“Siết” hoạt động sao chép tranh, tượng

14/01/2013 15:53 GMT+7

(TNO) Việc sử dụng tranh, tượng danh nhân, lãnh tụ để sao chép và bản sao chép tranh, tượng danh nhân, lãnh tụ nhằm mục đích kinh doanh hoặc đặt ở nơi công cộng phải được Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cấp giấy phép.

(TNO) Chiều nay 14.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung dự thảo “Nghị định về hoạt động mỹ thuật”.

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Nghị định này là ngoài việc thực hiện quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, việc sử dụng tranh, tượng danh nhân, lãnh tụ để sao chép và bản sao chép tranh, tượng danh nhân, lãnh tụ nhằm mục đích kinh doanh hoặc đặt ở nơi công cộng phải được Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cấp giấy phép (trường hợp xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng sẽ được điều chỉnh bằng quy định khác - PV).

Theo đó, việc cấp phép phải thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Trong báo cáo thẩm tra, thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng hiện tượng sao chép tác phẩm mỹ thuật đang có những diễn biến phức tạp, vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ nhưng chưa được cơ quan quản lý nhà nước quan tâm quản lý chặt chẽ. Do vậy, ban soạn thảo cần bổ sung nội dung này vào dự thảo nghị định cho đầy đủ, chặt chẽ hơn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, “việc sao chép, đấu giá, giám định tác phẩm mỹ thuật thực tế có những trường hợp rất lộn xộn, sau khi nghị định này ra đời sẽ xử lý đối với những tác phẩm đã sao chép rồi như thế nào, sẽ hủy đi, hay bắt đăng ký lại để cấp phép thì chưa thấy quy định trong dự thảo nghị định”.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng nhấn mạnh: Sao chép tranh giờ chả phải xin phép ai, vì vậy cần quan tâm thêm hoạt động quản lý sao chép cho đồng bộ với quy định về sở hữu trí tuệ. “Ví dụ mấy chục năm sau tác giả bức tranh mất đi thì muốn sao chép có phải xin phép ai không?”, bà Mai đặt tình huống.

Còn theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thì những quy định của dự thảo nghị định mới chỉ tập trung vào phạm vi sao chép tranh, tượng lãnh tụ, trong khi thực tế nhiều cửa hàng trưng bày, bán các sản phẩm mỹ thuật hiện nay tuy đề là trưng bày đồ cổ nhưng nhiều trường hợp là đồ giả cổ.

Vì vậy, ông Ksor Phước đề nghị cần bổ sung vào dự thảo nghị định các quy định liên quan đến trưng bày, bán đồ giả cổ hiện nay để bảo đảm chủ cửa hàng cũng phải chịu trách nhiệm về hàng của mình.

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện nghị định.

Bảo Cầm

>> Google thay đổi cơ chế tìm kiếm để ngăn nạn sao chép lậu
>> Stallone thoát vụ kiện sao chép kịch bản “Biệt đội đánh thuê”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.