Tân Nhàn 'lên đồng' hát Cô đôi thượng ngàn với dàn nhạc giao hưởng

17/03/2019 10:27 GMT+7

Tân Nhàn đã đưa bài hát văn Cô đôi thượng ngàn lên sân khấu biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng. Liveshow đầu tiên của chị có tên Trở về đã diễn ra vào tối 16.3 tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội).

Tân Nhàn đã phải lùi liveshow Trở về lại 3 tuần so với thời điểm ban đầu dự kiến, do Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô được phục vụ cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều. Tân Nhàn đã phải chi số tiền tới gần 5 tỉ trong đó gồm cả chi phí làm liveshow lẫn chi phí giải quyết show diễn bị lùi lại. Nhưng ngay từ đầu, chị chấp nhận… lỗ cho cuộc chơi âm nhạc mang nhiều tâm huyết của mình.

Chương trình quy tụ nhiều tên tuổi của giới âm nhạc và sân khấu thực hiện: NSƯT, biên đạo múa Trần Ly Ly xây dựng kịch bản; nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng làm giám đốc âm nhạc; nhạc trưởng Đồng Quang Vinh chỉ huy dàn nhạc, đạo diễn sân khấu Phạm Hoàng Giang.

Trở về quả thực là liveshow được đầu tư rất chỉn chu về cả mặt hình ảnh sân khấu lẫn âm nhạc. Liveshow Trở về của Tân Nhàn được chia thành 3 phần rõ nét. Mở đầu với chủ đề Quê mẹ, Tân Nhàn gửi tới khán giả những ca khúc đã gắn với tên tuổi của cô như Trở về, Tình đất, Quê mẹ, Hai quê, Gặp nhau giữa rừng mơ…

Phần 2 của liveshow có chủ đề Trăng khuyết là những bài hát đã gắn bó với tên tuổi của cô kể từ Sao Mai 2005 - cuộc thi Tân Nhàn đã đăng quang giải Nhất dòng nhạc dân gian: Xa khơi, Người con gái sông La, Trăng khuyết, Đào… Phần 3 có chủ đề Trở về là phần âm nhạc mà Tân Nhàn dồn rất nhiều tâm sức, sự nỗ lực và trăn trở với mảng âm nhạc truyền thống: Mục hạ vô nhân, Cô đôi thượng ngàn… 

Tan-Nhan
Tân Nhàn chấp nhận lỗ để làm liveshow Ảnh NSCC
Người nghe không chỉ thấy được những chặng đường đi với âm nhạc của Tân Nhàn mà cả sự chuyển mình, hướng về với âm nhạc truyền thống của nữ ca sĩ. Nếu phần đầu là những ca khúc mang âm hưởng dân ca thì đến phần sau là những tác phẩm thuộc hàng “kinh điển” của âm nhạc truyền thống. 

Bài hát văn Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa được Tân Nhàn hát cùng NSƯT Đình Cương đã trở thành một trong những điểm nhấn của chương trình. Tân Nhàn nói NSƯT Đình Cương là người thầy mới nhất của mình. Chị đã về tận Thái Bình để được NSƯT Đình Cương dạy hát văn. Phần trình diễn Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa cũng cho thấy Tân Nhàn đã thực sự bước vào “lãnh địa” của âm nhạc truyền thống.

Tan-Nhan
Tân Nhàn và NSƯT Đình Cương (phải)  Ảnh NSCC
NSƯT Văn Ty, một “báu vật” sống của hát xẩm và hát văn, là vị khách mời đặc biệt mà Tân Nhàn đã giấu kín cho đến tận phút chót. Sự xuất hiện của ông trong tiết mục Mục hạ vô nhân với Tân Nhàn đã khiến khán giả rất thích thú.
Sự kết hợp giữa một ca sĩ với nhiều kỹ thuật thanh nhạc cùng giọng hát của một nghệ nhân với những kỹ thuật hát văn được “bồi tích” qua thời gian đã mang đến một tiết mục để lại nhiều dấu ấn. Không phải ngẫu nhiên mà khắp khán phòng đã vang lên những tràng pháo tay lớn sau mỗi phần trình diễn của hai nghệ nhân là NSƯT Đình Cương và NSƯT Văn Ty.
Tan-Nhan
Tân Nhà và NSƯT Văn Ty Ảnh NSCC 

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, giám đốc âm nhạc của liveshow, từng nói Tân Nhàn bắt anh phải “giải bài toán” quá khó khi kết hợp cả 3 dàn nhạc: dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc nhẹ và dàn nhạc truyền thống. Anh cũng từng hoang mang về việc không biết mình có thể “giải’ được hay không, hay có thể đi đến đích hay không. Không quá lời khi nói, Trần Mạnh Hùng đã tiếp tục vượt qua một một cái đỉnh mới đầy chông gai, thử thách. 3 dàn nhạc đã thực sự hòa quyện để tạo thành một dàn nhạc chung nhất, đồng điệu và thăng hoa.

Những ca khúc tưởng như đã quá quen thuộc và nổi tiếng như Xa khơi, Người con gái sông La… đã được mang màu sắc âm nhạc đương đại mới. Và nếu không có Trần Mạnh Hùng thì hẳn chưa chắc Tân Nhàn đã có đủ quyết tâm để đưa bài hát văn Cô đôi thượng ngàn lên sân khấu cùng dàn nhạc giao hưởng.

Tan-Nhan
Hai người dẫn chương trình: MC My Lan và nhà phê bình lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long Ảnh NSCC

Những gì các nghệ sĩ đã làm càng chứng mình rằng âm nhạc có thể phá bỏ mọi biên giới, giữa Đông và Tây, giữa cái cũ và cái mới. Nhà phê bình lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ: “Tân Nhàn đang làm theo hướng đi của âm nhạc thế giới hiện nay qua liveshow của mình. Mọi người chưa tiếp cận với âm nhạc truyền thống thì nghĩ nó xa xôi, nhưng nếu nghe trong show này sẽ thấy rất gần với âm nhạc phương Tây, nếu trữ tình có Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Duyên phận phải chiều, nhưng cũng đồng thời có những bài khiến khán giả phải nhảy, cứ nhộn lên như đi xem một đêm nhạc rock hay disco nào đó. Bởi trong âm nhạc truyền thống của chúng ta cũng có những giai điệu đó, như bài hát văn Cô Đôi Thượng Ngàn chẳng hạn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.