Nỗi lo di sản khảo cổ bị xâm hại

29/08/2019 06:05 GMT+7

Nỗi lo các di tích khảo cổ bị xâm hại là điều được nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại Đại hội nhiệm kỳ 3 Hội Khảo cổ học VN diễn ra hôm qua ở Hà Nội.

PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, rất đau lòng nhắc tới ngôi chùa Ngọa Vân khi phát biểu tại đại hội. Ngôi chùa đã được Viện Khảo cổ học khai quật, làm xuất lộ toàn bộ nền móng còn nguyên vẹn, xác định rõ hình thái cấu trúc có niên đại thuộc thời Lê Trung hưng. Giới khoa học đã góp ý xây dựng lại chùa Ngọa Vân theo phong cách thời Lê Trung hưng. “Nhưng sau đó một thời gian, khi các nhà khoa học quay trở lại thì một ngôi chùa mới tinh, giá trị 1 tuổi, được dựng lên. Không còn một chút nào dấu tích của ngôi chùa nổi tiếng 400 năm tuổi của Thiền phái Trúc Lâm. Trong khi đó, các di tích bên dưới được xử lý thế nào, các nhà quản lý, các nhà khoa học đều không biết”, ông Trí nói.
Theo PGS-TS Bùi Minh Trí, việc xây dựng mới tại các di tích khảo cổ như vậy “vô cùng nguy hiểm”. “Tốn khá nhiều tiền của và công sức cho khai quật, nghiên cứu khảo cổ học. Nhưng việc xây dựng mới được làm theo “tư duy nhiệm kỳ”, làm theo “ý chí đương đại”, đã che lấp hoặc phá hủy toàn bộ nền móng cổ có giá trị lâu đời để xây mới một kiến trúc không có một chút giá trị nào về lịch sử, văn hóa”, ông Trí nhấn mạnh.
PGS-TS Trịnh Sinh, Viện Khảo cổ học, nêu vấn đề nhiều di tích thời đại kim khí bị xóa sổ. Ông cho biết, tại Phú Thọ và Vĩnh Phúc có đến 90% số lượng di tích đã bị xâm phạm nghiêm trọng, nhiều di tích chỉ còn trên giấy. Chẳng hạn, di tích Phùng Nguyên (H.Lâm Thao, Phú Thọ) nổi tiếng thế giới, đã được dùng để đặt tên cho văn hóa Phùng Nguyên - giai đoạn đầu thời đại kim khí, nay đã bị xóa sổ. Tại Hải Phòng, các khu mộ táng ở H.Thủy Nguyên cũng không còn… “Hiện trạng nói trên đặt ra vấn đề bảo vệ di sản khảo cổ học ở VN là vô cùng cấp bách”, ông Sinh lưu ý.
Ngày 28.8, Hội Khảo cổ học VN tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 3 (2019 - 2023). Đại hội đã bầu Ban Chấp hành hội với 26 thành viên. PGS-TS Tống Trung Tín tiếp tục được bầu làm Chủ tịch hội. PGS- TS Nguyễn Lân Cường tiếp tục làm Tổng thư ký hội.
PGS-TS Bùi Chí Hoàng, Viện Phát triển bền vững Đông Nam bộ, đề cập đến việc thủy điện “lờ” khai quật khảo cổ trước khi xây dựng. Mặc dù một số lòng hồ thủy điện như Lung Leng, Plei Krong, Sơn La, Lai Châu, Na Hang đã có khai quật để bảo vệ di sản khảo cổ, nhưng nhiều dự án lại lờ đi. “Những dự án thủy điện cấp kinh phí cho việc khai quật khảo cổ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong khi còn hàng trăm dự án xây dựng thủy điện khác không được đầu tư khai quật, di dời, dù đã được cảnh báo có di tích khảo cổ”, ông Hoàng cho biết.
Về giải pháp, PGS-TS Bùi Minh Trí đề nghị Bộ VH-TT-DL chỉ đạo và rà soát tổng thể thực trạng việc trùng tu, xây dựng mới các di tích sau khai quật. Bộ cần có quy định để giám sát các di sản, giá trị di tích gốc của di sản. Bên cạnh đó, tạo đường dây nóng để các nhà khoa học và người dân phát hiện, thông báo các trường hợp khẩn cấp vi phạm luật Di sản văn hóa khi xây dựng mới tại các di tích cũ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.