung đình thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê Trung hưng; Khu thành Hà Nội thời Nguyễn, thành cổ thời đại Hồ Chí Minh.
Bảo tàng cũng dự kiến có các trưng bày theo chủ đề về đời sống cung đình Hoàng cung Thăng Long triều Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê Trung hưng. Trong đó, sẽ có các nội dung về những hoạt động nghi lễ do nhà nước tổ chức như hội đèn Quảng Chiếu, hội thề thần Đồng Cổ, lễ tế ở đàn Xã Tắc...
“Xem trước” bảo tàng ở Hoàng thành Thăng Long

Chiếc nắp hộp men ngọc quý

Ảnh: tư liệu HTTL

Nội dung về trang phục cung đình cũng sẽ gắn với từng trang phục cụ thể. Chẳng hạn, chúa Trịnh trong các đại lễ như lễ yết Nam Giao thì mặc áo bào tía, đội mũ xung thiên, đeo đai ngọc; khi yết lầu Kính Thiên cùng lễ sinh nhật ở Thái Miếu thì đội mũ bình đính, mặc áo thanh cát màu hỏa minh; lễ kỵ nhật ở Thái Miếu thì mặc áo thanh cát màu hoa quỳ; lễ kỵ nhật các vị đời gần thì dùng mũ bình đính, áo vải thâm.
Trưng bày ẩm thực cung đình sẽ giới thiệu tư liệu về uống rượu, nhuộm răng ăn trầu. Trưng bày đời sống văn hóa nghệ thuật cung đình sẽ giới thiệu sân khấu cung đình thời Lý, Trần... Công chúng cũng có thể được xem trưng bày về những thú chơi thời xưa. Chẳng hạn, chơi tranh trên địa bàn Thăng Long thời Lê Trung hưng. Một số bức tranh được sáng tác thời kỳ này còn giữ được đến ngày nay. Đó là chân dung Nguyễn Trãi (thờ ở Nhị Khê, Hà Tây, nay là Hà Nội), chân dung Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (thờ ở Phùng Xá, Hà Tây)...
Một trong những điểm thu hút khách tham quan tại HTTL bây giờ là hệ thống di tích cách mạng. Đây là một trong những nội dung trưng bày về Khu vực thành cổ thời đại Hồ Chí Minh. Ở đó, người dân được thăm hệ thống di tích cách mạng tại khu trung tâm HTTL - Hà Nội: hầm T1 tác chiến, nhà và hầm D67. Các thông tin khác như hình ảnh ngày Độc lập 2.9.1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại quảng trường Ba Đình, lễ chào cờ chiến thắng 10.10.1954 tại Sân vận động Cột Cờ dự kiến cũng có mặt trong trưng bày bảo tàng tại HTTL. Chúng kể câu chuyện về trung tâm quyền lực của HTTL qua nhiều thời kỳ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.