Nguyễn Hữu Cảnh trên sân khấu cải lương

Hoàng Kim
Hoàng Kim
26/09/2020 06:23 GMT+7

Nhà hát Trần Hữu Trang (TP.HCM) vừa ra mắt vở Nguyễn Hữu Cảnh (tác giả: Phạm Dũng, chuyển thể cải lương: Phạm Văn Đằng, đạo diễn: Minh Trường). Một vở cải lương lịch sử rất đẹp, vừa hào hùng vừa trữ tình.

Nguyễn Hữu Cảnh được nhân dân tôn là “Thành hoàng” vì ông có công khai phá, phát triển vùng đất Đồng Nai - Gia Định. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cử ông vào xứ này kinh lược. Ông phá tan những cuộc quấy rối của quân Chân Lạp, mở rộng đất đai hơn nghìn dặm, hoạch định cương giới, ổn định dân tình, khai khẩn ruộng nương, định ngạch tô thuế... Ông biến Đồng Nai - Gia Định thành nơi trù phú, sau này quả đúng là viên ngọc của đất phương Nam.
Vở cải lương Nguyễn Hữu Cảnh khắc họa lại giai đoạn Nguyễn Hữu Cảnh chuẩn bị thu phục Chân Lạp, phải đối phó với những âm mưu nội gián nguy hiểm. Quốc vương Chân Lạp đã cài nàng Huyền Thư (Nhã Thy đóng) vào tiếp cận Nguyễn Hữu Cảnh. Ngược lại, chúa Nguyễn Phúc Chu cũng ra lệnh cho em mình là Nguyễn Phúc Kinh dùng khổ nhục kế thâm nhập vào triều đình Chân Lạp. Và xen giữa 2 mưu kế đó là nhân vật chính Nguyễn Hữu Cảnh cũng phải diễn một màn khổ nhục kế. Từ một vị quan oai dũng trấn biên, ông bị chúa giáng chức, lưu lạc lẩn trốn, rồi dần dần phá tan âm mưu của Huyền Thư. Nhiều chi tiết đầy kịch tính được giấu rất khéo, khiến khán giả hồi hộp và đầy cảm xúc. Tiết tấu nhanh, phù hợp với thời đại mới.
Nhưng bên cạnh nội dung đầy vẻ “chính trị” đó vẫn có màu sắc “ngôn tình” hấp dẫn. Nàng Huyền Thư đã yêu Nguyễn Hữu Cảnh thật lòng, ngược lại ông cũng có cảm tình với nàng như một tri âm cùng hòa thơ hòa nhạc. Tiếc thay, bàn cờ chính trị không cho phép ai nhượng bộ. Cuối cùng Huyền Thư chấp nhận hy sinh. Một chút hư cấu khiến nhân vật Nguyễn Hữu Cảnh mềm mại hơn, nổi rõ thân phận con người trong chiến tranh đôi khi không thể sống cho riêng mình mà phải vì đại cuộc. Kẻ thắng người thua đều có nỗi đau.
NSƯT Lê Tứ thể hiện vai Nguyễn Hữu Cảnh tuyệt vời. Phong thái của anh vừa hào hoa vừa oai dũng, và giọng ca đẹp như lụa, nghe qua thì mạnh mẽ, kiên cường, nghe kỹ thì như rưng rưng, chính là điểm mạnh của Lê Tứ. Nghệ sĩ Nhã Thy vai nàng Huyền Thư đẹp mong manh. Khán giả còn xuýt xoa bởi một loạt giọng ca vàng cất lên, vô vọng cổ khiến người ta rung động. Những cái tên rất quen như Nguyễn Văn Khởi, Tô Tấn Loan, Nguyễn Văn Hợp, Hà Như... đều có tên trong các giải Chuông vàng vọng cổ, Trần Hữu Trang... quả thật xứng đáng.
Càng bất ngờ hơn khi đây cũng là vở tốt nghiệp của nghệ sĩ Minh Trường, Chuông vàng vọng cổ 2014. Thi xong, anh trở thành kép chính của Nhà hát Trần Hữu Trang, nhưng lại kiên nhẫn vào học Khoa Đạo diễn Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM suốt 4 năm. Và vở đầu tay dàn dựng mà đủ sức bán vé, thật đáng mừng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.