Nhạc sĩ Phú Quang tự ái không nhận giải thưởng cho 'Em ơi Hà Nội phố'

27/11/2016 14:47 GMT+7

Trong Giai điệu tự hào Nỗi nhớ mùa đông tối 26.11, nhạc sĩ Phú Quang tiết lộ từng định không nhận giải thưởng cho tác phẩm Em ơi Hà Nội phố vì ý kiến trái chiều.

Em ơi Hà Nội phố đã trở thành bài hát được Hội đồng bình chọn chọn nhiều nhất trong tối 26.11 của Giai điệu tự hào tháng 11 Nỗi nhớ mùa đông. Chương trình là tổng hợp của những bài hát mùa đông từ ngày chống Pháp tới chống Mỹ sau này. Đây cũng là một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Phú Quang. Vì thế, khá thú vị khi ông Quang chia sẻ về sự tự ái của mình: “Sau khi thu âm xong bài hát Em ơi! Hà Nội - Phố, nhiều người nói họ không thể cho vào băng được, vì họ nghĩ viết về Hà Nội là phải ca ngợi, hào hùng. Nhưng đôi khi, tình yêu đích thực đâu phải lúc nào cũng cứ ồn ào. Nếu người ta không biết yêu những điều bé nhỏ thì không biết yêu điều lớn lao. 2 năm sau, bài hát được giải thưởng sáng tác về Hà Nội, tôi đã không muốn đi nhận giải”.
Ca sĩ Phương Anh thể hiện bài Em ơi Hà Nội phố Ảnh BTC cung cấp
Họa sĩ Phan Vũ, tác giả phần lời là người đã khuyên nhạc sĩ Phú Quang đi nhận giải thưởng đó cho cả hai. Một năm sau khi giải thưởng công bố, Phú Quang mới nhận giải.
Trên sân khấu, bài hát được dàn dựng với rất nhiều tranh của họa sĩ Phan Vũ- tác giả phần lời. Bài thơ được viết ngay mùa đông 1972, khi Mỹ ném bom và tuyên bố sẽ đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá cũ. Ra đời trong căn gác nhỏ trên phố Hàng Bún, bài thơ có 23 khổ, 273 câu. “Bài hát có rất nhiều, luôn có điệp từ: ta còn em, ta còn em. Vì Mỹ nó bảo cho mình về thời kỳ đồ đá”, ông Vũ nhớ lại.
Bản thân nhạc sĩ Phú Quang cũng cảm đoạn thơ của ông Vũ mà mình phổ nhạc ngay. “Bài thơ có nhiều đoạn, nhưng tôi chỉ chọn đoạn đó”, ông Quang nhớ lại. Bài hát ra đời sau 2 ngày nhạc sĩ Phú Quang được nghe bài thơ.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết câu thơ “Tiếng dương cầm trong ngôi nhà đổ” chính là nói về một phòng thu của Đài tiếng nói Việt Nam khi ấy. Căn nhà đã bị bom đánh gãy đôi. Bà cũng cho rằng, bản phối bài ca theo phong cách rock có sự đầy đặn của ca từ được hát đến tận đáy. Đó cũng chính là sự lãng mạn trên nước mắt.
Nhà nhiếp ảnh Hữu Bảo cũng chia sẻ ký ức về sự yên lặng kỳ lạ của những đêm Hà Nội tháng 12.1972. “Những người làm việc ở Hà Nội đương nhiên tham gia dân quân tự vệ. Hà Nội tháng 12.1972 có độ thay đổi không gian trong ngày. Đó là sự thường trực sống và chết. Khi B52, gặp nhau chào nhau có người chào vĩnh biệt. Phố cổ cũng như ngày xưa thôi. Trong nỗi sợ, sự tàn lụi của phố xá mà anh Phan Vũ, anh Phú Quang thấy tôi nhớ lại những ngày đó. Yêu Hà Nội từ cây bàng, từ góc phố, mà gọi là em thì cực kỳ kỳ diệu. Nó cũng ảnh hưởng tới nhữn bức ảnh Hà Nội tôi chụp sau này”, ông Bảo nói.
Nhà báo Thu Hà chia sẻ về sức sống mạnh mẽ của bài ca hồi những năm 1990. Nó đánh tan thời kỳ hoành hành của nhạc nước ngoài lời Việt. Những show ca nhạc của Phú Quang khi đó từ 3-7 đêm và lúc nào cũng đông. “Và bao giờ cũng là Em ơi Hà Nội phố đầu tiên. Ở những thành phố không có mùa đông mà người ta vỗ tay điên cuồng”, bà Hà nhớ lại.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng phần dàn dựng Bài hát ru mùa đông chưa đạt Ảnh BTC cung cấp
Ca sĩ Thu Phương với bài Nỗi nhớ mùa đông đã không nhận được nhiều bình chọn của hội đồng giám khảo Ảnh BTC cung cấp
Những mùa đông trong Giai điệu tự hào Nỗi nhớ mùa đông đều mang trong mình các câu chuyện lịch sử. Áo mùa đông do Năm dòng kẻ hát kể về mùa đông cả nước cùng đan áo len cho chiến sĩ hồi 1946. Khi ấy, Bác Hồ phát động phong trào “Mùa đông binh sĩ”, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Một chiếc áo len của Bác tặng đã được mang đấu giá. Ông Trương Văn Thìn - một chủ cửa hàng bánh ngọt có tiếng thời bấy giờ - đã giành được quyền sở hữu chiếc áo với tổng số tiền đấu giá tương đương gần 200 lượng vàng. Nhờ thế, hàng trăm, hàng nghìn bộ đội có áo ấm mặc trong mùa đông buốt giá. Gửi nắng cho em, Bài hát ru mùa đông kể về nỗi nhớ rét của những người rời Hà Nội vào Nam…
Nhiếp ảnh gia Hữu Bảo chia sẻ về những mùa đông Hà Nội đã qua Ảnh BTC cung cấp
Tái hiện hình ảnh đan áo ấm chiến sĩ mùa đông 1946 Ảnh BTC cung cấp
Hội đồng giám khảo cho rằng á quân X-factor Tuấn Phương đã rất dũng cảm khi hát Gửi nắng cho em Ảnh BTC cung cấp
Vũ Thắng Lợi hát Quê hương anh bộ đội Ảnh BTC cung cấp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.