Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong và những bức ảnh chưa từng thấy về Sài Gòn

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
03/10/2020 09:54 GMT+7

Sài Gòn luôn kẹt xe và tất bật trong những cuộc mưu sinh nên chưa bao giờ vắng lặng như trong thời dịch bệnh Covid-19 . Và Trần Thế Phong đã ghi lại những khoảnh khắc chưa từng thấy về Sài Gòn

Tại Đường sách TP.HCM, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong vừa khai mạc triển lãm và ra mắt cuốn sách ảnh độc đáo Sài Gòn Covid-19 (NXB Văn hóa-Văn nghệ TP.HCM ấn hành), giới thiệu đến người xem 101 tác phẩm ảnh mới, ưng ý nhất qua góc máy đầy cảm xúc của một người con sinh ra và lớn lên tại TP.HCM.

Yên bóng

Mưu sinh trên phố vắng

Ảnh: Trần Thế Phong

Lưng còng đổ bóng

Ảnh: Trần Thế Phong

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong sinh năm 1969 tại Sài Gòn. Anh là phóng viên ảnh tự do có hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh, trong đó có 20 năm đi theo con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp, bắt đầu từ năm 2000. Anh từng tổ chức thành công 14 triển lãm trong và ngoài nước: Bão Chanchu; Những nẻo đường tuổi thơ; Nghệ sĩ đường phố; Gánh; Đọc báo; Vượt qua bóng tối; Trẻ em & Gánh (2014 - Bern & Zurich, Thụy Sĩ); Ánh sáng cuộc sống; 45 ngày tại Thụy Sĩ; Mưu sinh; Chân dung; Nhịp sống Sài Gòn...

Chân dung nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong

Ảnh: NVCC

Trước đây, anh cũng từng ra mắt và giới thiệu 9 tập sách ảnh: Gánh; Những nẻo đường tuổi thơ; Vượt qua bóng tối; Ánh sáng cuộc sống; 45 ngày tại Thụy Sĩ; Mưu sinh; Chân dung; Nhịp sống Sài Gòn, Sài Gòn Covid-19, với trên 200 giải thưởng về ảnh nghệ thuật và báo chí trong và ngoài nước. Giải thưởng lớn mà nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong nhận được là giải Grand-Prix Japan 2001 và giành 3 huy chương vàng tại Áo.
Sài Gòn Covid-19,  tập sách ảnh thứ 9 của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong, được xuất bản lần này với song ngữ Việt - Anh, lấy không gian phố xá trầm lắng trong những ngày giãn cách xã hội vì đại dịch. “Dù suốt hơn 50 năm qua, đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến đô thị vốn nhộn nhịp, sầm uất bỗng trở nên vắng lặng, bình yên đầy âu lo. Nhìn và lắng nghe sự im lặng đến nao lòng, nhưng cũng ấm áp và chở che. Một Sài Gòn thật lạ lẫm với tôi và chắc hẳn với mọi người, lại chính là nhân duyên đẩy đưa tôi ghi lại những hình ảnh hiếm hoi này”, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong tâm sự.

Bìa sách Sài Gòn Covid-19 của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong vừa ra mắt bạn đọc

Phát gạo giúp đỡ người nghèo

Vá xe thời dịch Covid-19

Ảnh: Trần Thế Phong

Độc giả có thể bắt gặp trong sách ảnh những khoảnh khắc đẹp về hành động phát khẩu trang miễn phí, ATM gạo với khẩu hiệu “Ai thiếu thì nhận, ai thừa thì cho”, hộp cơm nóng giúp bà con san sẻ bớt nhọc nhằn, nụ cười và giọt nước mắt chảy dài trên má khi nhận được quà… Mỗi bức ảnh của Trần Thế Phong là câu chuyện kể về những số phận khó khăn cùng tình người ấm áp trong mùa dịch Covid-19.
Trong 22 ngày Sài Gòn “vắng lạ” đến không ngờ, anh tranh thủ ghi lại hình ảnh từ tờ mờ sáng đến tận tối. Bên cạnh thời gian còn lại trong ngày, anh cùng những người bạn đi phát gạo, thức ăn, quà bánh dành cho những mảnh đời khó khăn đường phố. Mắt được thấy, tai lắng nghe, trái tim chạm sâu vào đời thường, ống kính của người nghệ sĩ nhiếp ảnh ôm trọn nhiều cảm xúc hơn bao giờ hết…

Buông bỏ

Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa

Đường về

Ảnh: Trần Thế Phong

Dịp này, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong cũng triển lãm 80 bức ảnh đẹp, được sắp xếp theo mạch cảm xúc của tác giả trong những ngày rong ruổi giữa Sài Gòn thời Covid-19. Triển lãm ảnh Sài Gòn Covid-19 diễn ra tại Đường sách TP.HCM đến ngày 6.10.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.