Nhạc sĩ Vũ Thành An bất ngờ vào vai diễn người nhạc sĩ si mê giai nhân

05/04/2019 21:11 GMT+7

Nhạc sĩ Vũ Thành An bất ngờ tham gia diễn xuất trong MV Giai nhân với ca khúc do ông viết nhạc, ca sĩ Ngọc Châm viết lời.

MV Giai nhân được dàn dựng mang màu sắc hoài cổ, gợi nhớ đến những giai nhân trong làng nhạc thập niên 60 - 70. Với bối cảnh là một sân khấu phòng trà xưa, nữ ca sĩ Ngọc Châm trong hình ảnh của một giai nhân thập niên cũ trình diễn trên sân khấu.

Ở một góc của phòng trà, nhạc sĩ Vũ Thành An xuất hiện trong hình ảnh người nhạc sĩ từng mê đắm, mộng mơ với giọng ca của giai nhân. Chứng kiến những năm tháng đổi dời, sự thay đổi của giai nhân qua thời gian, người nhạc sĩ vẫn cứ giữ hình ảnh của giai nhân năm nào trong ký ức của mình. Ông đã đặt bút viết nên bản nhạc mang đầy những kỷ niệm.

Khi được hỏi ngoài đời ông có si mê giai nhân để viết ca khúc như vậy, nhạc sĩ Vũ Thành An nói: “Nếu gặp người đẹp không chỉ nhan sắc mà cả tâm hồn, tôi sẽ ca ngợi vẻ đẹp đó”.

Ngoc-Cham
Ca sĩ Ngọc Châm vào vai hình ảnh giai nhân thập niên cũ Ảnh NSCC

Nhiều người trong ê kíp thực hiện MV đã rất bất ngờ vì nhạc sĩ Vũ Thành An chỉ diễn trong một đúp quay đã đạt. Nhạc sĩ Vũ Thành An chia sẻ, thật ra, ông đã 2 lần đóng phim, trong đó có một bộ phim của đạo diễn Hà Thúc Cần quay tại Huế vào năm 1969. Ông để ý đến một nữ diễn viên trẻ tuổi là cô gái Huế có vóc dáng mảnh mai cùng mái tóc dài.

Nhạc sĩ kể, trong đoàn phim cũng có một người cảm mến nữ diễn viên, nhưng cô đã từ chối lời tỏ tình của người đó. Một hôm Huế bị lụt, đoàn phim không thể quay được nên được nghỉ, nhạc sĩ Vũ Thành An đánh bạo mời nữ diễn viên mà ông cảm mến đi chơi, không ngờ, cô đã nhận lời ngay. Dù vậy, sau khi bộ phim đóng máy, mỗi người trở về với cuộc sống riêng và không gặp nhau từ dạo ấy. Ông đã viết ca khúc Tình xưa gái Huế với những kỷ niệm ấy.

Giai-nhan
Hình ảnh trong MV Giai nhân Ảnh NSCC

Nhạc sĩ Vũ Thành An cũng tiết lộ về sự ra đời ca khúc Đời đá vàng. “Tôi viết đoạn đầu tiên của bài hát vào cuối năm 1974”, ông nói. Lúc đó, nhạc sĩ 31 tuổi, mặc dù đã có những thành công, nhưng ông không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống của mình. Đó cũng là lý do vì sao ông viết: “Ô hay tại sao ta sống chốn này/Quay cuồng mãi hoài có gì vui”.

Đến năm 1993, khi sang Mỹ, ông mới viết đoạn tiếp theo của ca khúc, trong đó có câu: “Có một thời khóc than mới hiểu đời đá vàng”. Đến năm 2002, khi đã đi tu được 7 năm, ông mới hiểu được cuộc đời phải có đá, có vàng, có hạnh phúc lẫn khổ đau.

“Nếu mình chấp nhận hạnh phúc thì mình cũng phải chấp nhận những đau khổ. Khi mình đã trải qua những khổ đau, mình mới thấy lý lẽ của cuộc sống, thì mình mới cảm tạ biết ơn có được đời đá vàng”, nhạc sĩ nói. Bởi vậy, câu cuối cùng của bài hát, ông đã viết: “Hãy cảm tạ, biết ơn có được đời đá vàng”.

“Cuộc đời có hạnh phúc, đau khổ nhưng đáng sống. Đến bây giờ, tôi cảm ơn cuộc đời, cảm tạ, biết ơn có một đời đá vàng. Một trong những biết ơn đó là việc được gặp những bạn trẻ”, ông chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.