Nhớ món ăn Sài Gòn

01/10/2019 08:00 GMT+7

Nhiều năm xa Sài Gòn, khi nhắc đến mảnh đất này, tôi lại nhớ đến những món ăn mà tôi đã ăn tại nơi đây.

Đôi khi chúng không phải là những món sơn hào hải vị mà chỉ là những món ăn bình thường. Tuy chỉ là những món ăn bình thường, nhưng lại mang đậm hương vị của đất Sài Gòn.
Hương vị Sài Gòn, là thứ hương vị tứ xứ tụ lại. Trong nhiều món ăn ở Sài Gòn, không phải món nào cũng xuất phát từ mảnh đất này. Đôi khi, chúng được người dân các vùng miền khác của tổ quốc mang tới khi họ tới định cư mảnh đất này. Nhưng khi đã tới nơi này, theo thời gian, chúng đã trở thành một phần tất yếu của Sài Gòn.
Món ăn đầu tiên tôi ăn tại đất Sài Gòn, là bánh mì kẹp thập cẩm. Lần đầu tiên, tôi ăn một ổ bánh mì nhiều nhân, đa dạng như vậy. Bánh mì kẹp không phải là món quý hiếm. Những năm tháng sinh viên ở Hà Nội, chúng cũng là những món ăn cứu đói của tôi. Nhưng tại Sài Gòn, chúng có nhân nhiều hơn gấp 2,3 lần so bánh mì Hà Nội thời kỳ những năm 2004-2008. Gia vị của chúng cũng đa dạng hơn, kích thích vị giác của tôi hơn. Nhớ ngày đó, mỗi ổ bánh mì Sài Gòn với nhiều nhân, chỉ có 8 000 đồng. Quá rẻ mà lại quá ngon.

Một trong những tiệm mì lâu đời nổi tiếng ở TP.HCM

Ảnh: Hoài Nhân

Món tiếp theo mà tôi thưởng thức, tại Sài Gòn chỉ là món bình dân nhưng tại Hà Nội hay Hải Phòng, nó là đặc sản. Đó là món cơm tấm Sài Gòn. Cho đến bây giờ, sau nhiều năm rời xa đất Sài Gòn, tôi vẫn nói vui với bạn bè tôi ở Sài Gòn là hãy gửi cho tôi một phần cơm tấm sườn bì chả đủ vị. Bởi vì, tôi thèm lắm. Sự pha trộn giữa gia vị đậm đà của miếng sườn, một chút dai dai của bì kết hợp với sự mặn ngọt của miếng chả trứng, thêm chút chua đã làm tôi mê mẩn. Ở Hà Nội hay Hải Phòng, cũng có những nhà hàng có đặc sản cơm tấm Sài Gòn, nhưng tôi lại không thể cảm nhận được vị của Sài Gòn.
Sài Gòn là mảnh đất nhập cư. Văn hóa ẩm thực đã thể hiện rõ tính nhập cư của Sài Gòn. Bạn có thể tìm thấy món ăn mang hương vị khắp mọi miền đất nước, từ bánh xèo Nam Bộ tới bánh tráng Tây Ninh, từ bánh canh, hủ tiếu, tới bún hay bánh đa, từ các món ăn vặt như chè tới những món ăn chính,… Thế nhưng, với những món ăn được nhập khẩu, sau một thời gian, đều được người dân Sài Thành biến tấu thành một thứ gì đó rất đặc trưng mang nét ẩm thực riêng. Chúng trở thành món ăn gia truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nuôi sống biết bao con người. Có những ẩm thực, đã mang vị đặc trưng gắn với tên người làm ra nó. Hay có những hương vị ẩm thực đã tạo thành một thương hiệu địa lí riêng biệt trong lòng thành phố.

Các món bánh quê được bán tại TP.HCM

Tôi từng thưởng thức bánh đa cua Hải Phòng trên đất Sài Gòn, hương vị tuy không đậm đà như quê tôi nhưng cũng có những sáng tạo nhất định. Bạn ăn món bún đậu có thể với mắm tôm như người miền Bắc hoặc thay thế bằng nước chấm khác tùy theo khẩu vị của bạn. Bạn là người xứ Huế, bạn có thể ăn bún bò Huế với đầy đủ chất Huế từ người nấu tới gia vị hoặc có thể lựa chọn một sáng tạo khác,… Ẩm thực Sài Gòn, không chỉ đa dạng món ăn mà với từng món cũng có sự đa dạng.
Cách thức thưởng món ăn Sài Gòn cũng rất đa dạng. Tôi có thể thưởng thức chúng từ những chiếc xe bán hàng nhỏ xíu, ngồi thoải mái trên chiếc ghế nhựa, vừa ăn vừa ngắm dòng người qua lại. Nếu bạn không thích, bạn có thể thưởng thức chúng từ những quán ăn nhỏ trong các con ngõ hẻm tới những quán ăn dành cho giới văn phòng. Tuy nhiên tôi thích ngồi trên những chiếc ghế nhựa hơn. Khi đó, tôi có cảm giác bản thân trở thành một phần nhỏ của thành phố này.
Ẩm thực ở Sài Gòn đa dạng theo cả chiều sâu lẫn chiều rộng, tựa như một dải màu sắc với đa dạng sắc màu. Chúng tạo thành tấm lưới hấp dẫn mọi thực khách, tạo cho thực khách có trải nghiệm hương vị khó quên. Chúng khiến cho những người dù đã rời xa mảnh đất này cũng phải nhớ tới – như tôi.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.