Nói 'không' với tục đốt, rải... vàng mã

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
19/10/2018 06:41 GMT+7

Ngày 18.10 tại TP.HCM, tọa đàm 'Bàn giải pháp tuyên truyền, vận động đồng bào tín ngưỡng, tôn giáo không đốt, rải vàng mã trong việc tang, lễ hội trên địa bàn' do UB MTTQ VN TP.HCM tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến trăn trở cùng những hiến kế để tiến tới việc nói 'không' với tập tục này.

Do đâu có tục đốt vàng mã ?
Tất cả của cải vật chất chỉ có xác mới dùng được, hồn không cần đến. Mà khi chết đi, thể xác đã tan rã trong lòng đất, vậy thì đốt bao nhiêu thứ gửi xuống âm phủ để làm gì và cho ai? Chưa kể tổng số giấy dùng để chế vàng mã tới hàng tấn thì quy thành tiền mặt là khủng khiếp lắm trong khi xã hội
vẫn còn nhiều người thiếu ăn, đói mặc
Thượng tọa Thích Duy Trấn
Lý giải về tập tục này, thượng tọa Thích Duy Trấn (trụ trì chùa Liên Hoa ở Q.11) dẫn chuyện xưa: “Trong xã hội phong kiến, đàn ông nắm thế thượng phong nên họ đặt ra phong tục độc ác là hễ chồng chết thì vợ cả, vợ bé đều phải tự sát ngay trước mộ, còn nàng hầu thì bị giết hoặc chôn sống theo để xuống lo lắng cho gia chủ. Dần dà con người văn minh hơn mới dùng hình nộm, đem đốt đi thay cho người thật cùng tập tục chôn cất theo của cải. Đến đời nhà Đường ở Trung Quốc, một số quan đề nghị vua bãi bỏ việc chôn theo của cải. Vì vậy trần gian mới “sáng tạo” ra vàng mã, in tiền giả gọi là “tiền âm phủ” để gửi cho người chết dưới suối vàng sử dụng, vì vậy mà còn gọi là hóa vàng”.
Từ đó, việc hóa vàng trở thành thông lệ. Vào dịp lễ, tết..., nhất là rằm tháng bảy cúng vong hồn bơ vơ, nhân dân thường có thói quen hóa vàng nên nhiều nhà hàng mã sản xuất chuyên nghiệp trúng đậm vào “mùa vụ” này. Ngoài việc in “tiền âm phủ”, con người dần dần chế ra đủ loại hàng mã: áo quần, giày dép, ô nón, chăn gối, điếu cày…; thậm chí cả nhà lầu, tủ lạnh, máy vi tính, xe hơi “mẹc”, mỹ nữ và mới đây còn xuất hiện thêm iPhone, iPad cho hợp thời.
Phải phù hợp với thực tế
Minh chứng cho việc người chết không sử dụng được những phẩm vật đã hóa vàng, sư cô Thích Nữ Huệ Đức (Quan âm tu viện Q.Phú Nhuận) kể: “Khi phật tử mang đồ lễ tới cúng, tôi bảo họ chỉ đốt một phần thôi, rồi đứng khấn vái nếu có thiếu gì thì bề trên về quở trách để bổ sung xuống. Vậy mà từ đó đến nay, cũng chẳng thấy bề trên nói gì. Sau này học hỏi thêm, tôi càng hiểu rằng người ta đốt vàng mã là do thói quen chứ Phật giáo không quy định việc này”.
Thượng tọa Thích Trực Giáo (chùa Giác Nguyên, Q.4) lý giải một hiện tượng khác mà ông cho là “vừa tốn tiền vô ích vừa không phù hợp với thực tế”: “Ở đám tang, trước quan tài hay có một siêu thuốc bắc. Tìm hiểu thì được biết thời ông cha ta ngày xưa chưa có nhà thương nên khi mắc bệnh người nhà hay ra vườn hoặc vào rừng sâu lấy lá về sắc thuốc uống, chôn cất xong thì đập bỏ ngay vì sợ xui xẻo cho con cháu. Trong khi bây giờ, đau nặng thì vào bệnh viện, đau nhẹ thì ra nhà thuốc mua chứ có… sắc thuốc uống đâu mà khi chết, người nhà chạy đôn chạy đáo để tìm mua siêu thuốc bắc”.
Hòa thượng Thích Chơn Không (trụ trì chùa Thiên Tôn, Q.5) nói: “Tôi khuyên mỗi lần cúng cơm, tang quyến chỉ đốt tượng trưng khoảng 10 lá bạc với tấm lòng thành là đủ, không nên đốt nhiều, đốt lai rai và tuyệt đối không đốt nhà cửa, xe cộ, quần áo… dễ gây cháy nổ, cũng không bốc từng vốc giấy tiền vàng mã rải trên đường dễ bay vào mặt người đi xe gắn máy dễ gây tai nạn”.
Cần sớm đưa vào luật
10 vụ cháy nhà, 20 người chết
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC (Công an TP.HCM) riêng năm 2017, toàn TP xảy ra gần 10 vụ cháy nhà do đốt vàng mã, làm 20 người chết và nhiều người bị thương. Hằng năm các ban ngành chức năng đều phải tốn rất nhiều công sức và chi phí để tuyên truyền, vận động người dân hạn chế đốt, rải vàng mã.
Tưởng nhớ người quá cố bằng chút nghi thức cổ truyền như thắp nén nhang, bày một đĩa trái cây, ly rượu... với tất cả lòng thành kính là đủ, không nên quá cầu kỳ là việc làm được nhiều ý kiến đồng tình. Theo thượng tọa Thích Duy Trấn: “Tất cả của cải vật chất chỉ có xác mới dùng được, hồn không cần đến. Mà khi chết đi, thể xác đã tan rã trong lòng đất, vậy thì đốt bao nhiêu thứ gửi xuống âm phủ để làm gì và cho ai? Chưa kể tổng số giấy dùng để chế vàng mã tới hàng tấn thì quy thành tiền mặt là khủng khiếp lắm trong khi xã hội vẫn còn nhiều người thiếu ăn, đói mặc”.
Vì vậy, hơn 20 năm nay, tại chùa Liên Hoa chủ trương tiết kiệm tài nguyên thảo mộc, khuyến khích phật tử đến chùa kính viếng không thắp hương và tuyệt đối không đốt giấy tiền mã. Chùa Giác Nguyên, hội quán Ôn Lăng và nhiều cơ sở thờ tự khác còn niêm yết thông báo, vận động… nhắc nhở người dân hạn chế đốt nhang đèn, vàng mã.
Để chấm dứt tập tục này, sư cô Thích Nữ Huệ Đức đề nghị: “Phải nhanh chóng đưa nội dung cấm đốt, rải vàng mã vào luật tín ngưỡng tôn giáo, giống như quy định cấm đốt pháo và bắt buộc đội mũ bảo hiểm thì mọi người mới nghiêm chỉnh chấp hành, đồng thời phải nghiêm cấm sản xuất và buôn bán các loại hàng mã, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc thì mới hy vọng giải quyết được tận gốc vấn đề”.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UB MTTQ VN TP.HCM, kiến nghị thêm: “Phải ràng buộc trách nhiệm của các cơ sở dịch vụ mai táng trong việc nhắc nhở, cam kết với người dân không được rải vàng mã trên đường đi đưa tang và khi dừng lại cúng dường phải dọn dẹp sạch sẽ. Ngoài ra, đối với từng xã, phường, thị trấn, khu phố, tổ dân phố… cần đưa nội dung nói “không” với đốt, rải vàng mã vào việc xét điểm danh hiệu thi đua hằng năm, trường hợp nào vi phạm cần có biện pháp chế tài phù hợp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.