Sân khấu Việt 'nóng' với nhạc kịch

Ngọc An
Ngọc An
18/11/2020 06:37 GMT+7

Cùng trong tháng 11 này, hai vở nhạc kịch Những người khốn khổ (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam) và Tôi đọc báo sáng nay (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long) sẽ chính thức ra mắt công chúng.

Sau khi mở bán, vé của vở nhạc kịch Những người khốn khổ được nhiều khán giả tìm mua. Hai đêm diễn dự kiến đã phải “nối” thêm thành 4 đêm diễn (21 - 24.11) tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Còn vở nhạc kịch Tôi đọc báo sáng nay cũng “chào sân” với 2 đêm diễn (27 - 28.11) tại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long (Hà Nội).

Dàn ê kíp trẻ

Nhiều tháng nay, những nghệ sĩ của dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) cùng thành viên của dàn hợp xướng quốc tế Hanoi Voices đã miệt mài tập luyện cho vở nhạc kịch Những người khốn khổ. Lần đầu tiên, vở nhạc kịch dựa theo tác phẩm văn học nổi tiếng của đại văn hào Victor Hugo được đưa lên sân khấu Việt. Vở nhạc kịch Những người khốn khổ “phiên bản” VNOB mang đến câu chuyện về một giấc mơ tan vỡ, về tình yêu không được đáp trả, về niềm đam mê, sự hy sinh và chuộc tội.
Ê kíp sản xuất trẻ gồm những nghệ sĩ đã và đang học tập, hoạt động nghệ thuật tại nước ngoài như nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, đạo diễn trẻ Triều Dương (người đã trải qua cách ly 14 ngày phòng dịch sau khi từ Anh về), biên đạo múa Linh An (chuyên ngành vũ đạo Broadway tại Mỹ)… NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc VNOB, tổng đạo diễn - chỉ đạo nghệ thuật vở nhạc kịch, lý giải việc chị lựa chọn người đồng hành với mình bắt đầu từ niềm tin, trực giác mạnh mẽ, cùng kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. “Triều Dương là lựa chọn thích hợp nhất trong thời điểm hiện tại. Tôi rất thích sự khai thác trẻ của bạn ấy”, NSƯT Trần Ly Ly nói. Còn biên đạo múa Linh An giống như “điểm rơi” thú vị khi Trần Ly Ly cần thêm điều gì đó.
Tạo nên vở nhạc kịch thuần Việt Tôi đọc báo sáng nay là ê kíp sáng tạo gồm hầu hết là những nghệ sĩ trẻ như đạo diễn - nhạc sĩ Dương Cầm, kịch bản - ca sĩ Khánh Linh, đạo diễn sân khấu - Linh 3T… Theo nhạc sĩ Dương Cầm, khác với vở diễn trước, Tôi đọc báo sáng nay được dàn dựng hoàn toàn là một vở nhạc kịch, ở đó có những câu chuyện của đời sống, vấn đề của xã hội từ chuyện tiền điện, vệ sinh môi trường, chuyện vụn vặt ở khu phố, cho đến chuyện chống dịch Covid-19, lũ lụt ở miền Trung…
Sân khấu Việt 'nóng' với nhạc kịch1

Hình ảnh trong vở nhạc kịch Tôi đọc báo sáng nay

ẢNH: NSCC

Khai thác tiềm năng của nhạc kịch

Nhiều thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cùng góp mặt trong Tôi đọc báo sáng nay: NSƯT Khánh Hòa, Hồng Dung, Lô Thủy, Bách Nguyễn, Bảo Trâm, Đông Hùng, Đinh Quang Đạt. Đây cũng là lần đầu tiên nhiều nghệ sĩ trẻ của nhà hát được trải nghiệm thực sự với nhạc kịch. “Đó có thể là khó khăn với đạo diễn nhưng ngược lại cũng là điều thú vị, bởi những nghệ sĩ trẻ sẽ có nhiều khám phá mới lạ. Và họ chính là những nhân tố có thể khiến mọi người ngạc nhiên về khả năng diễn xuất”, nhạc sĩ Dương Cầm bày tỏ.

Để thị trường đó ngày càng mở rộng thì mình cần phải làm những vở nhạc kịch gần gũi với đời sống, ở đó có những câu chuyện mà khán giả có thể cảm nhận mình trong đấy, từ đó sẽ dễ tiếp cận, đón nhận hơn

Nhạc sĩ Dương Cầm

Một điều đặc biệt của vở nhạc kịch Những người khốn khổ là sự quy tụ dàn diễn viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau. “Chúng tôi đã tuyển chọn diễn viên ở trong phạm vi của mình. Bởi với nguồn tài chính hiện có, VNOB khó có thể mời những cộng tác viên đắt giá, tuy nhiên, chúng tôi có tương đối nhân lực đủ để thực hiện tác phẩm ở một tầm nhất định”, NSƯT Trần Ly Ly nhìn nhận và cho biết thêm: “Khi mình lựa chọn tác phẩm thì mình đã phải cân đối xem “nhà” mình có những gì. Điều quan trọng với một người chỉ đạo nghệ thuật là biết “lựa cơm gắp mắm””.
Các diễn viên tham gia Những người khốn khổ sẽ vừa hát, vừa diễn xuất, vừa múa. NSƯT Trần Ly Ly cũng chia sẻ rằng tính chất của mỗi tác phẩm khác nhau cũng đòi hỏi những kỹ năng khác nhau của người diễn viên.
Nói về tiềm năng của nhạc kịch, NSƯT Trần Ly Ly cho rằng nếu không nhìn thấy thì chị sẽ không bao giờ làm. Sau Những người khốn khổ, VNOB sẽ tiếp tục với những tác phẩm nhạc kịch lớn khác. Còn theo nhạc sĩ Dương Cầm, thực hiện những tác phẩm nhạc kịch là định hướng mới trong những năm tới của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Anh chia sẻ: “Nhà hát đã có một sân khấu nhỏ với 180 ghế đang được xây dựng để trở thành điểm biểu diễn thường xuyên những vở nhạc kịch. Chúng tôi không bị tốn kém, mất công sức đi thuê địa điểm nữa. Giờ “nhà” mình có sẵn, nên sẽ tổ chức được nhiều buổi diễn hơn, phục vụ khán giả đến xem nhiều lần hơn”.
Nhạc sĩ Dương Cầm nhận định nhạc kịch tại Việt Nam tuy còn được coi là thể loại khá “mới” với nhiều người nhưng tiềm năng thị trường vẫn có. “Tuy nhiên, để thị trường đó ngày càng mở rộng thì mình cần phải làm những vở nhạc kịch gần gũi với đời sống, ở đó có những câu chuyện mà khán giả có thể cảm nhận mình trong đấy, từ đó sẽ dễ tiếp cận, đón nhận hơn”, anh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.