Phim có 'đường lưỡi bò' lọt vào rạp chiếu Việt Nam

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
14/10/2019 06:16 GMT+7

Sự yếu kém của cơ quan kiểm duyệt tại VN lại vô tình tiếp tay cho chủ đích tuyên truyền chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông .

Mới nhất là việc phim hoạt hình Everest - người tuyết bé nhỏ có lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp vẫn được công chiếu tại VN.
Từ cuối tháng 9, bộ phim hoạt hình Everest - người tuyết bé nhỏ (tựa tiếng Anh là Abominable) đã được quảng bá rầm rộ tại VN. Một trong 2 nhà đồng sản xuất là Công ty Pearl Studio của Trung Quốc. Một nhân viên truyền thông của Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam cho biết đơn vị này phát hành bộ phim trên tại VN. Qua phương tiện truyền thông, CJ CGV còn giới thiệu đây là một trong các “phim hay tháng 10” được chiếu ở cụm rạp của công ty này và trên nhiều cụm rạp khác từ ngày 4.10.

Lén lút tuyên truyền bản đồ phi pháp

Không thể lơ là. Cài chi tiết là cách của Trung Quốc. Nếu nó không quan trọng gì cả thì đã không được cài vào trong phim. Một phim mà chiếu bản đồ quốc gia theo kiểu đó thì đã có ý đồ chứ không
phải chuyện tình cờ

PGS-TS Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm Khoa Văn - Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội)

Nội dung bộ phim xoay quanh cô gái tuổi teen tên Yi vô tình phát hiện một người tuyết tên Yeti trên mái nhà của khu căn hộ cô sống tại Thượng Hải (Trung Quốc). Yeti được Yi và nhóm bạn đặt tên là “Everest”. Sau đó, các bạn trẻ này cùng lên đường giúp Yeti quay trở về dãy Himalaya.
Tuy nhiên, sau khi dẫn con gái xem phim trên tại rạp, anh Lê Văn Hiệp (ngụ Hà Nội) không khỏi bức xúc vì: “Hình ảnh “đường lưỡi bò” trên tấm bản đồ Trung Quốc trên sân thượng nhà Yi”. Cụ thể hơn, trong phim Abominable, hình ảnh đường lưỡi bò xuất hiện trong 2 đoạn và 4 cảnh phim. Ngay trong phần trailer với phụ đề Việt mà “CJ CGV hân hạnh phát hành” thì cũng dễ dàng nhìn ra tấm bản đồ có “đường lưỡi bò” mà nhân vật chính Yi treo trên tường trong căn phòng nhỏ của cô bé. Tấm bản đồ này xuất hiện nhiều lần trong bộ phim.

Thu hồi phim rồi… sửa chữa

Không ai chịu trách nhiệm việc phim nói Biển Đông thuộc Trung Quốc ?

 
Như Thanh Niên từng thông tin, tháng 3.2018, bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ cũng do CGV phát hành, có hình ảnh đoàn tàu chiến Trung Quốc đi qua một vùng biển được chú thích bằng dòng chữ “South China Sea” (tức Biển Đông). Tại đây, hạm đội Trung Quốc phát loa yêu cầu một tàu chiến khác phải “rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc”. Thông điệp này hoàn toàn sai lệch, xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của VN đối với Biển Đông. Chính vì thế, nhiều khán giả đã vô cùng bức xúc.
Khi đó, sáng 26.3.2018, bà Lý Phương Dung, Cục phó Cục Điện ảnh, khẳng định với báo chí hội đồng thẩm định đã thẩm định phim đúng quy trình. Bà Dung cũng khẳng định không có căn cứ để nói phim tuyên truyền hiếu chiến về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Bà còn cho rằng, thông tin một số báo đã đưa “có tính suy diễn, chủ quan, gây ra nhiều thông tin sai lệch trong dư luận, đồng thời tạo ra những tác động tiêu cực trong xã hội”.
Chiều 26.3.2018, Bộ VH-TT-DL đã có thông cáo tới các cơ quan báo chí. Thông cáo khẳng định: “Hoàn toàn không có căn cứ để kết luận rằng bộ phim có liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về luật Biển, về lãnh thổ đã lên tiếng bác bỏ quan điểm này của Bộ VH-TT-DL. Đặc biệt, thời điểm trên, website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc giới thiệu Điệp vụ Biển Đỏ nằm trong chiến lược tuyên truyền cho yêu sách chủ quyền của nước này trên Biển Đông.
Đến ngày 24.4.2018, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ VH-TT-DL, vấn đề trách nhiệm của người duyệt phim được đưa ra. Bà Lý Phương Dung tiếp tục khẳng định Điệp vụ Biển Đỏ được thực hiện đúng quy trình thẩm định. Thời điểm đó, chưa có một ai phải chịu trách nhiệm về vụ việc này.
Liên quan vụ việc, tối 13.10.2019, trả lời câu hỏi về việc có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm và nhận kỷ luật về vụ việc để phim Điệp vụ Biển Đỏ ra rạp hay không, Chánh văn phòng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Thái Bình cho biết: “Tôi hiện chưa có giấy tờ trong tay. Ngày mai (14.10) tôi sẽ kiểm tra lại thông tin này”.
Hôm qua (13.10), trả lời Thanh Niên, ông Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim, cho biết: “Phim đó (Abominable - PV) tôi không dự. Tôi nhớ là tôi không dự. Thực ra là những phim có dính đến Trung Quốc thì chúng tôi cũng rất chú ý. Thứ ba này chúng tôi làm việc thì sẽ xem mọi chuyện thế nào”.
Cùng ngày 13.10, liên quan vụ việc, bà Nguyễn Thu Hà, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết: “Chúng tôi thẳng thắn nhận trách nhiệm. Về phía hội đồng cũng đã làm việc trách nhiệm, và cũng khó trách. Chúng tôi sẽ nhắc nhau cảnh giác hết sức, để công việc của hội đồng được thận trọng hơn. Nhưng người nhận trách nhiệm sẽ là tôi, chứ không thể bắt chủ tịch hội đồng nhận trách nhiệm được. Thường thì Cục trưởng Cục Điện ảnh không có trách nhiệm xem toàn bộ phim cần duyệt. Nhưng tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm của đơn vị quản lý nhà nước”.
Bà Hà cũng cho biết, đã trao đổi với CJ CGV về việc phim sẽ dừng chiếu trên toàn bộ hệ thống rạp. Toàn bộ trailer cũng đã tháo gỡ trên hệ thống. Tối 13.10, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông cho biết: “Chúng tôi sẽ xử lý ngay. Chúng tôi sẽ cho thu hồi phim rồi sửa chữa”.

Phim Everest - người tuyết bé nhỏ có bản đồ “đường lưỡi bò” được CJ CGV giới thiệu là “phim hay tháng 10” và chiếu ở VN

Ảnh: ngô minh trí - Chụp lại hình ảnh trên phim

“Không thể chấp nhận”

Không rõ Bộ VH-TT-DL sẽ sửa chữa kiểu gì khi phim Abominable đã được công chiếu gần 10 ngày, và được đánh giá là “ăn khách”. Trong khi đó, nhận xét về vụ việc, PGS-TS Trần Đức Cường, chủ tịch hội Khoa học lịch sử VN, cho rằng: “Phim chiếu rạp VN mà lại có đường lưỡi bò là không chấp nhận được. Trong phim cũng có chính trị đấy. Cho dù thoáng qua vài giây cũng không chấp nhận được vì đó là vi phạm chủ quyền. Đi du lịch mặc áo đường lưỡi bò vào VN còn phải thay áo, đừng nói gì đây là phim chiếu cho công chúng VN xem”.
Tương tự, GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, cũng bức xúc: “Phim gì thì phim mà lại gắn đường lưỡi bò thì không được. Đường lưỡi bò là thứ Trung Quốc tự bịa ra, hoàn toàn không có cơ sở lịch sử, đã bị tòa trọng tài của công ước luật biển bác bỏ. Phim duyệt ở VN mà lại đưa cái đó vào thì người duyệt phim cũng là phản động. Hộ chiếu chẳng hạn, đưa đường lưỡi bò vào thì mình đã phản đối. Giờ lại còn đưa phim vào tuyên truyền nữa. Nếu phim đó chiếu thì phải xóa cái đó đi”.

Chuyện không hề nhỏ

Ngày 13.10, trả lời Thanh Niên, PGS-TS Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm Khoa Văn - Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận xét: “Về mặt văn hóa, đó có thể chỉ là phim cho thiếu nhi. Nhiều đứa trẻ xem có thể cũng không quan tâm, nhưng cũng sẽ có những trẻ quan tâm. Điều đó chưa kể chuyện một phim để lọt lưới thì sẽ nhiều phim tiếp tục như vậy. Nó sẽ thành một tình trạng sai kéo dài thành đúng. Hơn nữa, phim này cũng không chỉ dành cho trẻ em ít tuổi mà có thể cả tuổi 14 - 15 nữa. Nếu nhận thức đó hằn vào trong các em thành bình thường thì chết à, rất nguy hiểm”.
Bên cạnh đó, ông Thạch phân tích: “Một phim đã được hội đồng của nhà nước, là hội đồng phim quốc gia duyệt, thì có nghĩa chúng ta đã duyệt nó với tất cả các chi tiết của nó. Đó là câu chuyện ảnh hưởng ngoại giao. Mà kết luận hội nghị trung ương vừa rồi, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc về vấn đề chủ quyền rồi. Những chi tiết tưởng là nhỏ nhưng về chính trị không hề nhỏ chút nào cả. Thế thì khác gì việc duyệt một cuốn sách tham khảo mà trong sách lại công nhận đường lưỡi bò ấy. Duyệt như vậy khác gì về mặt nhà nước ta công nhận đường lưỡi bò đó”.
Từ hai khía cạnh đó, ông Thạch đánh giá đây là một vụ việc nghiêm trọng. “Không thể lơ là. Cài chi tiết là cách của Trung Quốc. Nếu nó không quan trọng gì cả thì đã không được cài vào trong phim. Một phim mà chiếu bản đồ quốc gia theo kiểu đó thì đã có ý đồ chứ không phải chuyện tình cờ. Không có gì tình cờ cả. Không thể tình cờ được”, ông Thạch nói.
Quả thực, không có gì là tình cờ và đây không phải là lần đầu tiên! Năm 2018, dư luận không khỏi bức xúc khi bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ (tựa gốc Operation Red Sea), do Trung Quốc sản xuất, với đoạn cuối lồng ghép tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông, nhưng vẫn được duyệt rồi CJ CGV phát hành và công chiếu tại VN.
Vì thế, lần này, Everest - người tuyết bé nhỏ (Abominable) lại lọt kiểm duyệt và cũng được CJ CGV phát hành, công chiếu tại rạp ở VN thì không thể bỏ qua trách nhiệm của cơ quan phụ trách duyệt phim lẫn CJ CGV.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.