Sài Gòn không của riêng ai!

11/01/2020 09:00 GMT+7

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng ngoại thành TP.HCM . Nhà tôi cách thành phố tầm 45 km và trong mắt một đứa trẻ lên năm thì thành phố cái gì cũng ngộ, lạ và đẹp lắm!

Mỗi lần được ba mẹ đưa lên thành phố là y như rằng đêm đó tôi không ngủ được. Thế nhưng cụm từ “đi thành phố” không nằm trong mục đích đi chơi, tham quan hay ngắm cảnh mà những chuyến đi chủ yếu điểm đến là... bệnh viện. Từ Bệnh viện Tim 115, Bệnh viện Hòa Hảo, Phạm Ngọc Thạch đến Chấn thương chỉnh hình - hành trang của mỗi chuyến đi chất đầy sự vất vả của ba, nỗi lo của mẹ.
Cứ như thế, tôi lớn lên trong một thành phố năng động với những lần gãy xương, buộc phải nằm “bất động” từ căn bệnh xương thủy tinh khắc nghiệt. Nhưng tôi chưa từng ngừng đi những xao động bâng quơ, những nhen nhóm với ước mong được hòa nhập giữa thành phố hoa lệ. Thú thật, sẽ chẳng mấy dễ dàng gì đối với một cô bé khuyết tật gắn liền trên chiếc xe lăn mà vẫn âm thầm bền chí nung nấu trong tim ý định liều lĩnh “rời quê lên phố”.
Rời quê nghĩa là tôi phải chấp nhận rời vòng tay chăm sóc của người thân để trải nghiệm chuyến phiêu lưu mang tên hòa nhập. Tôi chấp nhận đấu tranh rồi chuyển sang thuyết phục để ba mẹ đồng ý cho tôi lên thành phố sống.
Lúc đầu cũng gian nan lắm nhưng vì yêu thương mà cuối cùng cả nhà cũng phải chịu thua tôi. Tôi rời nhà bỏ lại mọi thứ để tung bay theo cách khó nhọc của riêng mình.
Đó là một ngày đất trời chuyển mình vào đông năm 2012!
Nhớ nhất là những hôm bạn bè bế đi tìm phòng trọ, có nơi họ xua tay đuổi thẳng thừng khi nhìn thấy tôi. Có chỗ thì họ treo giá tít tận trên trời kèm theo ánh nhìn nghi ngại lẫn thương hại. Loay hoay gần một tháng thì cũng ổn định chỗ trọ có chút tiếp cận với người khuyết tật. Tôi bắt đầu hành trình mới với nỗi nhớ nhà da diết, nhất là lúc trời đổ mưa. Rồi cả những hôm cuối tháng sống trong nỗi nơm nớp lo lắng khi vét cạn đồng tiền trợ cấp dành cho người khuyết tật ở quê vẫn không đủ đóng tiền trọ - lúc đó chỉ muốn mặc kệ ước mơ, mặc kệ mọi thứ mà về an phận bên mẹ, bên ba. Vậy mà tôi lây lất cũng được bốn năm! Bốn năm - khoảng thời gian đủ dài không với một con bé mỏng manh như tôi? Hẳn sẽ là niềm kiêu hãnh nếu như cuộc đời không đẩy tôi đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết khi gặp phải tai nạn giao thông khủng khiếp vào buổi sáng thứ sáu, ngày 23.12.2016 - trước một tháng ngày tôi chuẩn bị khai trương quán cà phê sách ngay tại Q.Gò Vấp.
Tai nạn giao thông ngày hôm ấy đã lấy đi của tôi không chỉ một chút máu bầm tụ ở não, phần cánh tay trái gãy lìa mà còn lấy đi của tôi những hạt mầm ước mơ vừa mới vun trồng. Gần ba năm kể từ ngày gặp phải sự cố bất như ý thì hiện tại tôi vẫn phải nỗ lực tịnh dưỡng.
Có lẽ, mỗi người sẽ yêu cái thành phố mà mình sinh ra theo cách rất riêng và tôi cũng vậy. Yêu theo cách của tôi!
Yêu những cơn mưa hối hả từ những chuyến đi phát quà cho các em nhỏ mồ côi, khuyết tật. Yêu cả cái nắng ban trưa giữa Sài Gòn đỏng đảnh, yêu cả cái quán cóc bên vệ đường với ly cà phê sữa đá “ngon đến giọt cuối cùng”. Yêu lắm những hình ảnh của các cô chú lao công, những cụ già, em nhỏ bán dạo, yêu cả những cơn ho hen, xương rạn vì di chuyển nhiều của bản thân... Tất cả như những gam màu trong cái chốn phồn hoa đô hội.
Và, đến bây giờ, tôi vẫn còn ý niệm “biết đâu được một ngày nào đó tôi sẽ lần nữa vẽ tiếp ước mơ dang dở thì sao?”. Rồi tôi sẽ lại hòa cùng nhịp thở của Sài Gòn, lắng nghe Sài Gòn trở mình chuyển động? Chỉ mới tưởng tượng thôi mà tôi đã thấy háo hức vô cùng. Tôi biết, thanh xuân là thứ đẹp đẽ nhất cũng là thứ khiến con người khó níu giữ nhất. Tôi vẫn sẽ hướng về phía trước, cố gắng bỏ lại sau lưng cơn đau của bệnh tật với ước mong lần nữa khởi tạo lại từ những viên gạch vụn vỡ thuở nào.
Sài Gòn lên đèn rồi tắt, nhưng luôn có một thứ ánh sáng vẫn lấp lánh giữa trời đêm - ánh sáng của niềm tin, hy vọng hòa lẫn sự biết ơn trân quý với những mối nhân duyên, ơn nghĩa giữa cuộc đời. Hơn thế, Sài Gòn còn chất chứa một tình yêu nồng ấm của cô gái non xanh dành cho Sài Gòn - một Sài Gòn không hẳn của riêng ai...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.