Sài Gòn qua các nhà thờ tôi yêu

08/11/2019 08:00 GMT+7

Tôi sinh ra ở Phan Thiết, đi học ở Gò Công, nhưng ba tôi là người Sài Gòn và nhà nội tôi ở chợ Cây Quéo, Bình Thạnh, nên coi như tôi cũng có phần gốc Sài Gòn.

Sài Gòn cho tôi nhiều thứ, và có rất nhiều thứ để tôi yêu và rất yêu. Và có một thứ thấm vào tâm hồn tôi làm cho tôi luôn cảm thấy bình an và yên vui sau bao vất vả và bận rộn chốn mưu sinh – đó là các ngôi nhà thờ.
Xưa – những năm đầu 1990 – học ở Ngân hàng, trường ở Ngô Đức Kế, ký túc xá thì ở Nguyễn Huệ, đương nhiên nhà thờ Đức Bà, Q.1, là nơi mỗi ngày, mỗi tuần tôi đi dự lễ, nghe các bài giảng rất hay, cầu nguyện, thưởng thức thánh ca, ngắm người đi lễ và người đi chơi Sài Gòn . Nhà thờ mang thiết kế châu Âu với rất nhiều tượng điêu khắc, và tranh kiếng rất đẹp. Đặc biệt là gạch đỏ xung quanh nhà thờ, một thiết kế đặc biệt khiến cho nhà thờ trở thành một biểu tượng không thể thiếu khi nói đến cảnh đẹp Sài Gòn.

Nhà thờ Đức Bà

Ảnh: Độc Lập

Nhưng ngôi nhà thờ Fatima ở Bình Triệu, Thủ Đức mới là nơi tôi cảm thấy được nâng đỡ, ủi an nhiều nhất khi mới lên học ở Sài Gòn. Nhà thờ thời ấy đơn giản, mái tôn. Khi rời công việc đầu tiên ở công ty quảng cáo, tôi đã ngồi khóc ở đây, và gặp soeur Bình. Bà cho tôi ăn một trái chuối, an ủi tôi, và tự dưng tôi buồn ngủ. Nằm ngay trên sofa phòng khách nhà dòng, ngủ một mạch, tỉnh dậy, thấy hết buồn. Về nhà, ngày hôm sau tôi được gọi phỏng vấn và bắt đầu đi làm luôn công việc trong ngành nghiên cứu thị trường cho đến nay. Nhà thờ này cũng là nơi ba mẹ con tôi gặp nhau cuối tuần, khi ba mẹ con, mỗi người một nơi dù trong một thành phố, suốt gần 3 năm dài. Giờ vẫn thế, khi tôi cần một nơi để thinh lặng và lắng đọng, và cần ủi an tôi sẽ ra đây.
Sài Gòn có nhiều nhà thờ khác. Nhà thờ Đồng Tiến ở Q.10 có không gian khá thơ mộng cho các đám cưới chụp ảnh, và cho các bạn sinh viên gần đó vào học bài với nhiều chỗ ngồi ghế đá dưới tán cây mát rượi bên hành lang nhà thờ. Hai chị em tôi sinh hoạt ca đoàn ở đây gần 3 năm, ca đoàn nhiều ca viên hát rất hay. Nhà thờ cha Tam, Q.5, mang dáng vẻ nhà thờ người Hoa, tết đến là hay có lộc quýt, trước đây mẹ hay thích lấy lộc quýt này. Nhà thờ Huyện Sỹ (chợ Đũi), Q.1, có di tích thánh tử đạo (Thánh Gẫm), với mộ phần của người đóng góp xây dựng sau bàn thánh. Họ hàng với nhà thờ này là nhà thờ Hạnh Thông Tây, Gò Vấp, cách xây bên trong tương tự, và cũng có liên quan đến việc đóng góp cho việc xây dựng, (ông Lê Phát An là con ông Lê Phát Đạt xây nhà thờ Huyện Sỹ). Hai chị em tôi cũng đã sinh hoạt ca đoàn ở đây được 2 năm.

Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm

Ảnh: Trung Dung

Từ một lời cầu nguyện đặc biệt cho một thành viên của gia đình và nhận được ơn lành, gia đình tôi gắn bó qua lời ca tiếng hát phục vụ - với nhà thờ Kỳ Đồng, đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Q.3 mặc dù nhà vẫn ở Gò Vấp, thuộc nhà thờ Vĩnh Hiệp. Nhà thờ luôn rộng mở cửa cho các thành phần dân cư đến viếng, cầu nguyện, và bạn sẽ luôn luôn tìm thấy một chỗ thật dễ chịu để ngồi thinh lặng, cầu nguyện, hay chỉ là nghỉ ngơi tại nơi đây. Một nơi nhỏ ở trung tâm, nhưng luôn rộn ràng, vui tươi, nhiều tình cảm cho người đến và đi. Nhiều người ngoài công giáo cũng thường đến đây mua sách, cầu nguyện nơi hang đá, gửi quần áo cũ, đóng góp, ăn cơm miễn phí trưa thứ tư, khám bệnh….nhiều không kể xiết, vì được nhà dòng Chúa Cứu Thế phụ trách với nhiều linh mục và thầy khác nhau, rất sống động, nhiều linh hoạt trong cách vận hành, khiến người đến đây lòng rất vui mặc dù nhà thờ có kiến trúc rất đơn giản so với nhiều nhà thờ xung quanh của Sài Gòn này.
Đã có dịp đi nhiều nhà thờ ở Sài Gòn, như Tân Định, Mai Khôi, Phanxico, Martino, Thủ Thiêm, Hoàng Mai..., chưa có dịp kể hết, nhưng nói chung, một trong những điều làm tôi yêu và rất yêu Sài Gòn này…đó là các nhà thờ luôn rộng mở.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.