Duyệt phim vừa cẩu thả, vừa cứng nhắc

16/10/2019 06:07 GMT+7

Hầu hết nhà làm phim Việt đều e ngại 'ải' kiểm duyệt. Tuy nhiên, với phim ngoại lại có vẻ dễ 'thông quan' hơn, dẫn đến sự cố nghiêm trọng như lọt ra rạp phim có 'đường lưỡi bò'.

Đau tim vì “kéo kiểm duyệt”

Quy chế duyệt phim và những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh của luật Điện ảnh VN vẫn còn chung chung và hiện đã “lỗi thời” so với sự phát triển của điện ảnh

Nhà sản xuất Bích Liên

Hiện tại, nhà sản xuất phim phải trình kịch bản cho hội đồng duyệt xem trước rồi mới dám làm. Tuy nhiên, khi làm xong phim vẫn đối mặt nguy cơ bị cắt gọt, hoặc cấm chiếu vĩnh viễn. Bẫy cấp 3, Rừng xác sống của đạo diễn Lê Văn Kiệt bị cấm chiếu do “phim kích động bạo lực và yếu kém về nghệ thuật”. Bụi đời Chợ Lớn bị cấm chiếu vì “chứa đựng yếu tố bạo lực, không phản ánh đúng hiện thực của xã hội VN”... Bi đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di - từng giành hai giải tại LHP Cannes năm 2010, khi ra rạp trong nước đã bị cắt hết cảnh nóng dù những cảnh này gắn kết chặt chẽ với nội dung. Điều này khiến phim trở nên khó hiểu. Đạo diễn Lê Văn Kiệt (sau này thành công với phim Hai Phượng) cho biết: “Tôi từng xuống tinh thần khi bỏ công sức, tiền bạc, thời gian để làm phim, nhưng hai bộ phim không được ra rạp. Tôi có quan tâm đến việc cái gì bị cấm thì sẽ không làm, hoặc sẽ tránh”.

Phim Thất Sơn tâm linh ra rạp sau một hành trình đầy gian nan

ảnh: GALAXY

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho hay có hai điều đáng sợ mà nhà sản xuất, đạo diễn nào cũng nghe khi duyệt phim, đó là: “vi phạm thuần phong mỹ tục” và “chi tiết mang tính chất nhạy cảm”. Theo ông, hai lý do này mang cảm tính của người duyệt, gây khó đoán cho người làm phim. “Chừng nào những quy định về duyệt phim rõ ràng, cụ thể hơn thì lúc ấy nhiều đạo diễn sẽ yên tâm làm phim hơn”, ông Dũng nói. Còn nhà sản xuất Bích Liên thẳng thắn: “Quy chế duyệt phim và những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh của luật Điện ảnh VN vẫn còn chung chung và hiện đã “lỗi thời” so với sự phát triển của điện ảnh”.
Mới đây, nhà sản xuất phim Thiên linh cái (nay là Thất Sơn tâm linh) cũng “khóc ròng” khi hành trình ra rạp quá gian nan, quá nhiều chỉnh sửa. Phim phải thay tên, bị cắt gọt đến mức phải đổi luôn thể loại phim: từ kinh dị chuyển thành phim hồi hộp - tâm lý tội phạm. Mạch phim cũng đứt gãy, gây khó hiểu về tâm lý nhân vật... Anh Nguyễn Cao Tùng - nhà sản xuất phim, đại diện đơn vị sản xuất Yeah1CMG, nêu nguyện vọng: “Chúng tôi chỉ mong phim Việt được đối xử công bằng trong kiểm duyệt như các phim kinh dị ngoại đang chiếu tại rạp VN. Tại sao phim ngoại ra rạp vẫn có những cảnh mà phim Việt bị cắt hết? Vậy làm sao chúng ta cạnh tranh kéo được khán giả cho phim Việt”.
Trong khi phim nội bị rà sát sạt như vậy, thì phim ngoại lại có những cú “hở sườn” nguy hiểm. Năm ngoái, Điệp vụ Biển Đỏ với thông điệp Biển Đông là của Trung Quốc vẫn bị lọt ra rạp chiếu. Năm nay, Everest - Người tuyết bé nhỏ với bản đồ “đường lưỡi bò” lại xuất hiện ở rạp chiếu VN. Những bộ phim này khiến nhiều người lo ngại khi các thông điệp sai trái về chủ quyền lại xuất hiện chính thức tại các cụm rạp trong nước. Hiện Bộ VH-TT-DL đang giao Thứ trưởng Tạ Quang Đông và Cục Điện ảnh khẩn trương xem xét trách nhiệm các cá nhân liên quan và báo cáo trước ngày 17.10.
Duyệt phim vừa cẩu thả, vừa cứng nhắc

Phim Everest - Người tuyết bé nhỏ có hình ảnh đường lưỡi bò vừa phải rút khỏi rạp chiếu

Ảnh: Khán giả chụp lại hình ảnh trên phim

Tư duy và quy trình duyệt có vấn đề

Theo PGS-TS Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm khoa Văn học (ĐH KHXH&NV- ĐH Quốc gia Hà Nội), không nên cho rằng phim có cảnh bạo lực có nghĩa là VN có nhiều bạo lực. “Có lẽ tư duy của hội đồng phim có vấn đề. Sứ mạng của nghệ sĩ không phải là phản ánh hiện thực, mà là nêu suy niệm của anh ta về hiện thực. Suy nghĩ ấy có giá trị khi có ý nghĩa cảnh báo. Và cảnh báo thì đương nhiên có cực đoan, chứ không phải là mô phỏng được. Lý luận về việc phim là phản ánh hiện thực đã quá xưa cũ rồi”, ông nói.
Cũng theo ông Thạch, muốn thật sự khách quan thì hội đồng duyệt phải có sự đa dạng về tiếng nói và tư tưởng. “Chẳng hạn, có một thành viên là người có khuynh hướng bảo thủ cực đoan thì khả năng người này đánh giá một cảnh phim là tình dục thái quá rất cao. Nếu hội đồng có 10 ông khác thành viên kia thì đánh giá đó sẽ khách quan hơn là chỉ trông cậy vào mình ông bảo thủ đó”, ông nói. 
Thứ nữa, ông Thạch nêu vấn đề trưng cầu ý kiến chuyên gia. “Hội đồng quanh đi quẩn lại cả nhiệm kỳ chỉ có ngần ấy vị chứ không có luân chuyển. Điều này gây sức ép cho chính hội đồng khi họ phải xem rất nhiều. Và nó cũng giảm đi tính đa dạng trong cách nhìn tác phẩm nghệ thuật cũng như ngăn luôn quá trình trưng cầu ý kiến chuyên gia. Ví dụ như câu chuyện chiếu một phim về chiến tranh lạnh, thì có những chuyện hội đồng không hiểu, thì phải trưng cầu chuyên gia chứ”, ông phân tích.
Ông Thạch cũng cho rằng quy trình duyệt phim cần chú ý phân chia công việc. “Chẳng hạn có người chỉ duyệt hình ảnh; có người chỉ duyệt ngôn ngữ; có người chỉ rà hình ảnh bản đồ, hay có người chỉ rà lời thoại… thì sẽ khó “lọt lưới”. Điều này đài truyền hình vẫn đang làm”, ông Thạch nói. Theo ông, cần thay đổi tổ chức hội đồng cũng như cách duyệt phim. “Việc duyệt phim có thể đúng quy trình nhưng vấn đề là quy trình ấy lại không ổn”, ông Thạch nhấn mạnh.

Án phạt Ròm như “văn hóa phẩm độc hại”?

 
Phim Ròm vừa thắng giải ở LHP Busan mới đây nhưng có thể không được cấp phép ở VN. Cùng lúc, Thanh tra Bộ VH-TT-DL ra quyết định phạt nhà sản xuất 40 triệu đồng và bị buộc phải "tiêu hủy tang vật vi phạm" là bản phim gửi tham gia LHP.
Về vụ việc này, nhà sản xuất Hồng Ánh mong sẽ thay đổi quy định phim Việt độc lập tham dự một LHP quốc tế ở nước ngoài phải có giấy phép kiểm duyệt của cơ quan quản lý điện ảnh của VN mới được gửi dự thi. “Phim nhập khẩu, phim chiếu nội địa thì theo luật quốc gia, còn ra thế giới nó có “cuộc đời” khác, mà có muốn kiểm soát cũng không thể, nhất là trong thời đại 4.0”, bà nói. Còn đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói: “Vụ việc phim Ròm, tôi có ý kiến chỉ nên kiểm duyệt các phim chiếu tại VN, còn các bản phim tham gia các LHP quốc tế là quyền tự do sáng tạo của bất cứ nghệ sĩ nào”.
Trần Dũng Thanh Huy, đạo diễn Ròm, chia sẻ: “Những phim của tôi phản ánh câu chuyện của tôi, chỉ xoay quanh cò đề. Phim 16h30’ (phim ngắn đoạt giải Liên hoan phim Yxineff 2012 - NV) tôi làm cũng cùng đề tài đó. Tại sao nhận định phim 16h30’ không có vấn đề mà Ròm lại như vậy? Thiệt ra lúc đầu tụi tôi làm phim, tôi luôn nghĩ là phim chắc chắn sẽ chiếu ngoài rạp. Phim chúng tôi làm ra không có sex, không chính trị, cũng không có câu chuyện như xã hội đen đánh đập giết chóc… Có người nói phim của tôi ở LHP Busan do vấn đề chính trị mới được giải thưởng. Chuyện đó không đúng. BGK có nói với tôi, khi chấm họ cũng không biết phim có vấn đề gì ở VN hết. Tôi đề cập đến việc đó để không ảnh hưởng công sức của những người dùng 6 - 7 năm cuộc đời cùng tôi đi làm phim”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.