Sách giới thiệu tranh cổ động: tham vấn chuyên gia và theo hồ sơ gốc

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
17/07/2020 10:39 GMT+7

Khát vọng hòa bình: Sưu tập chọn lọc tranh cổ động là cuốn sách trung thành với hồ sơ gốc được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Việc dịch thuật cũng được tham khảo chuyên gia nước ngoài.

Tên trong hồ sơ gốc

Thanh Niên ngày 15.7.2020 có bài viết Cần đảm bảo tính chân thực của tranh cổ động trong đó có nêu những ý kiến của ông Nguyễn Quang Việt, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho rằng cuốn sách Khát vọng hòa bình: Sưu tập chọn lọc tranh cổ động (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Nhà xuất bản Mỹ thuật thực hiện) có những bất cập đáng lo ngại.
Về các vấn đề được nêu trong bài báo, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có những ý kiến phản hồi.
Theo đó, các chú thích tên tranh trong cuốn sách, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, các tranh cổ động sau khi được sưu tầm sẽ được nhập sổ kiểm kê của bảo tàng và chính thức trở thành hiện vật bảo tàng.
Những hiện vật được giới thiệu trong cuốn sách này được sưu tầm từ nhiều năm trước đây và do các thế hệ đi trước thực hiện việc vào sổ kiểm kê. “Việc can thiệp vào hồ sơ gốc không phải là việc làm tuỳ tiện mà phải có nguyên tắc, phải được chứng minh bằng cơ sở khoa học và phải được thực hiện theo đúng quy định”, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết.
Cũng theo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, khi chú thích hiện vật, bảo tàng căn cứ trên tên gọi của hiện vật ghi trong sổ kiểm kê. Trong cuốn sách tranh cổ động này, tên chú thích hiện vật hoàn toàn trung thực với sổ gốc của bảo tàng, không hề chỉnh sửa, thêm bớt. Do đó, có những hiện vật có tên gọi không trùng với những từ ngữ/khẩu hiệu ghi trên tranh cổ động.

Một trang sách mà ông Quang Việt có ý kiến về tên tác phẩm

Ảnh Kiều Mai Sơn

Phía bảo tàng cũng cho biết thêm, việc chú thích đối với loại hình tranh cổ động dựa theo tên gọi của hiện vật mà không nêu toàn bộ từ ngữ/khẩu hiệu trên tranh là việc mà các bảo tàng khác trên thế giới cũng thực hiện.

Ví dụ, trong cuốn American Art Posters of the 1890s (Nghệ thuật tranh cổ động Mỹ những năm 1890) do Metropolitan Museum of Art xuất bản năm 1988 tại New York (Mỹ) có những tranh có nhiều chữ trên tranh nhưng chú thích hiện vật không đưa hết.

Dịch thuật có tham vấn chuyên gia

Về việc biên tập tiếng Anh, phía bảo tàng cho biết, do muốn chuyển tải thông điệp về khát vọng hoà bình của nhân dân Việt Nam tốt nhất tới công chúng/độc giả quốc tế, nên bảo tàng rất có ý thức về vấn đề biên tập.
“Người dịch dù có am tường tiếng Anh đến mức độ nào nhưng có những sắc thái ngữ nghĩa nếu không phải là người hiểu biết về văn hoá hay ngôn ngữ bản địa sẽ rất khó lựa chọn được những từ ngữ tốt nhất. Vì vậy, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nhờ một giáo sư của Đại học Cambridge góp ý cho phần tiếng Anh, đồng thời lắng nghe và cân nhắc những ý kiến tư vấn của chuyên gia”, ông Anh Minh cho biết.
Chẳng hạn, bức tranh cổ động có một phần chú thích được dịch là “bắn người Mỹ”, đã được góp ý nên dùng “bắn kẻ thù”.
“Tranh cổ động rất khó dịch sang tiếng Anh bởi vì người nước ngoài không quen với những từ ngữ và ý tưởng mà mọi người Việt Nam đều có thể hiểu ngay. Ngoài ra, tôi lo lắng rằng người nước ngoài sẽ bị sốc khi xem bản dịch của những tranh cổ động mà họ có thể nghĩ là rất hiếu chiến và đi ngược lại với “khát vọng hoà bình”. Bức tranh làm tôi lo lắng nhất là số 42 - khi các bạn dịch là "bắn người Mỹ". Có lẽ tôi chỉ nên nói là kẻ thù, không phải là Mỹ hay giặc Mỹ đối với một tranh. Bạn có đồng ý không?”, vị chuyên gia này góp ý, theo ông Minh.
Về ý kiến phần dịch tiếng Anh tên tranh cổ động có từ “B-52”(loại máy bay ném bom B-52 do hãng Boeing sản xuất), sau khi tham vấn chuyên gia, bảo tàng đã diễn giải rõ “máy bay ném bom B-52”.
“Nếu chỉ ghi là B-52 thì nhiều công chúng bình thường, đặc biệt là giới trẻ ngày nay không hiểu, do đó, phần tiếng Anh diễn giải rõ là “Máy bay ném bom B-52” hoàn toàn không gây hiểu nhầm cho người nói tiếng Anh bản địa”, phía Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết. 
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ những chú thích về tên tranh trong cuốn sách này hoàn toàn trung thực với sổ hiện vật gốc của Bảo tàng, không hề chỉnh sửa, thêm, bớt. Những góp ý của độc giả về cách in hình ảnh của tranh cổ động cũng là một cách làm mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có thể tham khảo khi tái bản cuốn sách này.
Ông cũng cho biết, bảo tàng rất ý thức về việc chuyển tải thông điệp “khát vọng hòa bình” của dân tộc Việt Nam tới bạn bè quốc tế, nên công tác biên tập tiếng Anh được thực hiện hết sức cẩn trọng và cân nhắc kỹ lưỡng, với sự tư vấn của chuyên gia bản ngữ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.