Ngẫu nhiên lần ấy đưa sinh viên đi thực tế Huế và Đà Nẵng hai tuần. Xuống ga Huế trời đã mưa tầm tã. Hết ngày đầu tiên, rồi ngày thứ hai, vẫn mưa, những háo hức được vào xứ Thần Kinh dần hóa thành sốt ruột. Nhưng lại nghĩ: không mưa sao còn là Huế? Sang ngày thứ ba, trời vẫn mưa. Thế là gọi xích lô. Chủ xe hỏi đi đâu, bèn trả lời là đi đâu cũng được, trừ những nơi đã đến mấy lần. “Vậy hết rồi, chả còn thắng cảnh danh lam nào nữa!”. Chợt nghĩ: sông Hương bắt đầu từ đâu? Thế là được dịp ngược ngã ba Tuần. Tả trạch và Hữu trạch hiện ra. Đến được sông Hương thượng nguồn, kể cũng riêng cái thú! Bắt đầu một hành trình xuôi phía biển, về Đập Đá, Vĩ Dạ, chầm chậm soi bóng thành Huế cổ kính mộng mơ trước khi ra Thuận An cửa biển. Thế là có một sông Hương, để sau này, đọc những áng văn trứ danh của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, những thi phẩm tuyệt tác của Thu Bồn, Nguyễn Trọng Tạo... thấy tự tin và ấn tượng hơn nhiều, bởi đã có chút lưng vốn tạo nên tâm thế đồng hiện làm nền khi đọc, khi hình dung và cảm nhận.
Ngẫu nhiên, lần ấy từ Kon Tum do lỡ chuyến máy bay, phải đổi phương tiện, đi ô tô từ Pleiku về TP.HCM. Đường không gần đã là một nhẽ, mà còn lo lắng vì lỡ hẹn, lại phải về thành phố trong đêm... xe thì dường như luôn phải chạy chậm. Trời cao nguyên xanh thẳm, mây vương đồi núi trập trùng, đèo dốc quanh co uốn lượn đường hoa như những dòng suối mịn màng vàng rực trời chiều cuối năm, hai bên dã quỳ rưng rưng níu bước. Ừ nhỉ, nếu không có việc lỡ chuyến máy bay, sao có được những bâng khuâng ấy, sao có được ấn tượng một Tây nguyên lãng mạn nao lòng đến vậy?
Ngẫu nhiên..., gần đây nhất, do lịch bay mà khi về với một sự kiện giáo dục lớn ở Quảng Ngãi rảnh ra đến một tiếng đồng hồ. Thế là được dạo quanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thưởng ngoạn làng bích họa Thanh Thủy bấy nay truyền thống trồng tỏi trồng hành. Qua cầu Châu Ổ, bồi hồi giữa làng chài Đông Yên (nay là xã Bình Dương, huyện Bình Sơn) - nơi nhà thơ Tế Hanh chào đời và không chỉ nổi tiếng với bài thơ Nhớ con sông quê hương, mà ngay khi 17 tuổi ông viết bài đầu tiên Những ngày nghỉ học đã gây chú ý đặc biệt trên văn đàn. Được dạo bước vào hình dung của ký ức - một địa danh đau đáu suốt gần nửa thế kỷ qua - Ba Làng An (ba làng cùng có tên là An: An Hải, An Vĩnh và An Kỳ), một mũi đất thuộc xã Bình Châu. Sử sách truyền lại, cư dân của làng đã khai hoang lập đảo Lý Sơn, cũng là những người đầu tiên tham gia hải đội Hoàng Sa, gìn giữ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Địa danh này còn được biết đến là một vùng đất mũi với bề dày về lịch sử, văn hóa và địa chất toàn cầu. Tạo thành bởi những vách đá trầm tích núi lửa hình cánh cung bên bờ biển, phía dưới là những gò đá cao màu đen nhánh, nổi khi nước cạn và ngập khi thủy triều lên, mũi Ba Làng An tạo nên hình dáng có vẻ đẹp độc đáo của bờ biển VN.
Thế giới mênh mông, nhưng đôi khi thế giới cũng thật gụi gần. Đoan chắc ai cũng thích mọi hành trình đúng kế hoạch. Và tôi, cũng yêu cả những ngẫu nhiên...
Bình luận (0)