Muôn màu kịch sài gòn - Kỳ 3: Hài kịch Sài Gòn một thời lừng lẫy

Hoàng Kim
Hoàng Kim
03/06/2020 06:34 GMT+7

Sân khấu xã hội hóa thứ ba ra đời vào năm 1998 là Kịch Sài Gòn của ông bầu Phước Sang. Một sân khấu lừng lẫy một thời nhưng nay lại đang xuống dốc.

Định hướng hài kịch từ đầu

Lưu Phước Sang là người của thị trường nghệ thuật, cực kỳ nhạy bén. Đậu thủ khoa khóa 9 Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) nhưng khi đang là sinh viên thì Phước Sang đã biết sản xuất phim và hốt bạc. Năm 1990, anh bước sang lĩnh vực sân khấu với việc tổ chức các chương trình hài tại Nhà văn hóa Thanh niên mà địa điểm quen thuộc là 135 Hai Bà Trưng (Q.1). Những tiểu phẩm hài ngắn 15 phút nhanh chóng chiếm cảm tình khán giả, tập trung nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham gia. Mỗi đêm diễn có khoảng 10 tiểu phẩm, khán giả cười sảng khoái. Rồi người ta đặt cho nó cái tên tấu hài. Sau này, tấu hài lan rộng khắp các quận huyện.
Từ tấu hài tại 135 Hai Bà Trưng, sau đó Phước Sang mở rộng ra địa chỉ 59A Pasteur (Q.1), thành lập Kịch Sài Gòn năm 1998, với những vở hài kịch chính quy. Ông bầu Phước Sang thường chi cát sê khá cao nên nơi đây lập tức thu hút nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Hồng Vân, Việt Anh, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Mai Trần, Hoàng Sơn, Hữu Nghĩa, Minh Nhí, Hữu Châu… Hồi ấy, mở màn ra là thấy một trời “sao” từ vai chính tới vai phụ, khán giả mê mẩn là phải. Phước Sang định hướng rất rõ cho Kịch Sài Gòn là chỉ đi theo hài. Anh nói: “Làm chính kịch thì tôi không cạnh tranh nổi với 5B và IDECAF, cho nên tôi chọn hài, là sản phẩm “không đụng hàng”. Vả lại, sân khấu phải có món này món nọ chứ”.
Nói cho công bằng, tấu hài lẫn kịch hài trong 10 năm đầu rất nghiêm túc, không tào lao mà có nội dung, ý nghĩa, gây ấn tượng tốt cho người xem, thậm chí làm người ta cười rồi khóc ngon lành.
Nhớ mãi vở Mẹ yêu, nghệ sĩ Hồng Nga đóng vai người mẹ có 4 đứa con bất hiếu, không đứa nào muốn nuôi mẹ nên đùn đẩy bà ở mỗi nhà một tháng, rồi làm những trò gian xảo để cân mẹ. Và khán giả khóc như mưa khi bà mẹ nói những lời như trăn trối cùng các con. Ở đâu có anh hùng là một vở phản ánh thời sự khi mẫu người Lục Vân Tiên thời đại lại bị làm khó dễ. Nhưng cái khí chất “kiến nghĩa bất vi vô dõng dã” đã ăn sâu vào máu của người Sài Gòn, thế là họ vẫn lao vào việc nghĩa. Lê Quốc Nam khi ấy đóng vai người anh hùng thật thuyết phục với ngoại hình hơi bặm trợn nhưng lối diễn rất cảm động. Rồi chuyện quan liêu ở cơ quan hành chính (vở Quả bom điếc), chuyện con gái chê mẹ nghèo (vở Xóm gà)… đều đưa lên sân khấu với ngôn ngữ châm biếm chua cay, hoặc như lời khuyên nhủ chân tình. Có vài chục vở xứng đáng gọi là “hài” bằng nội dung tử tế chứ không chỉ bằng mảng miếng chọc cười.

Đến kịch ma xâm chiếm

Sau giai đoạn rực rỡ thì Kịch Sài Gòn bắt đầu đi vào các kịch bản hài có nội dung mỏng dần, không đọng lại bao nhiêu trong lòng khán giả. Đến khi có phong trào kịch ma thì nơi đây dàn dựng liên tục các vở ma. Khi từ địa điểm ở Pasteur dời về rạp Đại Đồng ở Cao Thắng (Q.3) thì kịch mục hầu như chỉ thấy các vở ma. Nghệ sĩ Mạnh Tràng, người thay Phước Sang quản lý Kịch Sài Gòn, có lần tâm sự: “Tôi cũng có dựng thêm các vở hài tâm lý xã hội chen vào, nhưng không hiểu sao bán vé không được. Rốt cuộc xếp kịch ma thì ổn hơn”.
Kịch ma nơi đây nhiều vở có nội dung cũng tốt, như vở Áo đợi người khiến khán giả khóc vì tình mẫu tử, hoặc có vở nói về vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn làm người ta đau nhói cả lòng. Tuy nhiên, càng về sau thì các vở càng yếu hơn, thời lượng ngắn chừng 100 phút, mà dành cho các lớp diễn hù dọa khá nhiều, còn lại nội dung không bao nhiêu, có lẽ vì thế mà vé bán được ít dần.
Kịch Sài Gòn từ thời Phước Sang đến thời Mạnh Tràng quản lý đều giữ được “truyền thống” là diễn suốt từ thứ hai đến chủ nhật, giờ đến lượt nghệ sĩ Phương Bình quản lý cũng cố gắng giữ lịch như thế. Nhưng Phương Bình chia sẻ: “Tôi đề nghị với anh em nghệ sĩ là đồng cam cộng khổ. Doanh thu bán vé trừ đi tiền thuê rạp, tiền điện, nước, âm thanh, ánh sáng, còn lại bao nhiêu thì chia đều cho diễn viên, vai chính - phụ cũng lãnh bằng nhau. Từ từ rồi tôi và anh Hữu Nghĩa sẽ tính kế hoạch khác để vực dậy sân khấu. Chúng tôi đều yêu mến nó, không thể để nó lụi tàn. Nhưng điều khó khăn nhất cho chúng tôi là hợp đồng thuê địa điểm ký chỉ được 6 tháng thôi, sau đó ký lại. Kiểu ấy thì làm sao dám lên kế hoạch đầu tư vở mới, bởi bỏ vài chục triệu vô dựng, rủi không được ký lại hợp đồng là “chết” luôn!”.
Thật sự dàn diễn viên hiện nay của Kịch Sài Gòn đều trẻ đẹp và có nghề. Vấn đề là địa điểm biểu diễn không ổn định, và phải gầy dựng lại cái gu xem kịch, thay thế cho kịch kinh dị đã thoái trào. Mà tập lại thị hiếu xem ra rất cần thời gian, không thể nào nóng vội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.