Số phận cô giúp việc hơn 10 năm của giáo sư Trần Văn Khê

20/08/2015 14:26 GMT+7

(TNO) Đi giúp việc từ năm 18 tuổi, trở thành người kề cận, chăm sóc giáo sư Trần Văn Khê trong suốt hơn 10 năm trời, chị Nguyễn Thị Na nay đã gần 50 tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình. Sau khi giáo sư Trần Văn Khê qua đời, chị phải dọn đi nơi khác, thuê nhà trọ và tìm một công việc mới. Thế nhưng, nhắc đến vị giáo sư đáng kính, chị vẫn không ngừng rơi nước mắt...

(TNO) Đi giúp việc từ năm 18 tuổi, trở thành người kề cận, chăm sóc giáo sư Trần Văn Khê trong suốt hơn 10 năm trời, chị Nguyễn Thị Na nay đã gần 50 tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình. Sau khi giáo sư Trần Văn Khê qua đời, chị phải dọn đi nơi khác, thuê nhà trọ và tìm một công việc mới. Thế nhưng, nhắc đến vị giáo sư đáng kính, chị vẫn không ngừng rơi nước mắt... 

Chị Na nhiều lần rơi nước mắt trong buổi trò chuyện cùng chúng tôi
Trước khi giáo sư Trần Văn Khê qua đời, ông đã để lại một bản di nguyện trong đó có đoạn: "Tôi ước mong sau khi tôi vĩnh viễn ra đi, cháu Nguyễn Thị Na - người đã tận tình giúp việc cho tôi trên 10 năm, đã tự tay chăm sóc ngôi nhà này và biết rất rõ những sinh hoạt của tôi trong căn nhà này, được tiếp tục ở lại giúp cho người quản lý Nhà lưu niệm Trần Văn Khê sau này". Điều này càng khiến nhiều người tò mò về cô giúp việc tên Nguyễn Thị Na.
Phải mất khá nhiều thời gian, chúng tôi mới tìm và thuyết phục được chị Na tham gia cuộc phỏng vấn này. Sau khi giáo sư Trần Văn Khê qua đời, chị Na cũng phải dọn đi vì căn nhà của giáo sư ở lúc sinh thời tại số 32 Huỳnh Đình Hai (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) phải bàn giao cho Sở VH-TT TP.HCM.
Tiếp chúng tôi tại chỗ trọ mới khi đồ đạc vẫn còn lỉnh khỉnh chưa dọn xong, chị Na rơm rớm nước mắt cho biết nhiều gia đình gọi chị về giúp việc nhưng chị vẫn chưa nhận lời vì vẫn còn chưa thôi tiếc thương giáo sư Khê...
10 năm không về quê ăn tết
Sinh ra trong một gia đình nhà nông ở Thái Bình, từ năm 18 tuổi, chị Nguyễn Thị Na đã phải đi giúp việc nhà để phụ giúp bố mẹ san sẻ gánh nặng gia đình. Ở quê không kiếm được nhiều tiền, chị Na một thân một mình vào TP.HCM để tìm việc. Tại đây, chị Na được dược sĩ Tường Vân, bạn của giáo sư Trần Văn Khê, nhận vào giúp việc. 
Thời điểm năm 1998, giáo sư Trần Văn Khê thường xuyên về Việt Nam. Mỗi lần như vậy, ông đều ở khách sạn và cần người mang thức ăn và thuốc uống riêng. Chị Na đã được dược sĩ Tường Vân giao cho nhiệm vụ này. "Lúc đó, tôi không biết nhiều về giáo sư mà chỉ biết là thầy ở bên Pháp về và dạy học ở Trường Đại học Hùng Vương. Lần đầu gặp thầy, tôi ấn tượng lắm vì không như những người nổi tiếng khác, người ta hay khó khăn thế này, thế nọ còn thầy thì hiền khô". Nói đến đây, chị Na rưng rưng nước mắt...
Quãng thời gian sau đó, chị Na làm đủ thứ việc, thậm chí từng trở về quê để kiếm việc làm. Mãi đến năm 2005, khi giáo sư Trần Văn Khê về Việt Nam ở hẳn, ông quyết định gọi chị Na về làm cho mình. Có thể nói, chị Na là người kề cận và hiểu rõ những thói quen dù là nhỏ nhất của giáo sư Trần Văn Khê. Những năm sau này, khi giáo sư Khê đổ bệnh và ngày càng yếu hơn, ông không thể nào tự chăm sóc cho chính bản thân nên mọi sinh hoạt cá nhân đều do một tay chị Na lo. Ngay cả bữa ăn, chị Na cũng ăn theo giáo sư dù rằng đó là thực đơn dành riêng cho người mắc bệnh tiểu đường. Chị bảo: "Ăn riết cũng quen. Nhà có hai ông cháu nên ông bảo ăn chung với ông cho vui".
[CLIP] Chị Na xúc động chia sẻ về giáo sư Trần Văn Khê
Cũng vì lo lắng cho giáo sư mà hơn 10 năm nay chị Na chưa một lần về quê ăn tết, không phải vì ham công tiếc việc hay không có tiền mà vì chị sợ thầy phải đón tết một mình. "Ngày tết, thầy thường phải có mâm cơm, mâm trái cây cúng ông bà. Những việc đó phải do chính tôi làm giúp thầy mới yên tâm", chị Na kể.
Chỉ duy nhất một lần, chị Na nhớ như in đó là ngày 24.3.2011, giáo sư Trần Văn Khê đi công tác ở Hà Nội và chị được đi cùng. "Từ Hà Nội về Thái Bình gần 100 cây số nên tôi cố gắng sắp xếp công việc, chuẩn bị sẵn thuốc men cho thầy xong xuôi là ghé về thăm nhà liền. Đó cũng chính là lần duy nhất tôi về thăm nhà trong 10 năm xa quê chứ bình thường thầy ở có một mình, không ai chăm sóc, tôi mà về quê thì để thầy cho ai? Trước nay tôi đã quen chăm sóc thầy, xem thầy như cha mẹ mình vậy nên không nỡ lòng nào để thầy một mình”, chị Na bùi ngùi.
Sống xa gia đình nên chị Na xem giáo sư Khê như người thân của mình còn giáo sư cũng thường xuyên động viên chị. Tiền lương hằng tháng, giáo sư cũng tự nâng lên theo thời gian chứ bản thân chị Na không bao giờ đòi hỏi. Số tiền này, chị đều đặn gửi về nhà để lo cho gia đình.
"Tôi hay trêu thầy lắm. Thầy thì rất hiền, rất hiếm khi la mắng tôi. Có lần thầy hơi nặng lời, làm tôi khóc. Thấy vậy, thầy lại dỗ dành cho tôi nín. Những lúc có giải tennis là thầy thích lắm. Mắt không nhìn thấy nên tôi toàn là người phiên dịch cho thầy nghe…”, nói đến đây chị Na khóc òa.
Những bài học vô giá
Kể về những kỷ niệm đáng nhớ nhất với giáo sư Trần Văn Khê, chị Na nhớ lại cách đây vài năm, khi giáo sư Trần Văn Khê còn khỏe, ông có sử dụng một số thực phẩm chức năng nhưng do không hợp thuốc nên bị ngứa khắp người. Sốt ruột, chị Na tìm đủ mọi cách để giúp thầy. Nghe ở đâu mách phương thuốc gì, dù là Đông y hay Tây y, chị đều làm thử cho giáo sư.
"Từ tắm lá chè xanh với muối đến các loại thuốc uống, tôi đều làm cho thầy uống nhưng vẫn không khỏi. Có đêm, thầy bị ngứa khắp người nhưng sợ phiền tôi nên dùng máy sấy để giảm ngứa đến nỗi cháy cả áo. Tôi biết mà thương thầy vô cùng", chị Na kể.
Kề cận giáo sư Trần Văn Khê nhiều năm, từ một người không được học hành đến nơi đến chốn, chị Na học hỏi được nhiều hơn, đặc biệt là khả năng... làm thơ. Ít ai biết rằng ở nhà, giáo sư Khê và chị Na vẫn thường sáng tác những câu thơ, đoạn vè ngắn để đối đáp với nhau. Chẳng hạn như nói về sở thích ăn dưa giá, thịt kho của giáo sư, chị Na ngâm nga: 
"Ông ăn dưa giá thịt kho
Khen con nấu khéo ông cho con tiền
Cầu ông mạnh khỏe bình yên
Để ông tráng miệng sầu riêng với xoài"
Di ảnh giáo sư Trần Văn Khê
Khi giáo sư Trần Văn Khê nằm viện, chị Na cũng chọc cười giáo sư bằng những câu lục bát:
"Ông đau không rảnh nấu cơm
Ông vào bệnh viện ăn cơm "nhà hàng"
Hai người tốn bốn chục ngàn...
Giáo sư Khê khi ấy cũng đáp lại rằng:
Thật là quá rẻ thì than làm gì
Bé Na tiết kiệm quá đi
Mười ngàn cũng tiếc nói gì bốn mươi
Không chỉ học được nhiều kiến thức bổ ích, chị Na còn học được ở giáo sư Trần Văn Khê cách đối nhân xử thế, cách làm người. “Có lần tôi nói với thầy rằng ai mà nói xấu thầy thì con sẽ tới nhà họ mắng vốn ngay nhưng thầy lại gạt đi và nói ai làm gì thì kệ người ta, con cứ sống tốt để đức cho thầy. Ngay cả chú bảo vệ trong nhà hay say xỉn, thầy cũng không nỡ la. Nhiều học trò, không phải ai cũng đối tốt với thầy nhưng thầy không bao giờ trách hay nghĩ không tốt về họ. Chuyện gì thầy cũng suy nghĩ theo hướng tốt đẹp cả", chị Na chia sẻ.
Không lấy chồng, chờ được trở lại trông nom nhà giáo sư Khê
Những ngày cuối đời, khi giáo sư Khê nằm trên giường bệnh, phải thở oxy, bác sĩ sợ ông gạt ống thở nên đã cột tay ông vào thành giường, vì vậy mà việc vệ sinh cá nhân một tay chị Na chăm lo. “Lúc tôi đeo máy trợ thính giúp thầy, thầy chảy nước mắt. Lúc đó nhìn thầy tôi thương lắm nhưng phải cố cầm nước mắt, ra khỏi phòng bệnh mới dám khóc", chị Na nhớ lại.
Nhiều lần đưa giáo sư nhập viện nhưng với lần nhập viện hồi tháng 6.2015, chị Na không ngờ rằng đây là lần cuối cùng chị được chăm sóc ông. Những ngày trong bệnh viện, chị Na không dám rời giáo sư nửa bước. Mãi đến khi ông được đưa vào phòng cách ly, chị mới mang chiếc chiếu trải ở bên ngoài để nằm chờ. Cứ thấy y tá đọc tên ai bắt đầu bằng họ Trần, chị lại thấp thỏm, đứng ngồi không yên.
Chị Na ngậm ngùi nhớ lại nhiều kỷ niệm với giáo sư Trần Văn Khê
Và rồi giáo sư ra đi, chị Na bàng hoàng không dám tin đó là sự thật. Ngay cả bây giờ, khi đã qua 49 ngày của ông, chị vẫn còn mường tượng như ông vẫn luôn ở cạnh mình. Chị tâm sự: "Tôi chỉ mới dọn đi gần đây thôi chứ trước đó tôi vẫn ở trong căn nhà đó một mình. Nhiều người hỏi tôi có sợ không, tôi nói không vì thầy thương tôi và thầy sẽ bảo vệ tôi".
Hiện tại, chị Na đang ở trọ tại quận Bình Thạnh, không xa căn nhà cũ của giáo sư Trần Văn Khê là mấy. Hỏi chị về những dự định sắp tới, người phụ nữ lam lũ này cho biết: "Chắc tôi sẽ tìm việc làm mới nhưng tôi sẽ đợi để quay về căn nhà của thầy để giúp việc và giúp thầy giữ những tài liệu quý. Sinh thời, thầy nâng niu và quý trọng những tài liệu đó dữ lắm. Tôi cũng sẽ đặt di ảnh thầy lên bàn thờ để thờ cúng như người thân của mình”.
Hỏi chị có dự định gì cho cuộc sống riêng của mình, chị mỉm cười mà giọng buồn buồn: "Ở tuổi này còn lập gia đình gì nữa. Đi giúp việc bao nhiêu năm, cũng lỡ làng rồi. Tôi cũng từng yêu, đó là năm tôi 26 tuổi, yêu một chàng trai ở ngoài Bắc. Cậu ấy kém tôi 3 tuổi, lại được học hành đàng hoàng. Nghĩ thân mình chỉ là kẻ đi giúp việc, lại lớn tuổi hơn nên thôi. Sau này vào đây giúp việc cho giáo sư, tôi cũng có quen với một anh từng lập gia đình nhưng vợ mất, để lại một đứa con. Anh ấy cũng ngỏ ý muốn cưới tôi. Thầy Khê cũng chỉ bảo: "Con nên tính cho kỹ hẳn lấy". Rồi tôi nghĩ mình còn cha mẹ già phải lo, gánh nặng gia đình trên vai, thế là lại thôi. Giờ thì ở vậy luôn cho rồi".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.