Ngồi canh ti vi để thu tác quyền

23/04/2015 07:00 GMT+7

Không ít lần, nhiều chương trình truyền hình đã 'quên' xin phép tác giả, thậm chí 'lờ' cả việc trả tiền bản quyền. Nổi bật mới đây là vụ nhạc sĩ Trần Lập lên tiếng việc ca khúc Người đàn bà hóa đá của anh được 'vô tư' sử dụng trong chương trình The Remix (Hòa âm - ánh sáng).

Không ít lần, nhiều chương trình truyền hình đã “quên” xin phép tác giả, thậm chí “lờ” cả việc trả tiền bản quyền. Nổi bật mới đây là vụ nhạc sĩ Trần Lập lên tiếng việc ca khúc Người đàn bà hóa đá của anh được “vô tư” sử dụng trong chương trình The Remix (Hòa âm - ánh sáng).

Ê kíp sản xuất chương trình The Remix đã không xin phép nhạc sĩ Trần Lập về việc sử dụng ca khúc Người đàn bà hóa đá - Ảnh: L.V.P.H
Ê kíp sản xuất chương trình The Remix đã không xin phép nhạc sĩ Trần Lập về việc sử dụng ca khúc Người đàn bà hóa đá - Ảnh: L.V.P.H
Một trong những lĩnh vực mà CJ E&M (Hàn Quốc) đầu tư tại VN là điện ảnh, gồm sản xuất và phát hành phim. Chỉ một thời gian sau, công ty giải trí và truyền thông hàng đầu Hàn Quốc này đã phải e dè trước tình trạng vi phạm bản quyền.
Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, đã ứng dụng những công nghệ, phần mềm tính được số lượng cũng như tần suất sử dụng, lượt nghe, lượt tải nhạc cụ thể, chính xác. Có nhiều công nghệ, phần mềm được thiết kế phù hợp với từng hình thức sử dụng. Chẳng hạn những phần mềm khác nhau gắn vào các thiết bị điện tử của mỗi kênh truyền hình, các trang nhạc trực tuyến, các quán karaoke... để đếm số lượt sử dụng ca khúc.
Trong buổi hội thảo Bản quyền tác giả VN - Hàn Quốc vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Jung Tae-sun, Tổng giám đốc CJ E&M tại VN, dù giữ thái độ ngoại giao nhưng vẫn thẳng thắn chia sẻ: “Nhiều bộ phim vừa được chúng tôi mua bản quyền với số tiền lớn đã nhanh chóng xuất hiện trên internet. Đây thực sự là vấn đề cần được quan tâm”.
Âm nhạc là một trong những lĩnh vực đang bị vi phạm bản quyền nhiều nhất tại VN. Theo thông tin từ Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC), việc thực thi tác quyền âm nhạc trong lĩnh vực truyền hình đang có khoảng trống lớn. Nhiều đơn vị truyền hình chưa thực thi việc trả tiền tác quyền âm nhạc. Trong lĩnh vực nhạc số, tình hình cũng không mấy khả quan. Mặc dù 4 trang web nhạc số lớn đã trả tiền tác quyền, nhưng việc chi trả lại chưa chính xác và đầy đủ. Ngoài ra, VCPMC cũng chưa thể thu tiền bản quyền cho nhạc ứng dụng cung cấp trên các thiết bị điện thoại, ti vi thông minh (smartTV) và máy tính bảng.
Tính tác quyền bằng... tay !
Trong khi hình thức vi phạm ngày càng đa dạng và tinh vi hơn, nhất là trong thời đại kỹ thuật số, thì cách thức cũng như phương tiện thu tác quyền tại VN lại đang quá lạc hậu. Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC đã kể câu chuyện cười ra nước mắt trong việc thu tiền tác quyền tại VN. VCPMC hiện chưa có công nghệ kiểm soát âm nhạc trên sóng truyền hình, phát thanh, kiểm soát nhạc số trên nền internet và các thiết bị di động, chưa có công nghệ phân phối tiền tác quyền cho tác phẩm âm nhạc được sử dụng..., nên trong nhiều lĩnh vực, việc tính tiền tác quyền phải làm theo phương thức thủ công.

Chúng tôi phải cử nhân viên ngồi xem tất cả các kênh truyền hình hằng ngày để ghi nhận lại những nội dung âm nhạc được phát sóng

Nhạc sĩ Phó Đức Phương,
Giám đốc VCPMC
“Chúng tôi phải cử nhân viên ngồi xem tất cả các kênh truyền hình hằng ngày để ghi nhận lại những nội dung âm nhạc được phát sóng”, ông Phương nói. Dù vậy, VCPMC có cố gắng lắm cũng chỉ có thể kiểm soát được các kênh của VTV, tức là chỉ 2% tổng số lượng chương trình và các kênh phát sóng.
Bên cạnh đó, VCPMC chưa kiểm soát lượng bài hát được sử dụng, cũng chưa có công cụ hỗ trợ để kiểm soát về tần suất sử dụng bài hát của đơn vị sử dụng để từ đó phân phối tiền thu được cho các tác giả. Vì thế, có trường hợp VCMPC phải phân phối tiền cho tác giả trong danh sách theo hình thức bình quân. Theo một chuyên gia kỹ thuật của VCPMC thì các đài truyền hình phải cho kết nối mạng để cài phần mềm đếm số lượt chương trình sử dụng ca khúc, mà điều này hiện nay tại VN chưa thể thực hiện.
Việc thiếu công nghệ lẫn cơ chế minh bạch là nguyên nhân dẫn đến không chỉ việc thu mà cả phân phối tiền tác quyền trong nhiều trường hợp không được rạch ròi, nhưng Giám đốc VCPMC than chẳng biết làm cách nào vì trung tâm không thể tự dùng nguồn kinh phí của mình mà “chỉ có thể trông cậy vào nguồn kinh phí đầu tư, tài trợ” mà thôi.
Để thực thi tác quyền cần cả xã hội đồng lòng
Đó là ý kiến của ông Peter Fowler, Tùy viên chuyên trách sở hữu trí tuệ khu vực Đông Nam Á của Cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO) tại buổi hội thảo về quyền sở hữu trí tuệ trong âm nhạc do Tổng lãnh sự quán Mỹ vừa tổ chức tại TP.HCM. Ngoài ông Fowler chủ trì buổi hội thảo, có các diễn giả đến từ Universal Music, POPS Worldwide, Motion Picture Association of America, các công ty luật... và saxophone Trần Mạnh Tuấn tham gia.
Theo ông Fowler, VN đã có bước chuyển biến lớn về tác quyền so với 20 năm trước, tuy nhiên muốn mọi người có ý thức hơn về điều này trước tiên cần phải quan tâm đến giáo dục. “Để thực thi tác quyền cần cả xã hội đồng lòng. Từ doanh nhân đến công chúng rồi cả chính quyền, bởi nếu không chuyện tác quyền rất khó được tôn trọng. Khi tác quyền được thực thi sẽ kéo theo nhiều sự quan tâm không chỉ của nghệ sĩ thế giới đến VN biểu diễn mà còn cả những nhà đầu tư kinh tế, dịch vụ”, ông Fowler nói. Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đưa ý kiến: “Những người sử dụng âm nhạc cần ý thức tác quyền vì điều này thúc đẩy sự phát triển của ngành âm nhạc nói riêng và giải trí nói chung.
Chúng ta có VCPMC nhưng chưa đủ sức chế tài do lực lượng kiểm soát quá mỏng, không thể phát hiện cũng như xử lý hết những trường hợp sử dụng hay sao chép tác phẩm âm nhạc mà không trả tác quyền. Mặt khác rất cần công an văn hóa vào cuộc. Theo tôi, vi phạm tác quyền âm nhạc không chỉ xử lý bằng hình thức chế tài mà còn phải nâng cao ý thức người dân. Truyền thông cũng là kênh quan trọng để công chúng biết đến tác quyền”.
Đ.T
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.