Nhầm lẫn ảnh danh nhân trong sách

13/10/2020 06:05 GMT+7

Nhiều cuốn sách khi sử dụng ảnh danh nhân đã thiếu kiểm chứng dẫn đến tình trạng “ông chẳng bà chuộc”.

Tên người sống, ảnh người chết

Trong sách Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1930 - 2019) do Phạm Chí Thành chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành đầu năm 2020, viết thông tin về ông Võ Thanh Bình, sinh năm 1951, quê xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa X, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau. Tuy nhiên ảnh chân dung là cố thượng tướng Song Hào (1917 - 2008), Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Lý giải về sai sót này, đại diện Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật cho biết đó là sơ suất của bộ phận kỹ thuật. Đơn vị đã cho tiến hành kiểm tra toàn bộ cuốn sách và xử lý sai sót nêu trên. Còn việc nhiều ủy viên BCH Trung ương các khóa không có ảnh hoặc có những thông tin khác nhau về tiểu sử, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật giải thích rằng đơn vị này căn cứ theo hồ sơ cung cấp của Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.
Ở sách Cách mạng tháng Tám năm 1945 (Sự kiện, hình ảnh và ký ức) do Đỗ Hoàng Linh, Nguyễn Văn Dương, Vũ Thị Kim Yến sưu tầm và biên soạn, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành (2017), trang 41 có hình ảnh được chú thích là “Phan Bội Châu (1867 - 1940) lãnh tụ phong trào Đông Du và tổ chức Việt Nam quang phục hội, thời kỳ 1900 - 1917”. Đáng tiếc là ông Đỗ Hoàng Linh, Phó giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, và các cộng sự lại lấy nhầm ảnh cụ… Phan Chu Trinh.
Nhầm lẫn ảnh danh nhân trong sách1

Ảnh nữ sĩ Sương Nguyệt Anh trong sách Trí thức Nam Bộ tiêu biểu từ cuối thế kỷ XIX đến 1975

ẢNH: KMS CHỤP LẠI

“Mất” khi còn sống

Đó là sự cố trong cuốn Trí thức Nam Bộ tiêu biểu từ cuối thế kỷ XIX đến 1975, do Nguyễn Đình Thống chủ biên, thuộc danh mục xuất bản phẩm do nhà nước đặt hàng của Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ (TP.HCM, 2018).
Chúng tôi ví von luật sư Thái Văn Lung bị sách “bức tử”, bởi ông mất tháng 7.1946 do bị thực dân Pháp tra tấn, còn người làm sách cho ông chết từ… 1945 với chú thích ngay dưới ảnh chân dung nhà trí thức nổi tiếng của Nam bộ này.
Ở trang 216 cuốn sách này còn đăng hình ảnh nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (1864 - 1921), nhưng trong ảnh nữ sĩ nhìn hiện đại chẳng kém gì các bà các cô thập niên 1960 - 1970. Qua tra cứu, chúng tôi được biết người trong ảnh là Maria Đặng Kim Chi, cô hiệu trưởng đầu tiên Trường nữ Trung học tổng hợp Sương Nguyệt Anh, niên khóa 1971; bà đã tạ thế tại Paris (Pháp) năm 2010, hưởng thọ 75 tuổi.
Nhầm lẫn ảnh danh nhân trong sách2

Tên ông Võ Thanh Bình nhưng ảnh là thượng tướng Song Hào

ẢNH: KMS CHỤP LẠI

“Cứ hoàn toàn yên tâm đi”

Cuốn Bác Hồ với Ninh Bình - Ninh Bình làm theo lời Bác do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình thực hiện, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật nộp lưu chiểu tháng 10.2019, ở trang 17 có bức ảnh với chú thích: “Bác Hồ chụp ảnh cùng Giám mục Lê Hữu Từ và đồng bào Phát Diệm, năm 1946. Nguồn: Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (www.bqllang.gov.vn)”. Tuy nhiên, thực tế đây là bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ tháng 11.1946. Hai cụ áo the khăn xếp đứng cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng và Bộ trưởng Không bộ Nguyễn Văn Tố. Những vị còn lại đều là các bộ trưởng và thứ trưởng của Chính phủ. Không rõ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình nhận thấy Giám mục Lê Hữu Từ ở vị trí nào?
Một ảnh khác, ở trang 21, chú thích “Bác Hồ chụp ảnh cùng các đại biểu dự Hội nghị điền chủ, ngày 10.2.1947. Nguồn: Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (www.bqllang.gov.vn)”. Cụ Trần Lâm (tên thật là Kiều Xuân Tu), Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình (10.1945 - 10.1947) sinh thời có kể cho chúng tôi nghe sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự và chủ trì Hội nghị điền chủ tại xã Lạng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình ngày 10.2.1947. Ảnh trong sách đúng là Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt các điền chủ, nhưng là điền chủ Nam bộ, cùng các nhân sĩ miền Nam, vào năm 1954, tại chiến khu Việt Bắc, chứ không phải ngày 10.2.1947 tại Ninh Bình. Trong ảnh có cụ Cao Triều Phát - lãnh tụ 12 phái Cao Đài hợp nhất, Hội trưởng Liên Việt miền Nam, Cố vấn Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ; luật sư Phạm Văn Bạch - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ… Tuyệt nhiên không thấy có điền chủ nào người Ninh Bình như điền chủ Phạm Lê Bổng; bà Phương Ký - điền chủ Nho Quan; Nguyễn Xuân Trường - điền chủ trẻ tuổi nhất làm thư ký Hội nghị điền chủ 10.2.1947!
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Hải, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình, Trưởng ban biên tập cuốn sách này, khẳng định bức ảnh được lấy từ nguồn đáng tin cậy từ Trung ương, đó là Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Anh cứ hoàn toàn yên tâm nguồn gốc xuất xứ các bức ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh em phải tra cứu, thẩm định rất cẩn thận và cơ quan chuyên môn ở Trung ương người ta khẳng định là hoàn toàn chính xác. Cứ hoàn toàn yên tâm đi”, ông Hải nhấn mạnh.
Được biết, tại Hội nghị thi đua tỉnh Ninh Bình, khi in pano ảnh được cho là Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các đại biểu dự Hội nghị điền chủ ngày 10.2.1947, một sở chức năng của tỉnh đã có báo cáo cho biết đây là ảnh sai, đề nghị thay đổi pano ảnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.