Phim kinh điển vẫn phải xin giấy xác nhận
TS Đào Lê Na, Trưởng bộ môn sáng tác và phê bình sân khấu - điện ảnh (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ câu chuyện khi tham gia tổ chức tuần phim Việt Nam trong đó giới thiệu một số bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam, bà được yêu cầu phải có giấy phép phát hành, phổ biến phim mới có thể trình chiếu. Tuy nhiên, nhiều bộ phim được sản xuất trong thời kỳ trước, lúc chưa có quy định về giấy phép phổ biến, đến giờ không biết lấy đâu ra giấy phép này. Bà Lê Na thắc mắc, chẳng hạn như phim Mùa ổi của đạo diễn Đặng Nhật Minh (sản xuất năm 2002) từng được duyệt và công chiếu tại nhiều nơi, nhưng không có giấy phép liệu có bị phạt khi trình chiếu tại rạp cho sinh viên xem nhằm mục đích học tập ở thời điểm hiện tại?
Theo lý giải của đại diện Cục Điện ảnh, những bộ phim được sản xuất ở thời kỳ trước không có giấy phép phổ biến có thể gửi văn bản đến Cục để được xác nhận và ra văn bản cho phép chiếu.
Đạo diễn Phan Đăng Di nhìn nhận việc phải xin xác nhận này được cho là đơn giản nhưng lại khá nhiêu khê, trong khi Cục đã có quá nhiều việc cần làm, không cần thiết phải có thêm việc cấp văn bản chiếu phim như vậy. “Trong lưu trữ của Cục có danh sách những bộ phim được sản xuất đã được duyệt. Việc đơn giản là Cục công bố danh sách đó để các cơ sở chiếu phim biết và không cần đến giấy phép nữa”, ông Di nói.
Về vấn đề bản quyền, chiếu phim thương mại hay phi thương mại với những bộ phim này, ông Di cho rằng không cần nhờ đến văn bản kia để giải quyết, mà đơn vị trình chiếu sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này. “Nếu làm sai, họ sẽ bị phạt”, ông Di nói.
Không bán vé vẫn phải trả tiền duyệt phim
Đạo diễn Trần Phương Thảo chia sẻ những năm gần đây, bà thấy có những thay đổi bất hợp lý, chẳng hạn như việc duyệt phim và phải trả phí duyệt phim của các học viên trong trại sáng tác. “Trước đây, khi chúng tôi chiếu những bộ phim của mình trong môi trường nhỏ không có yêu cầu kiểm duyệt, nhưng giờ thì khác. Việc duyệt phim khiến những người làm phim phải trả tiền, trong khi những bộ phim làm ra của những nhà làm phim độc lập như chúng tôi không được nhà nước hỗ trợ gì. Trong trường hợp phát hành thương mại thì phim cần mang đi kiểm duyệt và trả tiền là việc có thể hiểu. Còn chúng tôi đơn giản là chỉ muốn được chiếu phim để các em cùng nhìn lại thành quả của mình”, bà Thảo nói.
Ông Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh Việt Nam (TPD), cũng có chung chia sẻ khi những bộ phim chiếu tại lễ trao giải thưởng phim ngắn Búp sen vàng dành cho những nhà làm phim trẻ đều phải qua kiểm duyệt và trả phí duyệt phim. “Mỗi một phim ngắn phí duyệt là 1,6 triệu đồng”, ông Phương cho biết và nhìn nhận: “Đối với các khóa học, dự án đào tạo nên có cơ chế mở với việc trình chiếu nội bộ, như bỏ việc duyệt phim”.
Đạo diễn Phan Đăng Di cho hay đã là quy định thì nhà làm phim phải theo nhưng rõ ràng chi phí duyệt phim trong một số trường hợp là khoản tốn kém, nhiêu khê. “Với những hoạt động có mục đích giáo dục, văn hóa, không kinh doanh, nên áp một mức phí khác rẻ hơn, hoặc là không bắt buộc kiểm duyệt”, ông Di bày tỏ. Theo ông Nguyễn Hoàng Phương, hiện tại có một bất cập nữa là cá nhân đạo diễn không thể tự mang phim của mình đi duyệt mà phải thông qua công ty, đơn vị có tư cách pháp nhân sản xuất phim. Cũng như ông Phương, đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng quy định này cần bỏ.
Nhiều nhà làm phim, phát hành, sản xuất phim… chờ đợi việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính. “Mới đây, tôi được cho hay Cục Điện ảnh đã cho duyệt phim online. Nhưng tôi tìm mãi mà không thấy bất cứ thông tin nào hướng dẫn việc này, thậm chí vào trang web của Cục Điện ảnh cũng không tìm thấy. Rõ ràng, việc trao đổi, cung cấp thông tin giữa Cục và các nhà làm phim, cơ sở sản xuất phim còn yếu. Đây là việc cơ quan quản lý cũng phải thay đổi”, ông Phương bày tỏ.
Đang cân nhắc phương án tiền kiểm và hậu kiểmCục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết theo luật Điện ảnh, phim được công chiếu trước công chúng, phổ biến, phát hành đều phải có giấy phép phổ biến. Nhà làm phim, sản xuất, phát hành đều phải tuân theo quy định hiện hành.
Ông Thành cho hay luật Điện ảnh mới đang được soạn thảo và có thể sửa đến một nửa số điều trong luật Điện ảnh hiện hành. Ông cho biết Ban soạn thảo luật Điện ảnh mới đang cân nhắc về phương án tiền kiểm và hậu kiểm cùng những ưu, nhược điểm. Luật Điện ảnh có thể sẽ được thông qua vào cuối năm 2021. “Nếu giữ hình thức tiền kiểm như bây giờ thì phải thay đổi quan điểm trong cách duyệt của hội đồng duyệt phim vì các hội đồng đang phải chịu áp lực rất lớn về trách nhiệm. Hậu kiểm cũng là xu hướng đang được nhiều người ủng hộ, thì luật phải quy định cụ thể để các nhà làm phim, sản xuất, phát hành… tự điều chỉnh. Chẳng hạn, nếu là hậu kiểm, phim có thể không cần giấy phép phổ biến, nhưng nếu vi phạm có thể bị cấm chiếu luôn”, ông Thành nói.
Cục trưởng Cục Điện ảnh nhấn mạnh dù phương án nào được đưa ra cũng sẽ hướng đến sự thông thoáng vì đã coi điện ảnh là công nghiệp văn hóa thì cần phải có thị trường. Để phát triển thị trường điện ảnh thì cần phải cởi mở hơn.
|
Bình luận (0)