Sống đẹp từ những điều giản dị

25/06/2021 08:00 GMT+7

Tôi nhận được tin nhắn của chị vào một ngày tháng 9.2020. Tin nhắn có nội dung chị muốn trao đổi vài điều trước khi diễn đọc truyện ngắn của tôi đăng trên một nhóm văn chương mà tôi và chị cùng sinh hoạt chung.

Tôi chỉ quen biết chị trên mạng xã hội thông qua một người bạn chung. Chị là Trần Diệu Hương, một người Hà Nội gốc, hiện đang sinh sống cùng gia đình tại Slovakia.
Có vẻ như chị là mẫu phụ nữ của gia đình. Mỗi khi nói chuyện với chị, dù chỉ qua những comment (bình luận) trên mạng, tôi luôn có cảm giác tin cậy và yêu mến chân thành. Cái cách chị chia sẻ những công thức món ăn hay những mẹo vặt cuộc sống luôn thể hiện một sự chỉn chu và hoàn mỹ.
Ở đất nước Slovakia, nơi mà những ca mắc Covid-19 đang tăng nhanh hằng ngày. Tỷ lệ tử vong về dịch bệnh gần như cao nhất thế giới tính theo bình quân đầu người. Chị Hương và gia đình cũng phải tuân thủ lệnh giãn cách trong một thời gian rất dài. Cuộc sống theo đó mà gặp không ít những khó khăn. Thế nhưng hiếm khi thấy chị thở than hay đăng những status (dòng trạng thái) buồn. Chị là một trong những người chơi Facebook luôn đem đến cho bạn bè những nguồn năng lượng tích cực. Cậu con trai út của chị là sinh viên trường y cũng xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Chị cũng có lo lắng nhưng rồi lại thấy tự hào về con. Chị cho rằng mình là người Việt xa xứ, phải sống sao cho người ta không thể coi thường đất nước mình.
Ban quản trị nhóm văn chương có thành lập một kênh YouTube để diễn đọc các tác phẩm chọn lọc của thành viên trong nhóm. Chị Hương đã ứng cử tham gia làm phát thanh viên và trúng tuyển. Giọng đọc của chị sau này là một trong số những giọng đọc được yêu thích nhất của kênh.
Giữa văn hoá đọc đang dần mai một và bị thay thế bằng vô số trò giải trí công nghệ khác thì chị vẫn miệt mài đọc. Chị nâng niu từng con chữ, trân trọng từng tác phẩm cho dẫu chúng là của những người viết không chuyên. Gần như không phải chị đang đọc mà là đang “hoá thân” vào mỗi nhân vật, mỗi hoàn cảnh trong bài viết. Giọng đọc ấy đã đem đến cho tác phẩm một diện mạo mới. Chị như là một nhịp cầu đưa những sáng tác đến với người đọc một cách nhanh nhất.
Lúc đầu, khi chưa kết bạn với chị, tôi cứ nghĩ chị Hương là một phát thanh viên chuyên nghiệp. Sau này, thông qua cô bạn chung, tôi mới biết chị chỉ đọc vì đam mê, vì mơ ước thời thanh xuân chưa thực hiện được. Và hơn hết vì niềm vui chung của mọi người. Công việc này hoàn toàn không có thù lao.
Tất nhiên là tôi đã đồng ý trao đổi với chị, đồng ý để chị đọc truyện của mình. Và tôi đã vô cùng ngạc nhiên trước thái độ làm việc vô cùng nghiêm túc của chị. Chỉ cần bản thu âm có vấp váp một lỗi nhỏ là chị lập tức làm lại từ đầu. Chị nói như thế là mình thể hiện sự tôn trọng đối với cả người viết và người nghe.
Sau này khi đã thân thiết và cởi mở với nhau hơn, tôi nghe chị chia sẻ vui: ấy là khi chị luyện đọc một truyện ngắn có đoạn rất... nhạy cảm, lời thoại của nhân vật cũng nhạy cảm. Chị tập đi tập lại nhiều lần mà vẫn tự thấy không đạt yêu cầu. Tập say sưa đến nỗi ông xã chị phải kêu lên: “Dở hơi đấy à?”
Đúng, sẽ có nhiều người cho chị là "dở hơi" khi hơn một năm qua, chỉ với một chiếc điện thoại chị đã miệt mài thu không biết bao nhiêu bản âm bài viết của những người không quen biết cho một vài kênh YouTube không lợi nhuận. Trong khi chính cuộc sống của chị cũng không lấy gì làm sung túc.
Chị được gì qua việc làm ấy? Không gì cả ngoài những lời cám ơn. Nhưng chị thấy vui vì đã rút ngắn được khoảng cách giữa người đọc và người viết. Chị hạnh phúc khi là một cây cầu nối.
Khi bàn về chủ đề “sống đẹp”, chẳng hiểu sao tôi lại nghĩ đến chị. Cho dù chị không phải là một nhà từ thiện, một siêu anh hùng hay một tấm gương vượt khó. Nhưng tôi trộm nghĩ, cuộc sống này tốt đẹp hơn là nhờ những người như chị. Một người bình thường, làm những điều bình thường bằng tất cả sự say mê và cống hiến không đòi hỏi thù lao, như vậy đủ để gọi là sống đẹp rồi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.