Thi cũng đạo, không thi cũng đạo
Năm 2010, một bức tranh cổ động của Trung Quốc đã được đạo để trở thành tranh cổ động về an toàn lao động tại Việt Nam. Bức tranh của Trung Quốc được tuyên truyền cổ động học tập trước tác của Mao Trạch Đông. Trên bức tranh đạo tại Việt Nam, dòng tên tác phẩm bị xóa đi và thay vào đó là hàng chữ Pháp luật bảo hộ lao động. Tuy nhiên, phải sau đó 6 năm, khi truyền hình đưa bức tranh cổ động (đã xóa hàng chữ tiếng Trung) lên phông nền một chương trình, việc đạo nhái này mới được đưa ra.
|
Năm 2017, bức tranh được giải cuộc thi cổ động tuyên truyền cho APEC cũng có vấn đề. Ảnh so sánh cho thấy tác phẩm Hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của họa sĩ Dương Ngân Hải rất giống với tranh cổ động về kỳ Thế vận hội 1980 tại Liên Xô của một họa sĩ nước này. Tuy nhiên, cộng đồng chỉ được biết đến việc đạo nhái này trong thời gian mới đây. Đó là do họa sĩ Dương Ngân Hải bị cho là có tranh cổ động dự thi sáng tác Tuyên truyền văn hóa năm Chủ tịch ASEAN 2020. Tác phẩm Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng của Dương Ngân Hải bị cho là đạo tranh của một họa sĩ Ukraine từng công bố năm 2015. Khi có thông tin tác phẩm này đoạt giải khuyến khích của cuộc thi, cộng đồng đã tìm kiếm và đưa ra trường hợp bức tranh hồi năm 2017 nói trên.
Năm 2019, cuộc thi sáng tác về công đoàn có 7 tác phẩm bị tố đạo tranh. Trong đó, giải đặc biệt của tác giả Đỗ Đình Tuyền (ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội) bị “tố” đạo 2 tác phẩm khác.
Về vấn đề này, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), bày tỏ: “Tranh cổ động bị đạo? Nhiều, nhiều chứ, rất nhiều. Lấy ý tưởng, lấy bố cục, lấy biểu tượng của người này, người kia; cả trong nước, cả quốc tế đưa vào tác phẩm cổ động… có nhiều trường hợp!”.
Đạo nhanh, xác minh chậm, xử lý lắm thủ tục
Mặc dù hình so sánh các bức tranh bị tố đạo mới nhất (cuộc thi liên quan sự kiện APEC 2017 và ASEAN 2020) khá rõ ràng, nhưng cho tới thời điểm này, đơn vị tổ chức cuộc thi là Cục Văn hóa cơ sở cũng chưa có quyết định nào bằng văn bản. Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương cho biết bà chưa thể xác nhận bức tranh về ASEAN 2020 của ông Dương Ngân Hải đang bị tố trên mạng có được giải hay không.
“Tranh hiện đang được gửi Tiểu ban tuyên truyền về APEC để kiểm tra lại lần cuối. Họ chưa gửi lại nên chúng tôi chưa kiểm tra lại được. Trước đây, cuộc thi APEC cũng làm như thế. Có họa sĩ gửi rất nhiều tranh nên chúng tôi không rõ tác phẩm bị tố đạo có được giải không”, bà Hương nói và cho biết lễ trao giải cũng chưa tổ chức.
Theo bà Hương, việc kiểm tra lại này phải xem có đúng bức tranh có tên trong danh sách khen thưởng của Bộ VH-TT-DL (đã công bố trên mạng) là bức tranh đang lan truyền trên mạng không. “Có những bức họa sĩ không đặt tên mà ban tổ chức đặt tên dựa trên khẩu hiệu, mẫu tuyên truyền trên nội dung tranh. Chúng tôi phải kiểm tra ký hiệu của ban giám khảo, khớp hình với ký hiệu trên tranh của ban tổ chức với ban giám khảo, cuối cùng mới kết luận”, bà Hương nói.
Về việc sẽ xử phạt thế nào trong trường hợp đạo nhái có thật, bà Hương cho biết sẽ phải làm nhiều thủ tục. “Chế tài cho đạo tranh có, nhưng Cục Văn hóa cơ sở lại không quản lý vấn đề đó, nên khi phát hiện có đạo nhái thì lại phối hợp với đơn vị khác mới phạt được. Theo quy định phải có một quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền công bố đạo tranh. Cơ quan quyết định là Thanh tra Bộ VH-TT-DL và Cục Bản quyền. Sau đó ban tổ chức mới có thể ra quyết định thu hồi giải thưởng đó”, bà Hương nói. Trong khi đó, theo ông Vi Kiến Thành, cũng phải tham vấn hội đồng chuyên môn trước khi ra quyết định; chưa kể có trường hợp phải do tòa án quyết định.
|
|
Đưa tác phẩm lên mạng lấy ý kiến ?
Theo bà Hương, đặc thù của tranh cổ động là có mục đích hướng tới hoạt động tuyên truyền. Yếu tố sáng tạo của tranh cổ động cũng không cao như tác phẩm mỹ thuật khác. “Tác phẩm nghệ thuật còn đạo nhái thì tranh cổ động ý tưởng rất dễ trùng. Khi trao giải rồi, việc tìm lại tác phẩm đạo nhái là thách thức lớn. Tranh nghệ thuật còn khó nữa là tranh cổ động”, bà Hương nói.
Bà Hương cũng cương quyết không tiết lộ danh tính ban giám khảo cả 2 cuộc thi tranh cổ động liên quan APEC 2017 và ASEAN 2020, dù Cục của bà là đơn vị tổ chức. “Tôi từ chối không thông tin cho báo chí ai là người tham gia ban giám khảo, ai là chủ tịch ban giám khảo”, bà Hương khẳng định. Mặc dù vậy, ông Vi Kiến Thành đã nhận mình là thành viên của ban giám khảo. Ông cũng cho biết, chủ tịch cuộc chấm tranh cổ động ASEAN là họa sĩ Lương Xuân Đoàn; chủ tịch cuộc chấm tranh cổ động APEC là ông Trần Khánh Chương (đã mất). Cả 2 vị chủ tịch này đều là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Trả lời câu hỏi thể loại cổ động có phải là lý do trong việc liên tục có đạo nhái không, ông Thành cho rằng đạo tranh là do ý thức bản quyền và đạo đức nghề nghiệp của họa sĩ kém. Thêm vào đó, điều kiện công nghệ và chương trình đồ họa giúp việc lắp ráp tác phẩm của người này, người kia vào dễ hơn. “Thể loại không có lỗi gì, lỗi ở đây hoàn toàn là con người, do ý thức con người”, ông Thành khẳng định.
Về việc ban giám khảo để lọt tranh đạo nhái, ông Thành cho biết ban giám khảo chỉ được tiếp cận và chấm những tranh đó trong thời gian 1 ngày, thậm chí là 1 buổi sáng hoặc 1 buổi chiều. “Từ 8 - 11 giờ 30 sáng là phải xong hết, từ chọn đến chấm giải, Ban giám khảo không còn thời gian mà lên mạng. Hơn nữa, cũng chẳng ai dám nói mình biết hết mọi bức tranh đã có ở trên đời này”, ông Thành nói và cho rằng các cuộc thi tranh cổ động sau này, ban tổ chức nên rà soát trước khi hội đồng tiếp xúc với tác phẩm. “Cái nào giống cái nào, ban tổ chức làm trước thì đủ thời gian hơn, chứ hội đồng tiếp cận như thế thì không có thời gian”, ông nói.
Cũng theo ông Thành: “Cuộc thi nào cũng nói rõ tác giả phải chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền. Tôi và chị Hương (Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - PV) trao đổi và cũng cho rằng, nên có thêm quy định, đó là sau khi chấm giải xong sẽ đưa các tác phẩm đó lên mạng lấy ý kiến. Sau bao nhiêu ngày không ai có ý kiến mới trình lãnh đạo Bộ làm quyết định trao giải”.
Bình luận (0)