Tên gọi Đồng Tháp Mười có từ khi nào?

Nam Hoa
Nam Hoa
03/09/2021 09:00 GMT+7

Đồng Tháp Mười là tên gọi của một vùng đất rộng gần 8.000 km 2 nằm bên tả ngạn sông Tiền, trong đó có vùng ngập lũ hàng năm lên tới 4.500 km 2 .

Đồng Tháp Mười trải rộng trên địa phận 3 tỉnh miền Tây Nam bộ là Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp; trong đó phần diện tích trên đất tỉnh Long An chiếm tới quá nửa.

Từng là trung tâm tôn giáo của vương quốc cổ Phù Nam?

Vùng đất này xa xưa vốn thuộc vương quốc cổ Phù Nam - một quốc gia cổ đại hùng mạnh ở Đông Nam Á, vào khoảng đầu Công nguyên (thế kỷ 1 - 6). Những kết quả nghiên cứu khảo cổ ở khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp) đã tìm thấy nhiều hiện vật thuộc Văn hóa Óc Eo với các tượng Phật bằng gỗ mù u rất phong phú và đa dạng về kích thước và kiểu dáng; nhiều mảnh gốm cổ, một số mảnh vỡ của các bệ yoni, tượng thần Vishnu, một số bia ký Phù Nam, trong đó bia ký (được định danh) K5 tìm thấy ở di tích Gò Tháp, được cho là có niên đại thế kỷ 5, nội dung cho biết: vùng đầm lầy này được chinh phục bởi vị vua Phù Nam mang tên Jayavarman và nhà vua giao cho con trai mình là Gunnavarman cai quản.
Ngoài những di vật gốm, tượng, bia ký cổ xưa, tại khu di tích Gò Tháp, những cuộc khai quật khảo cổ còn làm phát lộ nền móng bằng gạch của các công trình lớn và những công trình phụ trợ xung quanh.
Quy mô kiến trúc, các di vật khảo cổ cùng với hệ thống đường giao thông thủy trong khu vực di tích Gò Tháp đã cho thấy rằng, rất có thể nơi đây từng là một trung tâm văn hóa - tôn giáo quan trọng của cả một vùng rộng lớn xung quanh nó trong khoảng thời gian cách nay khoảng 15 thế kỷ.

Một phần nền móng kiến trúc cổ được khai quật tại khu di tích Gò Tháp

Ảnh: T.L

Một số giả thuyết về tên gọi Đồng Tháp Mười

Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức được hoàn thành vào khoảng năm 1820, có lẽ là tài liệu sớm nhất nói về vùng đất này. Tuy nhiên thời điểm đó vùng đất này vẫn chưa có một cái tên cụ thể, mà nó chỉ được nhắc tới với cái tên chung chung là “Chằm ao” và thông qua một số địa danh có liên quan, như “sông Cần Lộ”, “sông Bát Đông”, “sông Bát Chiên”, và đặc biệt “rạch mới sông Tranh” - con kênh đào của viên đô đốc Tây Sơn trong cuộc chiến với nhánh quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhân.
Sách đã dẫn viết: “[Rạch mới sông Tranh] ở phía tây bắc trấn [Định Tường] lúc trước có con ngòi nhỏ, sông tranh ở phía đông, đầu nguồn Ba Lai ở phía tây, khoảng giữa bùn ầy thấp ướt, cỏ lác hoang vu, cách xa 57 dặm rưỡi, nơi đây phía nam nhiều gò đống ruộng vườn, phía bắc nhiều rừng sâu chằm lớn kéo dài 5-6 trăm dặm, là chỗ quân tụ nghĩa Đông Sơn tới chiếm Ba Giồng, cậy thế ách hiểm để đi hoành hành các nơi, khi lui tự theo rừng sát, như cọp về rừng sâu, rồng về bể cả, chẳng ai biết được tông tích ở đâu. Quân Tây Sơn hằng bị chúng làm cho nguy khổ, mà cũng không làm sao được. Năm Ất Tị (1785) đô đốc Trấn của Tây Sơn nhân có ngòi nhỏ ở hai đầu, đào mở một con sông ngang, cắt đứt chỗ hiểm yếu, thành một đường kênh đi tắt, rất được mau lẹ, nay có nhiều người qua lại.”
Việc đào kênh của đô đốc Trấn đã khơi thông con đường thủy từ sông Cai Lậy đến Rạch Chanh của sông Vàm Cỏ Tây, khiến quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhân (theo phò Nguyễn Phúc Ánh) bị đóng khung vào một khu vực cố định, không rút được về vùng đầm lầy hay trở xuống vùng dân cư trù phú phía dưới rạch mới. Con kênh đào này còn phát huy tác dụng mãi về sau này, trở thành con đường vận tải lúa gạo quan trọng từ miệt Hậu Giang lên Vàm Cỏ Đông, Bến Lức để vào Chợ Lớn.
Còn vùng đầm lầy rộng lớn, Gia Định thành thông chí gọi là vùng “Chằm ao”: “Huyện Kiến Đăng từ phía đông đến phía tây tiếp giáp biên giới Cao Miên có nhiều chằm ao hồ đầm, cá trạch dùng ăn không hết. Thường đến tháng 4 - 5 mưa xuống nước tràn thì cá sinh trưởng đầy dẫy ở trong ruộng, trong ao; phàm những hủng hố có cỏ và nước tuy sâu độ 1 tấc cũng có cá ở đến tháng 10 về sau hết mưa nước rút, cá lại ra sông… Lại có một dãy đất ở bờ bắc Kênh Mới, Tranh Giang, tuy trưng vào hạng điền, nhưng nghề nghiệp thì đào ao nuôi cá bán để nạp thuế. Ấy là nguồn lợi sông chằm tự nhiên vô cùng vậy.”

Ngôi tháp 10 tầng do chính quyền Ngô Đình Diệm xây ở Gò Tháp

Ảnh: T.L

Từ xưa cho đến khi Trịnh Hoài Đức viết Gia Định thành thông chí, không có một tên gọi riêng cho vùng này. Cái tên Tháp Mười được nhắc tới lần đầu trong bản tin của Công báo Nam kỳ thuộc Pháp khi nói về cuộc khởi nghĩa của Thiên hộ Dương: “Ngày 17.4.1866 đã chiếm được Tháp Mười”.
Liên quan tới tên gọi Đồng Tháp Mười, có giả thuyết cho rằng cái tên Tháp Mười là do nơi đây có ngọn tháp 10 tầng của người Chân Lạp xưa, nên vào năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho xây ở Gò Tháp một ngôi tháp 10 tầng, cao 42 m có kiến trúc kiểu tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ (Huế), và sử dụng như một đài quan sát toàn vùng Đồng Tháp Mười. Sau đó ngôi tháp này đã bị lực lượng đặc công của Quân giải phóng đánh sập vào ngày 20.12.1959.
Sách Tân An ngày xưa (Đào Văn Hội, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, xuất bản năm 1972) lại đưa ra giả thuyết khác về cái tên Đồng Tháp Mười:
“Vì sao có cái tên là Đồng Tháp Mười? Là vì đồng nầy lấy tên một ngôi chùa cổ, hay gọi là tháp, theo kiến trúc Cao Miên, xây cao mười tầng trên mặt đất.
Một điều lạ lùng, gần như kỳ dị, là chung quanh vùng nầy chẳng có ngọn núi nào cả, mà người xưa kiến trúc được cái tháp bằng đá xanh thật cũng lắm công phu và tài tình, nếu ta nghĩ rằng, xưa kia, sự chuyên chở vô cùng khó khăn và vùng Đồng Tháp là một nơi khí hậu hết sức độc địa, thêm đủ loại thú dữ ăn thịt người.
Sau nầy lúc ông Phủ Trần Văn Mẩng làm chủ quận Cao Lãnh, ông phúc trình lên thượng cấp về ngọn tháp, nên năm 1931, ông Henry Parmentier, nhà khảo cổ Viễn đông, đến tận tháp nầy nghiên cứu.
Parmentier đọc những chữ trên tấm bia đá sứt mẻ vì phong sương tuế nguyệt và tan tác ngổn ngang, giải nghĩa rằng đây là cây tháp thứ mười trong số 10 cái tháp của vua nước Thủy Chân Lạp lập hồi xưa.
Vì thế mà dân cư gọi cánh đồng bao la có cái tháp thứ 10 ấy là Đồng Tháp Mười".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.