|
Hà Nội lên kế hoạch kiểm kê phở
Sở VH-TT TP.Hà Nội đã không khó khăn gì khi chuẩn bị một gian hàng ẩm thực tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa qua. “Chúng tôi đã có kiểm kê di sản văn hóa ẩm thực từ trước đó. Do đó, các nghệ nhân với chúng tôi đều có mối quan hệ và hiểu nhau từ trước”, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT TP.Hà Nội, cho hay. Tuy nhiên ông cũng công nhận, hiện tại trong danh sách này hình dung về các nghệ nhân chuyên phở chưa nhiều. Tại danh sách, có thể thấy sự có mặt của phở Thìn Bờ Hồ, tuy nhiên phở Thìn Lò Đúc lại không có. Trong khi đó, phở Thìn Lò Đúc hiện đã được nhượng quyền thương mại và khai thác rất có triển vọng tại Nhật Bản.
tin liên quan
Hơn 62 ngàn di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được kiểm kêÔng Động cho biết Hà Nội cũng đã tính đến việc kiểm kê kỹ hơn về phở. “Chúng tôi sẽ kiểm kê và tiến tới làm một liên hoan riêng chỉ giới thiệu ẩm thực phở. Từ đó cũng sẽ có xếp hạng vì hiện nay phở đang có chút vấn đề về chất lượng. Sẽ làm nhiều lần để xếp nước ngon, bò ngon, hay là trình bày đẹp. Liên hoan sẽ có nhiều giải thưởng ghi nhận vì hiện phở còn hơi đại trà. Tôi vẫn muốn làm kỹ để có thể tổ chức một liên hoan phở Hà Nội. Lúc đầu định tổ chức ngay lễ giỗ tổ vừa rồi nhưng sau đó lùi lại”, ông nói.
|
Để phở trở thành di sản
|
TS Nguyễn Đức Tăng, chuyên gia di sản văn hóa phi vật thể, cũng cho rằng: “Món phở, cách nấu phở, văn hóa phở rõ ràng đáp ứng định nghĩa về di sản văn hóa phi vật thể”. Tuy nhiên theo ông Tăng, muốn phở trở thành di sản được danh hiệu của UNESCO thì hồ sơ sẽ phải đáp ứng các tiêu chí ràng buộc. Chẳng hạn, cần phải xác định chủ thể di sản là ai, tức cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân. “Hiện tại, phở rất phổ biến, có sức lan tỏa lớn với nhiều cộng đồng chủ thể khác nhau. Rất nhiều nơi có món này, như Hà Nội, Nam Định... Vì vậy, việc quan trọng là nhận diện cộng đồng nắm giữ di sản tham gia hồ sơ”, ông nói.
Về xác định chủ thể, ông Quý cho rằng: “Trong di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có nhiều hình thức sở hữu. Có cộng đồng chủ thể, trong trường hợp này là cộng đồng người dân nơi có di sản; và cộng đồng nắm giữ kỹ năng, kỹ thuật, hiểu biết về phở. Do đó, việc xác định chủ sở hữu không khó trong trường hợp này”.
Trong khi đó, TS Tăng cho rằng việc làm hồ sơ sẽ cần nghiên cứu kỹ lưỡng về cộng đồng, cũng như sự đồng thuận của cộng đồng. “Thí dụ, khi nhận diện để tôn vinh dân ca quan họ thì không thể chung chung được mà phải chỉ rõ ra các cộng đồng làng quan họ - là những con người cụ thể thừa nhận đó là di sản của họ. Nên cái khó nhất của phở chính là do nó có quá nhiều biến thể và cộng đồng rộng lớn. Và nếu chỉ khoanh lại ở Nam Định hay Hà Nội hay đâu đó thì cũng cần giải quyết yêu cầu về sự đồng thuận. Và điều này cũng không hề đơn giản. UNESCO yêu cầu phải có bằng chứng đồng thuận của cộng đồng nắm giữ di sản sẵn sàng tham gia đề cử vào các danh sách của UNESCO. Theo quy định thì cộng đồng tham gia cần được thông tin đầy đủ và hiểu biết về vấn đề gìn giữ di sản của chính họ”, ông nói.
Bình luận (0)