NSND Thế Anh và cái tết của một 'công tử thị thành'

12/02/2016 06:00 GMT+7

Mong muốn lớn nhất của NSND Thế Anh là có một cái tết trọn vẹn, đầy đủ các thành viên trong gia đình.

Mong muốn lớn nhất của NSND Thế Anh là có một cái tết trọn vẹn, đầy đủ các thành viên trong gia đình.

NSND Thế Anh nhớ Tết xưa - Ảnh: Phan GiangNSND Thế Anh nhớ Tết xưa - Ảnh: Phan Giang
Hơn nhau… tiếng pháo
Gia đình NSND Thế Anh không phải dạng giàu “nứt đố đổ vách” nhưng cũng thuộc loại có của ăn của để. Những năm 1950, ông là một công tử thành thị đích thực, quần áo lúc nào cũng là lượt, ăn mặc thì theo thời. Ngày tiễn ông Táo về trời, trong khi các gia đình khác chỉ cúng hoa quả, xôi chè, còn riêng nhà ông thì năm nào cũng phải có con gà thật to, có năm còn bày nguyên cả mâm cỗ thịnh soạn.
Tết của gia đình ông thì 4, 5 hộ gia đình xung quanh gộp lại cũng không bằng. “Món ăn ngày tết thì chả thiếu thứ gì nên cũng không bàn tới. Nhưng có một thứ mà tết tôi thích nhất đó là pháo. Ngày trước, tôi kỳ công lắm, đạp xe từ huyện Từ Liêm lên đến làng Bình Đà ở huyện Hà Tây để đặt mua. Mà không phải lúc nào cũng có sẵn pháo để mua đâu nhé. Phải đặt trước đấy cả tháng trời mới có đấy”, NSND Thế Anh kể lại.
Không chỉ đầu tư cho thú vui đốt pháo mà ông còn "đua pháo" với những cậu ấm nhà bên. Ông kể: “Có những năm nhà mình đốt pháo 5 thước mà nhà bên đốt 6, 7 thước là bực lắm. Nên sang năm phải mua 10 thước đốt cho bõ ghét rồi năm mới cứ thế vênh mặt lên như kiểu thách thức”.
Tài sản để đời của NSND Thế Anh là 60 - 70 vai chính - Ảnh: Phan Giang

Vào đêm giao thừa, dù buồn ngủ nhưng nghĩ đến pháo là NSND Thế Anh cũng như những đứa trẻ khác lại cố căng mắt lên, rồi hồi hộp chờ đợi giây phút châm lửa đốt.
“Nghe pháo nổ sướng lắm. Nó như một tiếng chuông báo hiệu năm mới. Thiêng liêng vô cùng”, ông vừa kể vừa tủm tỉm cười. Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra nuối tiếc khi hiện nay giới trẻ dùng pháo không an toàn, không đúng mục đích, thời điểm nên bị cấm và việc cấm đốt pháo với ông xem như đã mất đi không khí tết.
“Tết giờ Âu hóa hết rồi, gọi đúng hơn là vui chơi tết chứ không phải là ăn tết. Bởi vì ngày xưa, xong giao thừa là ai cũng xem giờ kỹ lắm mới xuất hành còn bây giờ thì cứ bắn xong pháo hoa là đi chùa, không thì đi chơi… Đơn giản như gia đình tôi bây giờ cũng vậy, mồng 2 tết năm nay tôi đi du lịch nước ngoài cùng bạn bè khoảng một tuần mới về. Đấy, tết nay nó vậy đấy, khác nhiều lắm”, diễn viên Đêm hội long trì so sánh tết xưa và nay.
Những cái tết không có tết
Nói về tết xưa, có một giai đoạn NSND Thế Anh không thể nào quên. Đó là những năm Mỹ tấn công Hà Nội vào đúng dịp giáp tết.
“Đang cùng mấy anh em trong nhà chuẩn bị tết thì nghe loa báo: “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch đang cách Hà Nội…”. Nghe xong thì chỉ biết chạy vào hầm, vào giao thông hào chứ chả còn biết đến điều gì nữa. Những năm tháng đó, nghe các gia đình khác trong vùng có người chết vì trúng đạn, trúng bom là thấy không còn không khí Tết nữa rồi. Đó là những ngày tháng sống trong lo sợ”, NSND Thế Anh chia sẻ.
Rồi khi đến tuổi, ông xung phong tham gia nhập ngũ nhưng vì gia đình thuộc diện tư sản nên nộp đơn hơn 6 tháng mới được nhận. Giai đoạn đó, ông đón tết trên chiến trường với đạn pháo và sự hy sinh.
Bức chân dung của Thế Anh do người hâm mộ vẽ tặng - Ảnh: Phan Giang

Sau khi chiến tranh qua đi, nghệ sĩ Thế Anh quyết định vào Nam tìm cơ hội lập nghiệp. Ông may mắn vì vừa là một diễn viên có tên tuổi, vừa cứng nghề nên hòa nhập rất nhanh.
Hỏi về cơ duyên với nghiệp diễn viên, ông tâm sự: “Theo con đường nghệ thuật là vì sang ngành khác người ta không nhận. Ngày xưa bố mẹ tôi thích tôi trở thành ông đốc-tờ, ông thông, ông phán chứ không thích “ông nghệ sĩ” vì cho rằng nghề này sướng ca vô loài. Thế nhưng nộp đơn vào các ngành khác, họ không nhận vì là gia đình tư sản. Hết đường tôi mới xin vào trường sân khấu và vì nhờ có ngoại hình người ta mới nhận”.
Nghệ sĩ Thế Anh bắt đầu đóng phim từ năm 25 tuổi, giờ ông đã gần 80 nhưng tên tuổi của ông chưa bao giờ “nguội”. Ông vẫn là thần tượng của rất nhiều người. “Gia tài trong túi tôi là khoảng 60 đến 70 vai chính trong các bộ phim để đời như: Nổi gió, Em bé Hà Nội, Đường về quê mẹ, Đêm hội long trì…Đấy là tài sản quý giá mà tôi có”, diễn viên Đường về quê mẹ tự hào.
Tuy nhiên, khi nhắc về kế hoạch tết Bính Thân năm nay, người nghệ sĩ già trầm tư: “Tôi có hai đứa con trai thì một đứa định cư bên Pháp, một đứa làm hàng không rồi cũng bay suốt, ít khi về nhà. Tết không thiếu vật chất thậm chí còn đi du lịch nhưng sâu thẳm trong mỗi người đã làm cha, làm mẹ như tôi thì ngày tết luôn muốn có sự sum vầy”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.