Quà từ nước Pháp
Ông Quách Giao (86 tuổi), con trai cả của nhà thơ Quách Tấn kể: “Thời đất nước còn chiến tranh, việc liên lạc giữa hai miền gần như bị cắt hoàn toàn nên để có trong tay tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch từ miền Bắc gửi vô Nha Trang là điều không thể. Cha tôi đã nhận tập thơ ấy từ một người bạn bên Pháp gửi sang”. Cũng theo ông Quách Giao, cha ông giữ tập thơ ấy như một báu vật. Thi thoảng ông Quách Tấn lấy tập thơ ra lần giở từng trang, chăm chú đọc rồi hí hoáy viết, xong đem cất ở một nơi rất đặc biệt trên giá sách của gia đình. Sau này, khi tiếp cận với bản thảo tập thơ được cha ông dịch, ông Quách Giao mới biết đó là tập Nhật ký trong tù.
Còn nhà sử học Dương Trung Quốc, người đã nhìn thấy tập thơ dịch ấy sớm nhất thì kể rằng năm 1978, ông có ghé thăm nhà thơ Quách Tấn ở Nha Trang. Sau khi nghe ông Dương Trung Quốc bày tỏ mục đích chuyến thăm là sưu tầm một số sách quý được xuất bản tại miền Nam trước năm 1975, nhà thơ Quách Tấn mới dám mở lòng. Vì sau năm 1975, nhiều nơi làm quá gắt, hễ thấy sách in dưới chế độ cũ đều được xếp vào loại “văn hóa phẩm đồi trụy” nên đốt hết. Nhà thơ Quách Tấn có một tủ sách rất quý nên ông luôn sợ bị tịch thu mang đi đốt. Nghe ông Dương Trung Quốc yêu quý sách, lại thích những quyển sách hợp “gu” với mình, nhà thơ Quách Tấn tặng luôn cho Viện Sử học - nơi ông Quốc đang công tác, số sách quý ấy. Trước khi “bàn giao” số sách quý nọ, cụ Quách Tấn dẫn ông Dương Trung Quốc vào phía bên trong phòng khách rồi lật dưới án thư lên một cuốn sách có bìa bọc nhung, nói: “Đây là tập Nhật ký trong tù của Cụ Hồ được một người bạn bên Pháp gửi cho tôi từ năm 1960. Tôi đọc thấy các bậc túc nho ở ngoài Bắc dịch Nhật ký trong tù, có bài tôi thích, có bài tôi chưa hài lòng nên cặm cụi dịch lại từ hơn chục năm nay. Nhưng anh đừng nói với ai vì có thể họ hiểu nhầm tôi lúc này”.
|
Chép tay cả tập thơ Nhật ký trong tù
Dịch xong tập thơ Nhật ký trong tù, Quách Tấn nhờ bạn mình - ông Trần Thúc Lâm (1913 - 1981), một nhà nho có tiếng viết chữ Hán đẹp ở Nha Trang, chép lại. Công phu của quyển sách này không chỉ ở chỗ tác giả Quách Tấn - một nhà thơ nổi tiếng thời Thơ Mới rất giỏi chữ Hán bỏ ra 15 năm (1960 - 1975) để dịch toàn bộ 133 bài thơ trong tập Nhật ký trong tù mà còn ở chỗ, thủ bút bằng chữ Hán của Trần Thúc Lâm và thủ bút bằng chữ Việt của Quách Tấn được in trọn vẹn.
Bản thân Hán tự là một thứ ngôn ngữ cô đọng, thơ viết bằng chữ Hán như được chưng cất thêm lần nữa. Vì vậy, diễn giải ra tiếng Việt đã khó huống là dịch từ thơ ra thơ. Tác giả Nhật ký trong tù lại là Hồ Chí Minh nên việc chuyển ngữ để lột tả hết những điều tinh túy trong đó quả là một thử thách lớn.
Có lẽ, nhà thơ Quách Tấn ngoài việc muốn thử sức mình trong việc dịch thơ chữ Hán, ông còn muốn biểu lộ sự ngưỡng mộ đối với nhà thơ Hồ Chí Minh nữa. Những ai yêu mến Nhật ký trong tù lại có thêm một sự chọn lựa nữa qua bản dịch của Quách Tấn bên cạnh bản dịch quen thuộc của Nam Trân và các bậc túc nho khác.
Bình luận (0)