"THỔI HỒN" VÀO SỢI MÂY, NỨA
"Sống giữa bạt ngàn núi rừng, từ xa xưa, người Cơ Tu chúng tôi đã chọn những cây mây, cây nứa… dẻo dai để đan những vật dụng hằng ngày. Chỉ cần nhìn vào cái xà lét (gùi 3 ngăn) người đàn ông mang trên lưng, người ta sẽ biết được tài nghệ đan lát của anh. Xà lét đẹp thì có nhiều người yêu, người quý thôi…", già Pơloong Chướch cười hiền khi mở đầu câu chuyện về nghề. Già bảo, đan đẹp hay chỉ ở mức "vừa mắt" thì nghề đan lát vẫn gắn với tất cả trai làng Cơ Tu bao đời qua. Thế mà đời sống hiện đại, vật dụng bằng nhựa, bằng nhôm, inox… bền, rẻ xuất hiện ngày càng nhiều đã đẩy đan lát Cơ Tu vào chỗ khó khăn, ít người theo.
Là người đam mê những giá trị truyền thống, già Pơloong Chướch lúc nào cũng hoài nhớ cảnh thanh niên trai tráng ngày xưa thi thố nghề đan lát. Đó như là thước đo của sự khéo léo. Khi người theo nghề chỉ đếm được trên đầu ngón tay, già vẫn lặng lẽ vào rừng sâu tìm cây mây, tre, nứa… mang về chẻ, phơi khô để đan những vật dụng trong gia đình. Thi thoảng có người đặt hàng, già Pơloong Chướch lại hăng say, tỉ mẩn nhiều ngày để làm ra sản phẩm tinh xảo nhất. "Tùy vào loại đồ dùng mà sau khi khai thác mây, tre, tôi thường ngâm dưới nước nhiều ngày. Cách này cho màu tre tự nhiên, sáng hơn. Còn để đồ bền, tránh mối mọt lại cho màu sắc đẹp thì chẻ tre, mây, vót thành nan rồi đem đặt trên dàn bếp", già nói.
Kỹ thuật đan lát của người Cơ Tu phức tạp như vậy nên người thợ giỏi thì chắc chắn đó là người chịu khó và rất kiên nhẫn. Già Pơloong Chướch cho biết, tùy vào tính năng của mỗi vật dụng mà người Cơ Tu áp dụng những kỹ thuật đan khác nhau. Chẳng hạn, gùi vận chuyển lúa (zôống) được đan với nan nong mốt, gùi củi đan nan hình lục giác… Xà lét dành cho đàn ông được đan nan nong mốt cùng nhiều kỹ thuật đan gài hết sức phức tạp bằng sợi mây. Đây là loại gùi có 2 ngăn nhỏ 2 bên dùng để đựng cơm, gạo, dụng cụ lấy lửa… để đi rừng. Tùy vào tay nghề, mà xà lét thường tốn khá nhiều thời gian với công đan có khi mất 1 - 2 tháng.
Cùng với xà lét, p'reng (một loại gùi nhỏ cho trẻ em Cơ Tu đi lễ hội), hay p'rom (gùi nhỏ cho nữ mang quà, đi hội), gùi trang sức, gùi thổ cẩm… có kỹ thuật đan tỉ mỉ với nhiều hoa văn truyền thống hết sức độc đáo. Khi hoàn thành, già Pơloong Chướch luôn khiến khách ưng bụng, bởi họ không chỉ nhận được một đồ dùng hữu ích mà còn đậm chất nghệ thuật của người Cơ Tu.
ĐẠI SỨ VĂN HÓA CƠ TU
Sử dụng thành thạo các kỹ thuật đan đỉnh cao để tạo ra rất nhiều sản phẩm khó, tinh xảo nên những đồ dùng hằng ngày trong gia đình với kiểu thức đan đơn giản, như: hộp đựng các loại, mâm, nia, rổ đựng, đơm bắt cá, dây buộc trâu... được già Pơloong Chướch hoàn thành rất nhanh. Đây cũng là những sản phẩm thường được già trình diễn khi du khách đến với khu du lịch bản Dỗi (xã Thượng Lộ) tham quan. Hơn 10 năm gắn bó với HTX Du lịch cộng đồng thác Ka Zan, già Pơloong Chướch đã giúp không biết bao đoàn khách có những trải nghiệm thú vị với nghề đan lát. Cũng từ đây, nhiều sản phẩm thủ công của người Cơ Tu đã theo chân họ đi muôn phương.
"Đây là chiếc dây đeo của gùi. Còn đây là chiếc gùi gạo, lúa, muối… nên thân gùi phải đan kín. Nếu gùi củ sắn, búp măng… thì mình có thể đan thưa hơn vừa đỡ tốn công vừa giúp gùi nhẹ hơn", già Pơloong Chướch chỉ tay giới thiệu từng sản phẩm với đoàn du khách đến từ TP.Đà Nẵng. Đoạn già ngồi xuống bên bậc thềm, tay làm thị phạm cho du khách xem, già vừa kể cho họ nghe về những câu chuyện xung quanh nghề đan lát của người Cơ Tu. Từ lâu, khi đến với bản Dỗi, ngoài việc khám phá thiên nhiên, trải nghiệm ẩm thực, du khách còn được nghe già nói chuyện để hiểu thêm về văn hóa, đời sống của người dân bản địa.
Già kể, khách du lịch khi được tận mắt chứng kiến các công đoạn đan lát, họ hiểu thêm các giá trị mà những nghệ nhân đan lát gửi vào mỗi sản phẩm. Bởi vậy, nhiều người đã không ngần ngại mua về nhiều đồ lưu niệm. Nắm bắt được thị hiếu, tranh thủ sau những giờ đón khách, già Pơloong Chướch chẻ nan, đan gùi, giỏ trang trí… để bán. Được mệnh danh là "đôi tay vàng" trong làng đan lát, già còn là người được biết đến có đôi tay khéo trong những nhịp gõ trống, cồng chiêng. Bà A Lăng Thị Bé, Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng thác Ka Zan, bảo già Pơloong Chướch là vốn quý của bản Dỗi. Tâm huyết và am hiểu nhiều khía cạnh văn hóa Cơ Tu, trong vai trò Tổ trưởng Tổ du lịch cộng đồng, già còn nỗ lực gìn giữ và quảng bá các giá trị truyền thống của đồng bào đến du khách.
"Mỗi lần nhìn du khách say mê ngắm nghía đồ mây tre, tôi như được tiếp thêm động lực để giữ lấy nghề, sáng tạo thêm những mẫu mới. Làm du lịch là cách hay nhất để nghề đan lát của người Cơ Tu có thêm cơ hội được nhiều người biết đến", già chia sẻ. Theo ông Lê Nhữ Sửu, Trưởng phòng VH-TT H.Nam Đông, thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghề thủ công truyền thống của đồng bào Cơ Tu gắn với du lịch cộng đồng. Trong đó, già Pơloong Chướch mặc dù tuổi đã cao nhưng luôn là người nhiệt tình tham gia truyền dạy nghề đan lát cho thế hệ trẻ. "Chúng tôi rất trân trọng cách già Pơloong Chướch truyền nghề, trình diễn đan lát trước du khách… Qua đôi tay của già, những chiếc gùi, giỏ, oi… thân thương, gắn bó với biết bao thế hệ người Cơ Tu trở thành câu chuyện văn hóa mộc mạc, dễ thấm đậm trong tâm trí nhiều người", ông Sửu nói. (còn tiếp)
Bình luận (0)