Bộ phim 11 tháng 5 ngày đang càng ngày càng thu hút sự theo dõi của khán giả với câu chuyện trẻ trung, vui nhộn, truyền tải thông điệp tích cực. Kịch bản của phim hoàn toàn thuần Việt, do những biên kịch, biên tập ở lứa tuổi còn rất trẻ thực hiện.
Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với Lại Phương Thảo, biên tập của bộ phim. Trước bộ phim này, cô cũng tham gia xây dựng kịch bản của những bộ phim như Nhà trọ Balanha, Ghét thì yêu thôi…
|
* Khác với phim Nhà trọ Balanha được Việt hóa từ kịch bản của một bộ phim Hàn Quốc nhận được sự đón nhận của đông đảo khán giả trẻ. Còn 11 tháng 5 ngày là bộ phim có kịch bản hoàn toàn thuần Việt. Điều đó có là áp lực cho ê kíp sáng tạo kịch bản?
- Biên tập Lại Phương Thảo: 11 tháng 5 ngày là bộ phim có kịch bản thuần Việt. Điều này thật ra không hề gây áp lực cho tôi, thậm chí, còn khiến tôi có nhiều hứng thú và thoải mái khi sáng tạo nội dung cùng ê kíp.
So sánh vui thì việc này giống như khi bạn là một đầu bếp được toàn quyền trong căn bếp của mình, từ việc lựa chọn nguyên liệu, đến cách chế biến món ăn, nêm nếm sao cho vừa miệng (mình) nhất. Bạn hẳn sẽ thoải mái và kích thích sự sáng tạo hơn nhiều việc theo một nguyên mẫu nào đó. Thực khách chính là khán giả sẽ tiếp nhận món ăn mới với những cảm xúc mới mẻ và chân thật nhất, chứ không phải mang một tâm lý so sánh với một món ăn khác.
* Làm phim về tuổi trẻ dành cho khán giả Việt có điều gì khó và dễ? Bạn có nghĩ việc mình đang ở lứa tuổi trẻ chính là lợi thế trong việc sáng tạo kịch bản phim cho người trẻ?
Phim về đề tài tuổi trẻ không còn xa lạ với khán giả trong nước và từng có rất nhiều bộ phim thành công trước đó. Bởi vậy, những người làm phim như chúng tôi luôn chịu áp lực phải cố gắng hết sức mình để tìm tòi, để lựa chọn ra những nội dung hấp dẫn, đặc biệt, và khác biệt.
|
Là một biên tập trẻ, nhưng tôi không cho rằng đó là một lợi thế trong việc sáng tạo kịch bản phim cho người trẻ đâu. Bởi, trong nghề làm phim của chúng tôi, tuổi tác chỉ là những con số hoàn toàn vô nghĩa. Tôi nghĩ, điều thuận lợi nhất đối với tôi khi làm phim về đề tài trẻ… nằm ở sở thích trong sáng tác của tôi ở thời điểm này.
Khi đạo diễn quyết định lựa chọn Khả Ngân và Thanh Sơn vào 2 vai chính trong bộ phim này, chúng tôi đã tham gia buổi tuyển chọn, gặp gỡ, trò chuyện, để qua đó điều chỉnh nhân vật sắc nét, hợp với diễn viên nhất.
|
Khi gặp gỡ và trò chuyện, tôi khá bất ngờ khi thấy Khả Ngân giống tới 99,9% Tuệ Nhi mà tôi hình dung. Ở Ngân toát ra một cá tính mạnh, không kém phần ngang ngạnh, nhưng lại rất đáng yêu. Tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi cô gái này ngay trong buổi hôm đó.
Còn Thanh Sơn lại hơi khác so với hình dung về Hải Đăng ban đầu của kịch bản. Nói thật, tôi còn hơi lo lắng, bởi nhân vật Hải Đăng hơi khác so với những vai diễn trước đây của Sơn. Thế nhưng, khi xem những tập phim hoàn chỉnh, tôi thực sự ấn tượng mạnh với Sơn. Sơn đã thổi hồn vào nhân vật theo sáng tạo riêng của bạn ấy, đem tới cho Hải Đăng vừa chín chắn, vừa trẻ con, vừa trượng nghĩa, vừa… “sân si” sẵn sàng so kè với Tuệ Nhi từng tí một, nhưng vẫn toát lên được chất đàn ông.
* Vậy còn bộ đôi Long “đần” và Thục Anh thì sao?
Thú thật, tuyến nhân vật Long “đần” - Thục Anh là một tuyến tôi rất thích, dành nhiều sáng tạo và tình cảm. Khi biết Trung “ruồi” (tên thật là Hà Trung) sẽ đảm nhận vai Long “đần”, tôi sợ… không phù hợp. Bởi, vai Long “đần”, bên ngoài việc đem đến tiếng cười, thì tôi tin rằng, sẽ lấy không ít nước mắt của khán giả. Mà nhìn gương mặt của Trung “ruồi” thì bạn thấy đấy “nhược điểm” lớn nhất là làm người khác không thể nhịn cười. Thế nhưng, lại một lần nữa, tôi bị Trung “ruồi” chinh phục hoàn toàn sau khi xem những thước phim đã quay. Trung “ruồi” và Lương Thanh khiến tôi tin rằng sẽ không còn ai khác phù hợp hơn để vào vai bộ đôi Thục Anh - Long “đần” trong phim.
|
* Khi phim mới lên sóng, không ít khán giả phản ứng về nhân vật chính Tuệ Nhi và đặt câu hỏi vì sao lại xây dựng nhân vật chính đáng ghét như vậy. Đây có phải là phản ứng mà ê kíp đã lường trước?
Thú thực là, khi phim mới lên sóng, nhận được không ít phản ứng trái chiều về nhân vật chính Tuệ Nhi, chúng tôi không quá bất ngờ! Bởi như nhiều khán giả cũng đã nhận ra, việc xây dựng một nhân vật chính hơi đáng ghét là ý đồ của kịch bản. Dù biết, đó là lựa chọn hơi mạo hiểm, chúng tôi hoàn toàn có thể chọn một con đường đi an toàn hơn, nhưng, như tôi đã nói, việc tìm tòi cách kể mới một câu chuyện đã cũ, luôn là những trải nghiệm đáng quý.
Tôi chỉ mong rằng, những ai đã và đang ghét Tuệ Nhi… vẫn sẽ xem phim tiếp, vì ngoài con bé ương bướng, cứng đầu, mắc kẹt trong những sai lầm của chính mình ấy, thì có rất nhiều điều vô cùng đáng yêu, đúng không? (cười).
Tôi sẽ không nói nhiều về ý đồ xây dựng một Tuệ Nhi cá tính mạnh và mắc sai lầm như thế nào. Tôi mong muốn khán giả xem phim, để cảm nhận đầy đủ, trọn vẹn nhất về lựa chọn của chúng tôi.
|
Khán giả hãy dõi theo hành trình trưởng thành của Tuệ Nhi, Hải Đăng, Long “đần”, Thục Anh…, những người trẻ với những ngông cuồng, khờ dại, những sai lầm tự mình chuốc lấy, tự mình mắc kẹt, và tự mình tìm cách thoát ra. Ở ngoài kia, cuộc đời vẫn luôn đẹp, ta không nên mắc kẹt lại với nỗi buồn của chính mình, làm vậy, uổng phí thanh xuân lắm! Dù bạn buồn, hay vui, hạnh phúc, hay khổ đau, thanh xuân đều sẽ trôi qua không bao giờ trở lại.
Nhân vật gây “khó dễ” nhất là Hải Đăng của Thanh Sơn
* Tuệ Nhi hay Đăng mới là nhân vật “làm khó” ê kíp sáng tạo?
Nhân vật quyết liệt, va đập nhất phim là Tuệ Nhi. Nhưng nhân vật gây khó dễ cho biên kịch nhất trong quá trình sáng tạo chính là Hải Đăng. Nhất là ở chặng cuối của bộ phim, chính tính cách của Đăng là thứ đã gây khó dễ cho cậu ấy trong mọi biến cố xảy đến. Chúng tôi thường đùa với nhau rằng, đây chính là “gậy ông đập lưng ông trong truyền thuyết”.
Nói kỹ hơn thì lộ mất nên xin phép bật mí “qua loa” rằng, khán giả hãy xem phim và đón đợi những điều nhẹ nhàng, xinh xắn và đẹp đẽ.
* Không ít phim truyền hình về tuổi trẻ do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện thành công có kịch bản được Việt hóa từ phim nước ngoài. Còn 11 tháng 5 ngày là bộ phim có kịch bản thuần Việt và đang dần chiếm được thiện cảm của khán giả ở nhiều độ tuổi. Điều đó có là động lực cho ê kíp tiếp tục tự tin với những kịch bản thuần Việt trong thời gian tới?
Chúng tôi, những người làm phim, không gì vui sướng bằng việc phim của mình có thể chạm tới trái tim của khán giả. Sự ủng hộ, yêu mến của khán giả chính là nguồn động lực rất lớn cho chúng tôi, để chúng tôi nỗ lực sáng tạo nhiều hơn nữa.
Tôi phải cảm ơn 2 đạo diễn là Lê Đỗ Ngọc Linh và Nguyễn Đức Hiếu vì khi xem phim, tôi đã nhìn thấy sự nhiệt thành, kỳ công, tình yêu lớn mà 2 đạo diễn dành cho kịch bản của tôi.
Chúng tôi là những người trẻ, được gặp nhau trong một dự án trẻ, chỉ mong rằng, sẽ đem lại cho khán giả thật nhiều cảm xúc khi xem phim. Đôi khi là những tiếng cười giải trí, đôi lúc là những khoảng lặng, những thông điệp nhỏ bé, giản đơn, đáng để suy ngẫm.
Bình luận (0)