Hãng Sony đang nắm trong tay một "vũ trụ điện ảnh" còn khá non trẻ giữa kinh đô điện ảnh đó là "vũ trụ điện ảnh" Valiant Comics mà tác phẩm Bloodshot có Vin Diesel đóng chính mang nhiệm vụ "khai hỏa" cho thế giới siêu anh hùng đen tối này. Thế nhưng câu chuyện bản quyền một số siêu anh hùng Marvel do Sony nắm giữ, đồng thời hãng này quyết định tạo nên một "vũ trụ điện ảnh" mới song song với "vũ trụ điện ảnh" Valiant Comics từ các nhân vật Marvel khiến cho báo chí tốn không ít giấy mực. Đành rằng Sony chỉ nắm trong tay vài nhân vật Marvel nhưng "ông lớn" này lại rất biết cách khiến cho Disney (hãng sở hữu Marvel) đứng ngồi không yên trong các quyết định sáng tạo, cho thấy những bước đi từ tốn, có tính toán của một trong những studio lớn ở Hollywood.
'Vũ trụ nhân vật Người Nhện': Chuyện cũ nhưng không cũ
Mọi chuyện bắt nguồn từ thông báo của Sony trên mạng xã hội Twitter hôm 1.5 (giờ Mỹ) qua khi hãng này "gọi tên" một thế giới tập hợp tất cả phiên bản Người Nhện từ trước đến nay về cùng một mối: "vũ trụ nhân vật Người Nhện" (Spider-Man universe of characters). Điều này ngay lập tức khiến người hâm mộ khá rối và nhiều trang báo đã phải "vào cuộc" gỡ rối cho bạn đọc. Tên của "vũ trụ điện ảnh" này không phải là tên vũ trụ phim chính thức về mối quan hệ giữa Sony và Marvel nhưng nó khơi lại câu chuyện đã, đang và sẽ diễn ra: việc chia sẻ bản quyền Người Nhện giữa Disney/Marvel và Sony.
|
Nhân vật Người Nhện xuất hiện trong truyện tranh Marvel từ đầu thập niên 1960 dưới ngòi bút và khả năng kể chuyện tuyệt vời của hai nghệ sĩ quá cố Stan Lee và Steve Ditko. Trong thời kỳ thị trường truyện tranh xứ cờ hoa trở nên ảm đạm, những tác phẩm chuyển thể từ trang truyện lên màn bạc không được khán giả mặn mà do kỹ thuật làm phim siêu anh hùng lúc đó còn quá non trẻ. Vì lẽ đó nên Marvel trượt dài trong những lo toan về tài chính từ thập niên 1970 đến cuối 1980. Sau đó để tồn tại, Marvel đã quyết định làm một điều khiến hãng vẫn không thôi nuối tiếc cho đến ngày nay: bán bản quyền hàng loạt thương hiệu siêu anh hùng vào tay các hãng khác, trong đó Người Nhện vào tay Sony năm 1998.
Song cũng cần phải nhắc lại cuộc mua bán năm xưa: chính Sony chứ không phải Disney là hãng lên tiếng đầu tiên trong việc mua lại tất cả bản quyền siêu anh hùng Marvel với tổng số tiền là 25 triệu USD, nhưng cuộc mua bán khi đó bất thành, chỉ có thương hiệu Người Nhện "khăn gói" ra đi với giá 10 triệu USD. Có được "con gà đẻ trứng vàng" của Marvel là Người Nhện, Sony ngay lập tức chiêu mộ đội ngũ làm phim thực lực ở Hollywood đưa anh chàng Peter Parker lên màn bạc.
Loạt ba phim Người Nhện của đạo diễn Sam Raimi (các năm 2002, 2004 và 2007) có tài tử Tobey Maguire đóng chính mang về cho Sony doanh thu toàn cầu lần lượt là 852 triệu USD, 789 triệu USD và 895 triệu USD. Cảm thấy chưa đủ, Sony tiếp tục thuê đạo diễn Marc Webb làm mới (reboot) thương hiệu siêu anh hùng này với hai phần phim có tài tử Andrew Garfield đóng chính vào các năm 2012 và 2014, doanh thu mà hãng có được từ hai dự án này lần lượt là 758 triệu USD và 709 triệu USD.
"Vắt kiệt" thương hiệu này, Sony vào năm 2015 đã ngồi lại với Disney và quyết định chia sẻ bản quyền với nhau về Người Nhện, cho phép siêu anh hùng trẻ xuất hiện trong "vũ trụ điện ảnh" Marvel. Đồng thời, hãng tái khởi động thương hiệu này trong các phần phim riêng về Người Nhện là Spider-Man: Homecoming (2017, doanh thu trên 880 triệu USD toàn cầu), tiếp đó là Spider-Man: Far from Home (2019, doanh thu trên 1,13 tỉ USD) và sẽ ra mắt phần thứ ba vào ngày 5.11.2021. Tuy nhiên bên cạnh các phiên bản Người Nhện trên, Sony năm 2018 tung ra tác phẩm Spider-Man: Into the Spider-Verse giới thiệu một thế giới Người Nhện hoàn toàn mới với khán giả, phần tiếp theo dự kiến ra mắt ngày 7.10.2022.
|
"Vũ trụ nhân vật Người Nhện", theo như phân tích của trang IGN, là tham vọng của Sony trong việc gom tất cả các phiên bản Người Nhện từ trước đến nay vào chung một thế giới. Sony có tiếng nói khá lớn với Disney trong việc sáng tạo về Người Nhện. Hồi tháng 9.2019, Disney muốn chia sẻ lợi nhuận bản quyền nhân vật theo tỉ lệ 50:50 với Sony nhưng bất thành và muốn đòi "cạch mặt". Sau đó, họ quyết định ngồi lại và Sony, sau khi để cho Người Nhện "về nhà" năm 2015, tiếp tục "về nhà" lần nữa nhưng Hollywood Reporter nhấn mạnh rằng, Sony dấn sâu hơn vào thế giới phim của "vũ trụ điện ảnh" Marvel. Sony nhấn mạnh rằng, hãng có quyền can thiệp vào bất kỳ sự phát triển nào của nhân vật Người Nhện trong thế giới phim Marvel.
|
Sony muốn mở rộng thế giới siêu anh hùng Marvel
"Vũ trụ nhân vật Người Nhện" không phải là tên chính thức của "vũ trụ điện ảnh" mới nhất của Sony mà là "vũ trụ điện ảnh các nhân vật Marvel của Sony" (Sony Pictures Universe of Marvel Characters/Sony's Marvel Universe). Theo những thông tin có được, nguồn cơn của vũ trụ này manh nha cách nay một thập niên, tức vào năm 2010, thậm chí còn xa hơn khi Sony lên kế hoạch phát triển dự án chuyển thể Người Nhện đầu tiên. Trang IGN chỉ ra rằng, cái tên này xuất hiện từ năm 2019 song không được phổ biến rộng rãi, đến hiện tại mới gây chú ý và tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh các thông tin kết nối nhau.
|
Với "vũ trụ điện ảnh" chia sẻ bản quyền một số siêu anh hùng, nhân vật với hãng Marvel, Sony đang ra sức kết nối tất cả các nhân vật, đường dây câu chuyện khác vào đường dây chính là phim về Người Nhện. Tác phẩm Venom (2018, doanh thu toàn cầu trên 856 triệu USD) và cả phần tiếp theo của nó là Venom: Let There Be Carnage đang được Sony cố gắng kết nối với các tác phẩm về Peter Parker. Còn một dự án khác không thể không kể qua đó là phim ma cà rồng chuyển thể từ truyện Marvel, Morbius cũng không nằm ngoài ý đồ của Sony. Về phim hoạt hình, Spider-Man: Into the Spider-Verse của bộ ba đạo diễn Peter Ramsey, Robert Persichetti Jr. và Rodney Rothman đã đoạt giải Oscar 2019 hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất. Phim mang tính chất giới thiệu về thuyết "đa vũ trụ", mà phần tiếp theo năm 2022 mang nhiệm vụ lý giải cụ thể về các chiều kích thế giới khác nhau cùng nằm trong "vũ trụ nhện".
Bình luận (0)