Sài Gòn ơi, Hãy tin, hãy yêu, hãy luôn hy vọng

11/07/2021 06:33 GMT+7

'Sài Gòn ơi, bao mùa nắng mưa/Vượt qua đau thương bao khốn khó nguy nan/Hãy tin, hãy yêu, hãy luôn hy vọng/Vì tình yêu ta luôn dành mãi cho thành phố này, cho cuộc đời này...', đó là những câu hát từ ca khúc vừa được ca sĩ Lê Minh - nhóm MTV viết ngay trong ngày đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở TP.HCM.

Bài hát, như Lê Minh chia sẻ, đang được Anh Tuấn (thành viên chuyên sáng tác của MTV) chỉnh sửa thêm phần lời để nhạc sĩ Nguyễn Dân thực hiện hòa âm và sẽ sớm ra mắt. “Những ngày tham gia làm tình nguyện viên chống dịch vừa qua, tôi cảm nhận được nhiều hơn về cuộc sống của người dân TP.HCM cũng như các y, bác sĩ, đội ngũ đang thực hiện nhiệm vụ. Từ công việc ở chốt cách ly, rồi phụ bếp, khuân vác..., tôi thấu hiểu thêm tình cảm của người dân thành phố dành cho nhau trong đợt dịch này. Mỗi người chúng ta cần làm điều gì đó có thể chia sẻ với nhau lúc khó khăn này, để lan tỏa sự quan tâm, yêu thương, đoàn kết... Tôi hy vọng mình sẽ góp một chút năng lượng tích cực qua bài hát Vietnam stay strong...”, Lê Minh bày tỏ.

Cụ bà Ngô Thị Quýt 95 tuổi may khẩu trang tặng bà con trong khu phố

tranh: Lê Sa Long

Sài Gòn tôi sẽ thơm phở ngon, huyên phố phường

Khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, hàng trăm nghệ sĩ, người nổi tiếng đã đồng loạt chia sẻ những dòng trạng thái giàu cảm xúc, những thông điệp yêu thương, những hình ảnh đẹp về Sài Gòn - TP.HCM, như lời động viên, lời chúc nhằm tiếp thêm sức mạnh để thành phố sớm vượt qua đại dịch.

Sài Gòn tôi sẽ - Sáng tác và biểu diễn: 9X Thái Dương

Sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, 30 năm qua, tình yêu dành cho quê hương mình luôn cháy bỏng trong chàng trai 9X Nguyễn Thái Dương (thầy giáo tiếng Anh vốn được yêu thích với những clip nhạc chế tiếng Anh triệu view giúp người nghe, học trò dễ nhớ từ vựng). Suốt thời gian qua khi thành phố “trọng thương”, tất cả những gì anh được nhìn - nghe - cảm nhận đã khiến những xúc cảm bật thành lời hát, để Sài Gòn tôi sẽ ra đời. Trong điệu valse nhẹ nhàng, Sài Gòn tôi sẽ với ca từ vừa thực và cũng thật thơ được Thái Dương đàn, hát và dựng - ghép thêm hình ảnh biết nói của nhiếp ảnh gia Minh Hòa trong những ngày thành phố giãn cách nhanh chóng thu hút sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng.
Sài Gòn ơi, Hãy tin, hãy yêu, hãy luôn hy vọng

Một em bé phải rời gia đình đi cách ly

tranh: Lê Sa Long

Theo Thái Dương, đã có nhiều khán giả liên lạc để xin văn bản ca khúc, hợp âm, xin cover... và cũng có những góp ý về ca từ. Tác giả cũng rất thiện chí tiếp thu và đã chỉnh sửa một số chữ để ca khúc phù hợp, thân thiện hơn với tai nghe của mọi người. Là “dân tay ngang” nên Thái Dương cũng không ngại khi cho biết trong bài hát có câu “nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này” được trích từ bài Sài Gòn đẹp lắm của nhạc sĩ Y Vân; hoặc cách sử dụng thủ pháp liệt kê - tả thực trong đoạn: “Hàng quán hay chợ búa hay là cổng trường/Rạp hát hay là công viên rồi giáo đường/Cửa đóng then cài để bao người nhớ thương/Nhìn lá rơi quạnh vắng nghe đầy vấn vương...”, “Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, Phú Nhuận/Sẽ ôm siết nhau, bắt tay, vui mừng”, “Sài Gòn tôi sẽ náo nức như thường/Sẽ thơm phở ngon, sẽ huyên phố phường…” được anh học hỏi từ các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Và, như trong bài thơ Thành phố này mà nhà thơ Phong Việt vừa chia sẻ, khi “Thành phố này, vẫn chưa nói hết với chúng ta về nỗi đau...”, thì khoảng thời gian này, thành phố có “mệt mỏi” hay “trở bệnh”, thành phố có vắng tiếng còi xe hay những thanh âm cuộc sống… cũng là khoảng lặng cần thiết, để thành phố này tăng thêm “kháng thể”, để mạnh mẽ hơn, năng động hơn, nhộn nhịp hơn...

Con đường trước UBND TP.HCM không một bóng người

ảnh: Giản Thanh Sơn

Những câu chuyện đời

Từng nổi tiếng với bộ sưu tập Khẩu trang với người nổi tiếng ở đầu đại dịch Covid-19, họa sĩ Lê Sa Long tiếp tục khiến người xem rưng rưng với loạt ảnh Sài Gòn thời giãn cách. Đó là hình ảnh TP.HCM rất đời thường của những người lao động lam lũ trên đường phố vắng hoe trong giãn cách; những công viên, ghế đá không ai lui tới, khu dân cư chịu cảnh giăng dây, những gian hàng, quán cơm trưa 0 đồng, những cây ATM gạo... ấm áp nghĩa tình. Tranh ông còn có hình ảnh em bé phải rời gia đình đi cách ly, mẹ Ngô Thị Quýt (ngụ Q.Gò Vấp) ở tuổi 95 vẫn hằng ngày cần mẫn may từng chiếc khẩu trang tặng bà con trong khu phố, chị Tám ve chai giữa trưa nắng ngồi ở góc hè “chat” với con cái, bên cạnh hộp cơm từ thiện ăn dở...
Sài Gòn ơi, Hãy tin, hãy yêu, hãy luôn hy vọng

MV Sài Gòn tôi sẽ của Nguyễn Thái Dương được hàng nghìn lượt chia sẻ trên mạng xã hội

Ảnh: Chụp từ clip

Vào những ngày thực hiện Chỉ thị 15, có người đàn ông tóc bồng bềnh vẫn hằng ngày đeo khẩu trang, ôm máy ảnh rong ruổi khắp các đường phố, đó là nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn. Ông kể: “Tôi đã sở hữu hàng chục bức ảnh chưa từng thấy về Sài Gòn những ngày sống chậm trong cơn đại dịch và cũng chưa bao giờ thấy Sài Gòn - TP.HCM lại mạnh mẽ như thế. Tất cả cùng san sẻ ngọt bùi lúc khốn khó”.
Cứ những lần TP.HCM giãn cách xã hội, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong lại âm thầm rong ruổi khắp các hang cùng ngõ hẻm để dõi theo những câu chuyện và nhịp sống của Sài Gòn do ảnh hưởng dịch bệnh. Qua nhiều lần TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đã kịp ra mắt bộ sách ảnh và triển lãm cá nhân Sài Gòn Covid-19, cùng một gia tài ảnh đồ sộ về đề tài này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.