Cuộc họp báo giới thiệu vở diễn Cây gậy thần (Chử Đồng Tử - Tiên Dung) ngày 18.9 tại Hà Nội có nhiều tiết mục biểu diễn nho nhỏ. Nghệ sĩ xiếc Bích Liên, người vừa lưu diễn ở châu Âu suốt 2 năm qua với vở Sông trăng, có tiết mục uốn dẻo. Cặp nghệ sĩ cải lương Minh Hải - Quỳnh Như ca một đoạn trong vở Cây gậy thần. Vở diễn đặt hàng của Bộ VH-TT-DL này sẽ có cả 2 yếu tố. “Tôi gọi đó là nhạc kịch xiếc. Nếu nhạc kịch thường dùng opera thì ở đây, phần âm nhạc chính là cải lương”, NSND Triệu Trung Kiên, đạo diễn vở, nói.
Sự kết hợp này, theo ông Kiên, là đi tiếp những thể nghiệm của cả Liên đoàn Xiếc Việt Nam lẫn Nhà hát Cải lương Việt Nam. Ở đó, từ lâu rồi xiếc không chỉ là tiết mục mà đã có vở diễn dài. Các diễn viên không chỉ diễn xiếc mà đã nhập vai nhân vật, còn cải lương chịu ảnh hưởng rất nhiều các loại hình nghệ thuật phương Tây. Cả hai đều muốn thay đổi và gặp nhau ở chỗ cải lương tiến gần đến giải trí hơn, còn xiếc tiến gần đến sân khấu hơn.
Và xiếc, vì thế, sẽ chỉ xuất hiện khi trạng thái nhân vật yêu cầu chứ không phải minh họa. Chẳng hạn, ở cảnh Chử Đồng Tử trên thuyền đi ra biển lớn, thông thường cải lương sẽ chỉ ước lệ điều đó bằng cách để nhân vật chèo chiếc mái chèo thôi. Tuy nhiên, ở vở diễn cải lương - xiếc này, con thuyền đó sẽ lớn choáng ngợp và nhân vật có thể bay lên. Hay ở cảnh một nhân vật phản diện biến người dân thành lợn gà, hiệu ứng của xiếc sẽ thể hiện điều đó rất tốt.
Cũng vì vậy, NSND Tống Toàn Thắng (đồng đạo diễn, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam) cho biết: “Chúng tôi không giới thiệu là vở cải lương, không giới thiệu là vở xiếc, mà là sự kết hợp giữa nghệ thuật cải lương và nghệ thuật xiếc. Điều quan trọng, chúng tôi sẽ tạo ra trường cảm xúc cho khán giả”. Vở diễn cũng sẽ có cả 2 phiên bản: một diễn ở sân khấu tròn của rạp xiếc, một diễn ở sân khấu hộp để có thể mang đi diễn ở các địa phương khác.
Nhưng cũng vì sự kết hợp đó, các nghệ sĩ phải học tập nhiều hơn. Những hình ảnh được chia sẻ trên Facebook cá nhân của ông Trần Khải, một lãnh đạo Nhà hát Cải lương Việt Nam, cho thấy các diễn viên cải lương đã phải học cưỡi ngựa và đu dây. Trong khi đó, các diễn viên xiếc cũng phải tập quen với nền âm nhạc, tiết tấu của cải lương mà trước đây họ chưa từng diễn cùng. Kịch bản cải lương của NSND Lê Thế Song, cũng được biên tập lại cho phù hợp với vở diễn. Kịch bản gốc dài 2 tiếng rưỡi đã được chỉnh lại chỉ còn 1 tiếng rưỡi, với những đoạn tinh hoa nhất, đắt giá nhất.
Về kinh phí, Cây gậy thần cũng là một vở diễn thú vị. Số tiền đặt hàng của Bộ VH-TT-DL cho các nhà hát chỉ đủ để dựng 1 vở tầm tầm. Chính vì thế, cả hai nhà hát đã đem kinh phí gộp lại theo tinh thần “góp gạo thổi cơm chung”.
Bình luận (0)