Muôn màu kịch Sài Gòn - Kỳ 5: Thế Giới Trẻ, rất trẻ và vui

Hoàng Kim
Hoàng Kim
05/06/2020 07:16 GMT+7

Sân khấu Thế Giới Trẻ đóng đô tại Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh nhất. Và những dấu hiệu khả quan này đều đến từ một phong cách trẻ trung, vui nhộn, yêu đời, bắt kịp thời sự, rất phù hợp với khán giả trẻ hôm nay.

Thanh xuân trên từng bước diễn

Mười mấy năm trước, có một anh sinh viên trẻ khoa đạo diễn đã đứng ra dàn dựng và quản lý nhiều vở kịch ngăn ngắn khoảng 100 phút cho các bạn bè sinh viên của mình. Điểm diễn là sân khấu nhỏ đơn giản của Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, lúc còn chưa sửa sang, chưa là sân khấu quay. Những vở kịch cảm động, duyên dáng, có khi tự viết, có khi chuyển từ truyện nước ngoài, diễn viên cũng là sinh viên trẻ măng, chưa tên tuổi, nhưng nét chân thật, thanh xuân đã cuốn hút người xem. Anh sinh viên đó là Ngọc Hùng. “Ông bầu” Ngọc Hùng quanh năm cầm xấp vé đi rao bán khắp các trường học, các đơn vị, mà số ghế chỉ xấp xỉ 50%. Nhưng vậy cũng đủ cho anh và bạn bè sống được (theo kiểu sinh viên) và thăng hoa trên sàn diễn.
Thế rồi, sân khấu được sửa lại khang trang, Ngọc Hùng mất chỗ. Một công ty đã “thầu” nơi này, và tìm người khác để quản lý. Nhưng hết người này đến người khác đều thất bại, cuối cùng Ngọc Hùng được mời trở lại vào năm 2010. Châu về hợp phố, Ngọc Hùng khôi phục nét trẻ trung cho Thế Giới Trẻ, khán giả lại kéo đến.
Ban đầu chỉ là một số khán giả trẻ, yêu thích các vở yêu đương nhẹ nhàng, hài hước, rồi xuất hiện khán giả trung niên mỗi lúc một đông, nên Ngọc Hùng cho dựng thêm nhiều vở có ý nghĩa xã hội sâu hơn, thậm chí mùi mẫn, bi kịch hơn. Nhưng dù có chú ý xếp “thực đơn” cho khán giả trung niên thì Ngọc Hùng vẫn giữ phong cách tươi tắn như vốn có, luôn rực rỡ sắc màu và thanh xuân. Chất thanh xuân này rất lạ, bởi có khi nghệ sĩ trẻ vẫn diễn rất “già”, mà nghệ sĩ già lại diễn rất “trẻ”. Ở đây, diễn viên có một khoảng trời để tung tăng, ít bị gò bó. Đôi khi họ đi chệch một chút so với bài bản sân khấu, nhưng chính cái ngẫu hứng thoải mái của họ tạo nên sức hút. Khán giả cũng góp thêm sức thanh xuân cho nghệ sĩ, họ tươi lắm, đôi lúc còn quậy một tí, hai bên cộng hưởng, cùng truyền cho nhau sức trẻ.
Diễn ở đây nghệ sĩ phải có cả khả năng ca hát nhảy múa, biết kết hợp âm nhạc, vũ điệu, kịch câm, đọc rap… Những vấn đề chuyên môn mà một nghệ sĩ sân khấu phải biết tích hợp xem ra không đến nỗi quá khó cho nơi này. Đặc biệt, ông bầu Ngọc Hùng đón nhận nhiều sinh viên mới ra trường hoặc mới học năm 2, năm 3, cho họ có nơi để rèn nghề. Anh tâm niệm: “Hồi xưa mình cũng là sinh viên, có được đất diễn là mừng dữ lắm. Bây giờ mình cũng phải nâng đỡ các em, từ chập chững mới thành giỏi, chứ lấy đâu ra người giỏi để mình xài liền”.Và từ nơi này mà Quang Tuấn, Khương Ngọc, La Thành, Diệu Nhi, Anh Tú, Thuận Nguyễn... đã tỏa sáng, thậm chí có người còn thành “sao”.

Đời có gì, kịch có ngay

Điều thú vị ở Thế Giới Trẻ là bắt kịp thời sự. Cuộc sống xảy ra sự việc gì là kịch bản mau chóng xuất hiện. Khi tình trạng cò mồi vây quanh bệnh viện, chèn ép các gia đình có người thân bị chết với giá mai táng cắt cổ, Thế Giới Trẻ có ngay vở Bí mật nhà xác. Khi xã hội rộ lên chuyện “phi công lái máy bay bà già” thì xuất hiện vở Bao giờ mẹ lấy chồng vừa vui vừa cảm động, nhân văn, khi kể về một mối tình vượt qua điều tiếng mà đến với nhau trong sự chân thành. Hoặc khi chuyện mẹ chồng nàng dâu rần rần trên phim ảnh với ý nghĩa tiêu cực, thì vở Mẹ chồng rắc rối lại phơi bày một góc khác đầy nhân hậu, rằng mẹ chồng nàng dâu vẫn có thể yêu thương nhau chứ không hẳn luôn đối nghịch.
Mảng bi kịch cũng chỉn chu, nghiêm túc, lấy nước mắt khán giả. Đời như ý chuyển thể từ tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Tư, là tình yêu hào hiệp của chàng thanh niên mù đã chở che cho cô bé thiểu năng khỏi cuộc đời vùi dập. Cõng mẹ đi chơi nao lòng với tình mẫu tử qua câu chuyện cậu bé khù khờ nhưng có trái tim hiếu thảo. Chúng ta thuộc về nhau đề cao tình cảm gia đình, khi mà người ta hay tranh giành quyền lợi đến quên cả máu mủ ruột thịt, lúc tỉnh ngộ mới hiểu một giọt máu đào hơn ao nước lã.
Kịch tình yêu ở đây chiếm đa số, với đủ thể loại ngôn tình, đồng tính, siêu quậy, tưng tửng, có lẽ để thỏa mãn nhu cầu của khán giả trẻ. Thế Giới Trẻ đã thâm nhập được vào thế giới yêu của người hôm nay, khiến họ thích thú như được nói giùm tâm sự. Tuy nhiên, đa số vở đề tài tình yêu còn mỏng, trò nhiều hơn chuyện, chưa tạo ấn tượng mạnh.
Và kịch ma cũng khá nhiều, với nhiều vở có vẻ hơi dễ dãi. Đạo diễn Ngọc Hùng tâm sự: “Kịch ma như một phong trào mà chúng tôi phải theo để kéo khách. Giờ chúng tôi đã làm ít lại rồi, mà tập trung và các vở tình yêu, tâm lý xã hội. Tôi thấy, các vở tâm lý xã hội tuy hiệu ứng chậm hơn một chút nhưng có thể diễn lâu dài. Suy cho cùng thì sân khấu cũng muốn có những vở tử tế chứ không thể chạy theo thị trường”. Đây là một định hướng đúng, khi sở trường làm vở tâm lý xã hội của Thế Giới Trẻ không hề thua kém các sân khấu đàn anh đàn chị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.