Không ít lần muốn bỏ cuộc vì thiếu kinh phí, cuối cùng sau 3 năm, Nguyễn Duy Thành đã có thể mang Thán 2 dài 50 phút đến khán giả vào tối 15.5, tại Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội).
Thán 1 - tác phẩm múa solo đầu tay do Nguyễn Duy Thành vừa biên đạo vừa trình diễn, đã được giới thiệu tại Liên hoan Múa đương đại (Hanoi Dance Fest) 2019. Trong vở diễn, nghệ sĩ tạo ra không gian như thể một vũ trụ. Những động tác, chuyển động cơ thể của anh như kể lại hành trình đi tìm kiếm niềm tin trong vũ trụ ấy. Đặc biệt, trong Thán, Nguyễn Duy Thành đã đưa vào những sáng tạo lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng.
Thán 2 tiếp tục là cuộc hành trình Nguyễn Duy Thành đào sâu hơn về sự kết hợp và tương tác giữa ngôn ngữ của loại hình nghệ thuật truyền thống này và múa đương đại. Trong không gian đó, người ta được thấy mối quan hệ hài hòa giữa con người với vũ trụ trong thế giới vô hình và hữu hình. Chia sẻ một cách kiệm lời về nội dung của Thán 2, Thành “không muốn áp đặt suy nghĩ hay quan điểm của mình lên khán giả”. “Tôi muốn khán giả cảm nhận theo cách của riêng mình”, anh nói.
Ở Thán 2, Thành sẽ không độc diễn mà có thêm sự tham gia của 3 vũ công là Trần Ngọc Minh, Đào Nhật Vy và Vũ Ngọc Bảo. Nhạc sĩ Lương Huệ Trinh (từ Pháp) làm nhạc mang phong cách điện tử cho vở với “đặt hàng” của Thành và đạo diễn Đặng Xuân Trường là “phải có những thanh âm của tuồng”. Bên cạnh đó, NSƯT Nguyễn Văn Quý (Nhà hát Tuồng Việt Nam) sẽ chơi trống trực tiếp trên sân khấu. Cùng với âm nhạc, những chuyển động cơ thể của nghệ sĩ cũng mang những nét động tác của nghệ thuật tuồng. Nguyễn Duy Thành gần như là nghệ sĩ tiên phong đưa loại hình nghệ thuật truyền thống này vào múa đương đại tại Việt Nam.
Nguyễn Duy Thành không giấu việc mình từng muốn từ bỏ Thán 2 vì không có tiền. Anh cũng từng đối mặt với sự cô đơn đến cùng cực khi “sống trong những suy nghĩ, tư tưởng mà rất ít người hiểu được”. Rồi Thành gặp được nhóm những người bạn có đạo diễn Đặng Xuân Trường, hay đạo diễn Trịnh Quang Tùng… “Nhóm chúng tôi nhất quyết không để Thành từ bỏ. Mỗi người đi làm đều dành tiền cho vào quỹ tiết kiệm chung để Thành làm, thiếu đâu thì đi vay mượn thêm”, đạo diễn Đặng Xuân Trường chia sẻ.
Đạo diễn Trịnh Quang Tùng nói: “Chính Thành là người truyền cảm hứng cho anh em chúng tôi. Nhìn những gương mặt trẻ yêu nghệ thuật với trái tim thuần khiết nhất, chúng tôi muốn được đồng hành cùng các bạn, để họ yên lòng làm nghệ thuật và tiếp cận khán giả”.
Thán 2 có thể vẫn còn cần sự làm quen của khán giả trong nước với múa đương đại, nghệ sĩ có thể “lỗ” nhưng quan trọng là Thành không còn cô đơn. Thán 2 sẽ được đến với khán giả bằng sự đồng cảm và đồng lòng của những người yêu múa đương đại Việt.
Bình luận (0)