Duyên lành gặp gỡ
Mấy năm trở lại đây, công việc của anh Nam (29 tuổi, ở Vụ Cầu, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) gắn bó với bà con vùng cao. Mỗi chuyến đi như vậy đã cho anh gặp và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, từ những em bé mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa hay những phận người khổ hạnh… Trong số đó, hoàn cảnh của mẹ con chị Kim Thị Dung (38 tuổi, ở tổ 10 khu Cao Bang, xã Thanh Minh, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) là trường hợp đặc biệt.
Bằng giọng nói thân thiện và trầm ấm, anh Nam chia sẻ: “Vào một ngày đầu năm nay, tôi đang trên đường đi làm về thì bắt gặp người phụ nữ và đứa con trai chừng 6 - 7 tuổi với bộ dạng lấm lem, xộc xệch ngồi ôm nhau ở đoạn bờ đê thị xã Phú Thọ giữa trời nắng. Tôi dừng xe đưa chị số tiền ít ỏi còn lại trong ví, chị nhận xong nhất mực đưa lại tôi hai gói kẹo, tôi hỏi thăm chị vài câu nhưng đáp lại là những lời khó hiểu. Sau hôm đó, hình ảnh chị cứ ám ảnh tôi mãi và tôi quyết định theo chị tìm hiểu và giúp đỡ”.
|
Mẹ con chị Dung sống lủi thủi trong căn nhà cũ kỹ, xuống cấp và chỉ có chiếc máy may là vật dụng duy nhất có giá trị để chị Dung tự may vá, kiếm tiền mưu sinh cho hai mẹ con. Sự nghèo túng và thiếu minh mẫn nhiều khi là cái cớ để kẻ xấu bắt nạt mẹ con chị. Cuộc sống của chị cứ thế trôi đi trong trạng thái lúc mê lúc tỉnh nhưng không vì thế bản năng làm mẹ bị mất đi mà tình yêu thương và ý chí bảo vệ đứa con trai bé bỏng trong chị càng mãnh liệt hơn.
Chị Dung từng là cô gái xinh đẹp, giỏi giang nhưng sau một biến cố của cuộc đời, chị đã mắc bệnh tâm thần và làm mẹ đơn thân. Hình ảnh chị Dung lấm lem, tóc rối chở theo cậu con trai bé nhỏ đang tuổi đến trường rong ruổi giữa đường trông thật xót xa.
'Cảm hóa' người mẹ tâm thần bằng lòng nhân ái
“Mỗi khi chơi đùa với con trai nhỏ mình, nhìn con vui cười trong tình yêu thương bao bọc của cả nhà, tôi lại thương cu Chân nhiều hơn, suy nghĩ ấy càng thôi thúc tôi phải làm điều gì đó để giúp đỡ mẹ con chị Dung”, anh Nam tâm sự.
Từ đó anh Nam gặp mẹ con chị Dung đều đặn hơn, những hôm đi làm về hay ngày nào rảnh rỗi, anh lại đến nhà chị Dung (cách nhà anh khoảng 30 km). Trong lúc trò chuyện, đôi khi “ông nói gà bà nói vịt” chẳng đi đến đâu nhưng bằng sự kiên trì và và trái tim nhân hậu, anh Nam đã giúp mẹ con chị Dung bớt sợ hãi và nói chuyện cởi mở, thoải mái hơn.
Những câu chuyện đời thường xúc động về cuộc sống của mẹ con chị Dung được anh Nam chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận được sự đồng cảm của nhiều người, từ đó thu hút sự quan tâm và nhận được tiền từ các nhà hảo tâm gửi giúp mẹ con chị Dung. Anh đã cùng nhà hảo tâm dùng số tiền đó mua sách vở, đồ dung học tập cho con trai chị và sửa lại ngôi nhà cũ lụp xụp xuống cấp thành ngôi nhà cao ráo với 100 mét vuông tôn lạnh; lát hai phòng và quét xi măng trắng cho thoáng đãng sạch sẽ hơn; kéo dây điện thắp sáng và lắp pin năng lượng mặt trời; mua chiếc xe đạp mới cho chị Dung để đi bán hàng…
Điều khiến tôi cảm thấy vui và hạnh phúc nhất là nhận thấy sự thay đổi từ chị Dung. Trước đây chị chở con đi bán hàng có khi 3 - 4 ngày mới trở về nhà, thậm chí có lần chị đạp xe rệu rã đi hàng trăm cây số, nhưng nay chị chỉ đi bán hàng gần và trở về trong ngày. Đáng mừng nhất là chị Dung trở nên lành tính hơn, chị bớt nổi giận và sợ hãi mỗi khi gặp người lạ. Từ khi được anh Nam và các nhà hảo tâm mua tặng sách vở, mỗi tối chị lại dạy con học chữ và căn nhà đìu hiu, tăm tối giờ đong đầy tiếng ê a học bài của con trẻ. Dường như bản năng của bất cứ người mẹ nào cũng luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con.
Để “cảm hóa” được một người phụ nữ bị bệnh tâm thần, anh Nam đã bỏ ngoài tai những lời nói bóng gió, dị nghị, cho rằng việc làm của anh là dở hơi. Nghĩ về mẹ con chị Dung, anh Nam lại càng thương hơn khi mỗi lần bắt gặp ánh mắt thơ ngây của cu Chân hướng về mình, chứng kiến nỗi nhọc nhằn vất vả của chị Dung và khoảnh khắc chị đưa bàn tay lóng ngóng vỗ về lúc con khóc… Đó chính là lý do khiến anh càng quyết tâm giúp đỡ hai mẹ con chị Dung cùng niềm mong mỏi chị sẽ khỏi bệnh và cu Chân được đi học tử tế. Với kinh nghiệm 4 năm từng công tác trong ngành y tế, cấp phát thuốc cho những bệnh nhân tâm thần nên anh Nam càng hiểu rõ về bệnh tình của chị Dung cùng những thiệt thòi mà hai mẹ con chị phải chịu đựng.
Sau mỗi chuyến đi “trao đổi hàng hóa”, mẹ con chị Dung lại trở về bên ngôi nhà vững chãi, ngập tràn ánh điện và vang tiếng ê a học bài của cu Chân. Đó là niềm vui ấm áp và đầy hy vọng không chỉ đối với anh Nam mà còn là niềm vui chung của những người luôn quan tâm, yêu thương, ủng hộ mẹ con chị Dung trong thời gian vừa qua.
|
Bình luận (0)