"Cơn địa chấn" mang tên Thanh gươm diệt quỷ: Chuyến tàu vô tận (Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba the Movie: Mugen Train, gọi tắt là Demon Slayer) của đạo diễn Haruo Sotozaki hiện vẫn đang "làm mưa làm gió" tại Việt Nam lẫn một số thị trường trên thế giới. Người Nhật, sau khi thưởng thức tác phẩm này, hiện đang mong chờ "bom tấn" tiếp theo là Evangelion: 3.0+1.0: Thrice Upon A Time của các đạo diễn Hideaki Anno, Kazuya Tsurumaki và Katsuichi Nakayama.
Tờ Thời báo Nhật Bản ghi nhận người hâm mộ dường như đứng ngồi không yên khi mà gần đến ngày dự án này ra mắt khán giả tại xứ Phù Tang là ngày 23.1.2021. Có gì trong Evangelion: 3.0+1.0: Thrice Upon A Time, chương cuối cùng và là bài ca tạm biệt mà Hideaki Anno dành cho người hâm mộ sau mấy thập niên loạt phim này vẫn chưa thôi gây thương nhớ cho khán giả?
Đến cả phương Tây cũng mê
Để trả lời câu hỏi này, có lẽ nên lùi về thời điểm 25 năm trước, khi mà loạt phim truyền hình Neon Genesis Evangelion lần đầu tiên ra mắt khán giả màn ảnh nhỏ đất nước hoa anh đào trong khoảng thời gian từ tháng 10.1995 đến tháng 3.1996. Với tổng thời lượng là 26 tập phim với độ dài trung bình mỗi tập chỉ vài chục phút, lần đầu tiên trong lịch sử truyền hình, dòng phim mecha, tức phim ảnh có những robot khổng lồ nói chung, mang đến cho khán giả câu chuyện phức tạp với hệ thống nhân vật sở hữu tính cách nghịch dị.
Lấy bối cảnh 15 năm sau sự kiện khủng khiếp tiêu diệt một phần lớn dân số toàn cầu, Nhật Bản dồn sức để xây dựng một pháo đài chiến đấu vững chắc mang tên NERV và NERV cho ra đời những người máy khổng lồ là Eva. Nhiệm vụ của NERV là sẽ thay thế quân lực Nhật Bản khi cần thiết để đẩy lùi bọn Angel, những sinh vật khổng lồ đến từ biển khơi. Thế nhưng không phải ai cũng có thể điều khiển được Eva. Shinji Ikari, một cậu bé bị bố bỏ rơi từ nhỏ, được điều đến NERV để làm phi công. Trong đêm đầu tiên, Shinji phải đối mặt với con Angel đầu tiên trong đời mình, cậu phải đưa ra những quyết định nằm ngoài sự hiểu biết của bản thân.
Sau 25 năm ra mắt, loạt phim của Hideaki Anno vẫn được cộng đồng anime bàn tán liên tục. Gần đây, Netflix đã mua bản quyền loạt phim để chiếu trên toàn cầu, mà tạp chí The New Yorker gọi đó là cơ hội vàng để khán giả trời Tây thưởng thức loạt di sản có một không hai của lịch sử màn ảnh nhỏ. Trên Rotten Tomatoes, giới phê bình cũng tỏ ra yêu mến series khi chấm nó ở mức tuyệt đối là 100%.
Từ loạt phim gốc, nhà làm phim Hideaki Anno tiếp tục sản xuất nhiều phần phim điện ảnh sau đó, trong đó phải kể đến loạt phim 4 phần gọi chung là Rebuild of Evangelion (Tái thiết Evangelion) là Evangelion: 1.0 You Are (Not) Alone (2007), Evangelion: 2.0 You Can (Not) Advance (2009), Evangelion: 3.0 You Can (Not) Redo (2012) và sắp tới là Evangelion: 3.0+1.0: Thrice Upon a Time. Phần 3, ra mắt cách nay 8 năm, là một hiện tượng phòng vé Nhật khi đó khi đạt doanh thu 5,3 tỉ yên (trên 51 triệu USD).
Sao Box Office Mojo chỉ thể hiện Thanh gươm diệt quỷ đạt có 8 tỉ đồng doanh thu?Theo cập nhật tính đến hiện tại trên Box Office Vietnam, bom tấn Thanh gươm diệt quỷ: Chuyến tàu vô tận đã đạt doanh thu trên 12,78 tỉ đồng. Việt Nam cùng với Hồng Kông, Đài Loan là những thị trường châu Á mà khán giả có cơ hội thưởng thức tác phẩm này. Thế nhưng theo thống kê trên Box Office Mojo, tổng doanh thu của phim ở thị trường Việt chỉ hơn 383.00 USD, tức hơn 8,86 tỉ đồng. Sau khi trích xuất dữ liệu ở thị trường này trên trang web, Box Office Mojo thật ra chỉ cập nhật doanh thu phim tính đến ngày 13.12. |
Cuộc hành trình dai dẳng 8 năm
Lẽ ra, nếu không bận rộn với phim Shin Godzilla (2016) thì đạo diễn Hideaki Anno đã hoàn thành Evangelion: 3.0+1.0: Thrice Upon a Time hồi năm 2015. 8 năm trôi qua kể từ phần thứ 3 của loạt phim nhưng khán giả Nhật vẫn dành tình cảm yêu mến cho phần cuối cùng sắp ra mắt, đồng thời cũng là phần có nhiệm vụ khép lại cuộc hành trình dài của 4 phần phim. Ban đầu, loạt phim Rebuild of Evangelion chỉ dự định làm mới mấy tập đầu từ series hoạt hình kinh điển năm nào thế nhưng kể từ phần 2 bản điện ảnh trở đi, nhiều tình tiết mới xuất hiện khiến cho Rebuild of Evangelion trở thành loạt phim góp phần mở rộng "vũ trụ" Evangelion.
Từ góc độ của những nhà quan sát, nghiên cứu, bình luận về anime, thương hiệu kinh điển Evangelion có những điều khiến nó trở thành tình yêu lớn của những người hâm mộ mọi thời. Bởi nếu nói về chỉ di sản phim ảnh thôi vẫn chưa đủ để thương hiệu này đi vào lòng công chúng. Sau thành công của loạt phim truyền hình, các nhà sáng tạo nội dung không chỉ làm tiếp về phim điện ảnh mà họ còn sáng tạo cả đồ chơi, sách, truyện tranh, tiểu thuyết hay cả máy đánh bạc pachinko. Theo thống kê, các loại hình giải trí này mang về cho các nhà kinh doanh hàng trăm tỉ yên Nhật. Người Nhật còn chơi game Evangelion với nhiều tựa khác nhau trên các nền tảng như Windows, Sega Saturn, PlayStation, Nintendo 64 kéo dài từ năm 1996 đến nay.
Nhà báo Tadashi Sudo, người dành nhiều năm quan sát và phân tích thương hiệu này, viết về sức hút của Evangelion: "Bạn không chỉ xem phim mà còn được thúc đẩy để nghĩ về nó. Với việc các nhà sáng tạo tiếp tục tạo nên nhiều sự kiện, các loại hình giải trí từ loạt phim, bạn luôn cảm thấy nó gần gũi với mình".
Bình luận (0)