Nhàn đàm: Khúc hồi niệm xe đạp

19/01/2020 08:55 GMT+7

Xe đạp, một trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại ở thế kỷ 19 du nhập nước ta từ thời thuộc Pháp và đã đến làng tôi sau ngày đình chiến 1954. Nó gắn với nhiều kỷ niệm ấu thơ của tôi...

Cả làng tôi hồi đó chắc cũng chỉ có vài chiếc xe đạp. Thời đó, nó quý giá đến nỗi có người khi đi xe về nhà phải mất cả giờ lau chùi và treo lên bằng hai cái móc sắt ghim vào yên xe và ghi đông cột vào sợi dây dừa treo lên đòn tay trên mái nhà... Chiếc xe đạp về làng tôi từ vài nhà giàu có là loại xe đua-ra (bằng khung nhôm) hoặc xe xét-xâng (cỡ lốp 700). Những thanh niên lớn tuổi 18 - 20 như chú tôi thường rủ nhau ra đường tập vào buổi tối rồi sau đó, khi đã thành thạo thì xuống đường cái “dợt le” với đám con gái, trông oách lắm. Trong làng nhiều anh con trai lấy vợ đẹp đều nhờ có chiếc xe đạp cha mẹ dành dụm mua cho...
Lúc 8 tuổi, lần đầu tiên cha chở tôi từ nhà xuống phố Hội An trên chiếc xe đạp ngang ông mới sắm từ tiền bán 200 xâu thuốc lá, theo thời giá hiện nay khoảng 12 triệu đồng. Cha tôi xếp cái bao tải lại và cột trên thanh ngang cho tôi ngồi. Ngồi trên ấy, hai tay vịn trên ghi đông xe và nhìn về phía trước trong khi “con trâu sắt” lao đi trên đoạn đường gần 15 cây số quả là một niềm vui thích khó quên. Đó là chuyến xuống phố xem một trận đá banh. Hay những lần cha chở tôi trên chiếc xe ấy để đi phụ việc trồng thuốc lá vào những ngày nghỉ học ở tận Phú Chiêm hay Tứ Sơn cách nhà cả chục cây số. Tôi ngồi trên thanh ngang, còn phía sau xe, cha tôi thường chở theo một đôi gàu tưới thuốc hay bao phân và phần thức ăn trưa cho mỗi ngày làm việc...
Chiếc xe đạp của cha tôi cũng là hình ảnh đầu tiên của làng trong việc vận chuyển hàng hóa, phân bón, nhất là chở thuốc lá về nhà khi thu hoạch. Thời đó chưa có xe bò nên dùng xe đạp thồ là một ứng dụng giải phóng đôi vai hết sức hiệu quả. Ứng dụng của ông đã được nhiều người trong làng làm theo.
Ở Việt Nam, từ năm 1960 môn đua xe đạp bắt đầu thịnh hành. Trên Sân vận động Tự Do ở Huế, đường đua xe lòng chảo đã được xây dựng sau đó và được xem là lần đầu tiên ở Việt Nam.
Nhà nhiếp ảnh Thái Tế Thông ở Hội An còn lưu giữ tấm ảnh chụp các quan chức mặc áo ghi lê, cổ thắt nơ đứng trước tòa công sứ với chiếc xe đạp bên cạnh. Ông Thông kể với tôi, trước năm 1945, người ta đứng bên chiếc xe đạp chụp hình cũng giống như bây giờ nhiều người đứng bên chiếc xe hơi chụp hình rồi đăng lên Facebook vậy. Oai lắm! Trong lịch sử cận đại, được biết ở Việt Nam có hai nhân vật dùng xe đạp đầu tiên là vua Đồng Khánh đi xe trong nội thành và nhà báo Nguyễn An Ninh ở Sài Gòn, dùng xe đạp để đi đưa báo!
Khi trưởng thành và với nghề báo, tôi đã có dịp đến nhiều thành phố trên thế giới và ngạc nhiên là dù tân tiến hiện đại đến đâu, người ta vẫn quý trọng loại phương tiện của thuở ban sơ là chiếc xe đạp, bởi nó giúp sự vận động cho nhiều cư dân đô thị, giúp bảo vệ môi trường vì không xả khí thải từ nhiên liệu hóa thạch...
Tất cả những nơi tôi đến ấy, lúc nhìn những người đi xe đạp đều tạo cho tôi một cảm giác thân gần, xúc động. Bởi nó gợi lại chiếc xe đạp của cha tôi và những kỷ niệm của mình về chiếc xe thời thơ ấu ở làng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.