Sài Gòn và những miền nhớ

Sáng thức giấc tại một nơi xa lạ, tôi bỗng thấy nhớ Sài Gòn da diết. Lạ nhỉ, có bao giờ tôi thấy nhớ, thấy thương thành phố mà tôi sinh ra và lớn lên như lúc này. Ừ thì, tôi thương Sài Gòn thật rồi, thương như chính người thân trong gia đình mình vậy…

Ngày nhỏ, mỗi khi bạn bè hỏi tôi: “Tết này mày có về quê không?”, câu trả lời vẫn thường là: “Không, tao làm gì có quê mà về”. Lúc đó, tôi hay thắc mắc với mẹ sao con không có quê như các bạn, mẹ chỉ cười bảo quê con ở đây mà. Nhưng trong hiểu biết của một đứa trẻ con, tôi muốn quê là nơi giống như bạn tôi kể cơ, có con sông, có cây dừa, có ghe xuồng… Mãi cho đến khi lớn, tôi mới hiểu quê hương không nhất thiết phải có con đò nhỏ, có hàng cau bên hè. Quê hương chỉ đơn giản là nơi mà có những người tôi yêu thương và tôi thuộc về nơi đó. Và Sài Gòn đã cho tôi điều đó.
Gia đình tôi nhiều thế hệ đã sinh sống ở vùng đất phồn hoa, năng động này từ khi người ta còn gọi là thành Gia Định. Người ta nhìn Sài Gòn như một vùng đất lành cho người dân tứ xứ về đây làm ăn, xem Sài Gòn như một cô gái hiện đại và rất Tây. Nhưng ẩn sâu cái dáng vẻ kiêu sa đậm chất Tây đó, Sài Gòn mang tâm hồn của một người con gái Việt Nam, hiền lành, bao dung và cũng rất đỗi dịu dàng, hoài cổ. Chính ba mẹ tôi, những người gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất phồn hoa này, đã dạy tôi điều đó từ những bữa ăn sáng rất Sài Gòn.
Sài Gòn và những miền nhớ1

Nhà thờ Huyện Sỹ

Ảnh: Khả Hòa

Ngày nhỏ, gia đình tôi có thói quen vào những ngày cuối tuần sẽ dẫn con cái đi ăn sáng thay vì ăn sáng tại nhà như mọi ngày. Tôi rất thích những ngày ấy không chỉ vì được đi ăn ngoài mà thường sau bữa sáng, ba sẽ chở chị em tôi đi vòng vòng khu trung tâm (theo ba nói là “đi vòng vòng Sài Gòn”). Vậy đó, Sài Gòn trong tâm trí của một đứa nhỏ khi ấy chỉ có… nhà tôi và khu vực quận 1! Tôi nhớ không nguôi món bánh mì ốp la ăn kèm với thịt nguội, pate mà ngày nhỏ hay ăn. Đối với những người dân sống lâu năm ở Sài Gòn, đây là một món ăn đầy thân thuộc. Thịt nguội, pate, có khi có cả xíu mại được đặt lên một cái chảo nhỏ cùng với trứng ốp la và ăn kèm với bánh mì. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên hương vị của nó. Tôi thích cái cảm giác sáng cuối tuần được ba chở ra quán ăn quen thuộc, ba uống cà phê còn chị em tôi ăn bánh mì ốp la, ngắm nhìn một Sài Gòn đầy bình yên và thân thương.
Và như đã nói, bữa ăn sáng của tôi không dừng lại ở việc đi ăn. Mà nó đồng nghĩa với việc chị em tôi sẽ được thêm một chuyến đi đây đi đó, thường sẽ là vòng quanh khu vực quận 1. Lâu dần, việc đi vòng vòng ngắm Sài Gòn đã trở thành một thói quen của gia đình tôi. Ngay cả khi đã lớn, tôi vẫn còn duy trì thói quen ấy. Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, tôi lại leo lên xe chạy ra… Sài Gòn. Tôi đi qua những con đường thân thuộc, con đường ngày trước ba chở tôi đi học, con đường ngoại kể xưa kia nhiều ma lắm, con đường mẹ nhớ về những ngày tuổi thơ của mình, con đường của một thời vô lo vô nghĩ. Tôi dường như cảm thấy những con đường Sài Gòn mà tôi vẫn đang đi hằng ngày, thân thương đến lạ. Như một người bạn bấy lâu vẫn đi bên cạnh ta nhưng đôi khi ta chỉ mải nhìn những điều trước mắt thay vì một điều gì đó cạnh bên mình. Tôi nhìn thấy hình ảnh của ba mẹ tôi những ngày cơ hàn trên những con đường ấy. Tôi nhìn thấy những người bạn không biết khi nào gặp lại. Tôi nhìn thấy những cuộc hội ngộ và cả sự chia ly. Hơn cả một cái tên đường đơn thuần, những con đường Sài Gòn chứa đựng cả tâm tình của những con người nơi đây.
Sài Gòn và những miền nhớ2

Bánh mì Sài Gòn

Ảnh: Ngọc Dương

Và tôi nghiệm ra, cái hồn của Sài Gòn nằm ở bởi chính nếp sống của người Sài Gòn. Có lẽ, hiếm nơi đâu sự hiện đại và truyền thống vẫn còn hòa quyện như tại vùng đất này. Người ta có thể cả năm chạy theo những xu hướng hàng đầu thế giới nhưng khi tết đến xuân về, họ vẫn quây quần bên nhau, bày bàn thờ tổ tiên, chưng đòn bánh tét và cặp bánh chưng, vội vã sửa sang nhà cửa đón tết. Người ta có thể ăn vội một chiếc bánh mì để kịp giờ làm nhưng vẫn có thể ngồi quán cà phê nào đó để nghe chuyện đời. Sài Gòn lạ thế đấy. Và chính vì lạ như thế, Sài Gòn để lại trong lòng những người gắn bó với mảnh đất này một tình yêu mà chỉ khi rời xa người ta mới có thể cảm nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.