Nhạc sĩ Hoài An bức xúc bị Sky Music vi phạm bản quyền

07/04/2018 14:26 GMT+7

'Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả hoàn toàn rất rõ ràng trên thế giới, tuy nhiên ở nước mình vẫn còn một số pháp nhân kinh doanh không hiểu hoặc bất chấp bản chất sự việc', nhạc sĩ Hoài An bức xúc.

Nhạc sĩ Hoài An là một trong những tác giả bị Sky Music tự ý tuyên bố có bản quyền để kinh doanh, với số tác phẩm lên đến 192 ca khúc, trong khi đơn vị này trước đó chưa bao giờ liên hệ với anh.
Theo nhạc sĩ Tình thơ, tất cả tác phẩm âm nhạc của anh chỉ được ủy quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), và VCPMC cũng chưa có ký kết nào với Sky Music.
192 tác phẩm của nhạc sĩ Hoài An bị Sky Music vi phạm bản quyền
* Anh nghĩ thế nào khi trong thế giới phẳng rồi vẫn có đơn vị khai thác kinh doanh nhạc số mà không nghĩ đến vấn đề bản quyền như vậy?
Nhạc sĩ Hoài An: Có hai khả năng: một là họ hiểu không đúng về Luật Sở hữu trí tuệ, hai là họ hiểu mà cố tình tìm cách "bẻ" câu chuyện bản quyền theo cách có lợi cho họ. Cá nhân tôi nghĩ nghiêng về khả năng thứ hai, vì các công ty tham gia thị trường kinh doanh nhạc số hầu hết là những công ty lớn có nhiều phòng ban. Tuy nhiên, nếu đã kinh doanh âm nhạc mà còn muốn "xoay" vấn đề bản quyền của các nhạc sĩ thì tôi thấy thật quá đáng.
* Theo anh, kẽ hở ở đây là gì? Phải chăng vấn nạn vi phạm bản quyền vẫn còn chưa được xử lý nghiêm và đủ mạnh?
Thật ra, người kinh doanh tử tế sẽ muốn đồng hành để cùng phát triển. Tuy nhiên, câu chuyện bản quyền ở nước ta thường là sử dụng trước khi xin phép, rồi khi bị phát hiện thì tìm mọi cách "lách", giải quyết "hậu quả" bằng các mối quan hệ quen biết... Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả hoàn toàn rất rõ ràng trên thế giới, tuy nhiên ở nước mình vẫn còn một số pháp nhân kinh doanh không hiểu hoặc bất chấp bản chất sự việc, tìm cách suy diễn vận dụng sai về các điều khoản quy định về quyền tác giả. Hai vi phạm phổ biến:
Một là tái phân phối: VCPMC cấp phép cho công ty A, với điều khoản là công ty A khai thác dịch vụ cho người nghe cuối (end-user) tại một địa chỉ web xác định, và không được tái phân phối đến một công ty khác. Tuy nhiên, sau đó công ty A lại "bán" hay chia sẻ lợi nhuận với công ty B bằng một hình thức kinh doanh nào đó của B không phải là website của công ty A.
Hai là kinh doanh ngoài thỏa thuận ban đầu, quyền liên quan (ghi âm, ghi hình, biểu diễn) đến quyền tác giả, xác định bằng một thỏa thuận phạm vi cụ thể (CD, DVD, chương trình biểu diễn...) giữa nhà sản xuất, người biểu diễn, và tác giả. Khi phát sinh một hình thức kinh doanh mới thì công ty muốn kinh doanh bản ghi âm / ghi hình đã có trước hết phải liên hệ xin phép tác giả và thanh toán bản quyền. Ví dụ, cùng một bản ghi âm Bên em mùa xuân, có năm xuất hiện cùng lúc trên 3 album Xuân của Bến Thành AV nhưng họ trả tiền bản quyền cho tôi đến 3 lần chứ không phải một, lý do là 3 chương trình khác nhau. Và do thỏa thuận là phát hành CD nên nếu bản ghi âm này sử dụng nghe online, nhạc chuông - chờ, quảng cáo... khác mục đích ban đầu thì phải liên hệ và thanh toán bản quyền hoặc có hợp đồng với tác giả trước khi sử dụng
Hoài An cũng như một số nhạc sĩ khác đều cho rằng chưa bao giờ có một đơn vị kinh doanh âm nhạc lại bị "bể" bản quyền như vậy
* Anh có nghĩ rằng một trong những lý do cản trở sự phát triển của nền âm nhạc một nước là vì thiếu ý thức trong việc tôn trọng bản quyền?
Âm nhạc cũng chỉ là một phần của sở hữu trí tuệ nói chung. Một đất nước, một xã hội muốn tiến bộ, cần trân trọng tài sản vô hình, sáng tạo của tác giả. Cho dù đó là một ca khúc, một bài thơ, vở kịch, kịch bản (tác phẩm văn học nghệ thuật) hay lớn lao như một công trình khoa học. Hầu hết các nhạc sĩ đã ủy quyền tất cả các tác phẩm của mình cho VCPMC, nên nếu có vi phạm bản quyền ở mức độ nghiêm trọng, VCPMC hoàn toàn có khả năng đại diện cho các nhạc sĩ khởi kiện.
* Phải chăng khi công nghệ phát triển quá nhanh, văn hóa của người thực thi, ở đây là người làm công việc liên quan đến văn hóa, không theo kịp?
Câu hỏi hơi rộng, vì có người làm công việc sáng tác, biểu diễn (chuyên môn), có người làm quản lý, điều hành… Tuy nhiên dù ở cương vị nào, ta không thể phủ nhận là sự tiến bộ gần như từng ngày của công nghệ hiện đại đã tác động đến rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nhạc số. Công nghệ mang đến rất nhiều lợi ích thì chắc chúng ta đều thấy. Tuy nhiên cũng mặt trái vấn đề tồn tại như hiện tượng một số sản phẩm âm nhạc có nội dung rất phản cảm lại dễ dàng đưa lên mạng. Với cá nhân tôi, tôi cũng đơn giản làm nghề "có tâm"; không ngừng học hỏi chuyên môn nhạc, cập nhật công nghệ mới, tìm hiểu về Luật Sở hữu trí tuệ. Thật ra làm ngành nào cũng vậy, cần có "tâm" với công việc, tôn trọng đồng nghiệp và các đối tác để cùng phát triển, đó mới chân chính là đường dài.
* Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.