Gần một phần tư thế kỷ kể từ khi Martin Scorsese hợp tác với Robert De Niro và Joe Pesci trong bộ phim Casino - tác phẩm mang về 116 triệu USD, bộ ba tái hợp trong The Irishman qua một cốt truyện sâu sắc khác về tội phạm và chính trị, kéo dài sáu thập kỷ.
Câu chuyện cuộc đời của một trùm sát thủ
The Irishman (tựa Việt: Người đàn ông Ireland) kể về chuỗi sự kiện xoay quanh Frank Sheeran (Robert De Niro) từ thuở hàn vi cho đến đỉnh cao quyền lực. Frank Sheeran vốn là tên sát thủ mang mật danh “Người Ai-len”, cũng là kẻ chịu trách nhiệm vụ mất tích của ông chủ nghiệp đoàn Teamster Jimmy Hoffa vào tháng 7.1975. Phim được chuyển thể từ I heard you paint houses (tựa Việt: Tôi nghe nói anh sơn nhà) - cuốn sách bán chạy của Charles Brandt.
Với thời lượng ba tiếng rưỡi, lại bàn về chính trị, xã hội nên phim khá kén khán giả. Phải là những người có nhiều kinh nghiệm sống cùng vốn kiến thức phong phú mới “ngấm” được hết những ý nghĩa thâm thúy ẩn sâu bên trong tác phẩm.
Cảnh phim The Irishman mở đầu dẫn chúng ta gặp Frank vào những năm 1980, trong hình hài của một ông lão già nua với thần sắc hơi mệt mỏi. Nhưng sau đó, khi cất lời kể lại cuộc đời mình, gương mặt ông ngay lập tức bộc lộ niềm tự hào xen lẫn hối tiếc. Với khóe miệng hếch xuống, chiếc cằm hơi đẩy lên và đôi mắt xanh nhìn thẳng về phía trước, De Niro dắt người xem đi qua những năm tháng hoang dã của Frank, từ những sự kiện đau thương trong thời chiến đến cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ với ông trùm tội phạm Russell Bufalino (Joe Pesci đóng).
Xã hội Mỹ thập niên 1960, 1970 nhuốm màu của “những vệt thuốc lá và máu bắn tung tóe lên tường, lên mặt”. Các băng đảng thanh trừng lẫn nhau, chính trị gia thì bày mưu tính kế. Đối với phái mạnh, quyền lực của họ được đong đếm bằng mức độ bạo lực, khả năng truy sát đối thủ. Giữa dòng đời hỗn loạn với bầu không khí u tối bao trùm, mạng sống con người bị đe dọa mọi lúc mọi nơi.
Những nhân vật trong phim đều được xây dựng dựa trên hình mẫu những người nổi tiếng trong lịch sử nước Mỹ. Tình tiết được khai thác cũng hoàn toàn có thật như vụ ám sát Tổng thống John Fitzgerald Kennedy, sự biến mất khó hiểu của nhà lãnh đạo nghiệp đoàn Jimmy Hoffa…
Mạch phim The Irishman kéo dài hàng vài thập kỷ được chuyển đổi bằng lối cắt dựng nhịp nhàng. Không quá nặng nề mà đôi khi còn sử dụng giọng điệu châm biếm, hài hước, tác phẩm là một biên niên sử đầy tinh tế, đan xen nhiều ẩn dụ, phác hoạ chân thực về một thế giới bên ngoài hào nhoáng nhưng bên trong đầy rẫy những tội ác bẩn thỉu của các chính trị gia và bọn tội phạm.
Trong bức tranh xã hội với những mảng sáng tối lập lòe, con người luôn mang trên mình lớp vỏ bọc kiêu hãnh, miệng nói chuyện về chính trị, về những giấc mơ Mỹ cao cả. Ấy thế nhưng, họ thực chất chỉ toan tính thiệt hơn cho chính mình, dùng bạo lực để có được tiền, quyền và thực hiện những tham vọng tàn nhẫn.
'Cải lão hoàn đồng' cho 3 huyền thoại điện ảnh
The Irishman ghi dấu ấn bởi cuộc “hội ngộ” của 3 huyền thoại điện ảnh ở dòng phim hình sự, tội phạm là Robert De Niro, Al Pacino và Joe Pesci. Martin Scorsese phải tốn nhiều tiền cho công nghệ trẻ hóa diễn viên, đưa họ từ các ông lão ngoài 70 về độ tuổi thanh niên.
Để làm được điều này, Martin Scorsese không chỉ sử dụng công nghệ hiện đại CGI mà còn tập trung khắc họa rõ nét sự biến chuyển trong tâm lý nhân vật. Sự tàn phá và cảm giác tội lỗi trong tâm hồn của Frank thể hiện qua nét mặt đầy đau khổ, dằn vặt, ánh mắt buồn nặng trĩu tâm tư và cả giọng nói có phần chùng xuống khi nhân vật đi sâu vào câu chuyện. Đây là màn đầu tư xứng đáng vì mỗi diễn viên đều nhập vai xuất sắc. Khán giả chắc chắn không thể nào quên được một Al Pacino với những phút giây xuất thần đầy sống động, khuôn mặt biểu cảm méo mó nhưng đầy cảm xúc của Robert de Niro, hay ánh mắt lúc nào cũng đầy ẩn ý của Joe Pesci.
Phần âm nhạc trong phim được lồng ghép khéo léo, giống như một ly cocktail đủ mọi mùi vị, mang tới cho người thưởng thức nhiều cung bậc cảm xúc như buồn bã, lo sợ, nuối tiếc. Nhưng rồi, cảm giác chung đọng lại vẫn là sự tê tái nơi đầu lưỡi, quyến rũ đến lạ kỳ.
Cách kết thúc giúp nâng tầm tác phẩm. Đoạn kết bi thương của những kẻ từng tung hoành ngang dọc, coi mạng sống của người khác rẻ mạt và dễ dàng cướp chúng đi bằng đồng tiền hay bạo lực. Đến cuối đời, khi tiền và quyền không thể đồng hành cũng họ mãi, rốt cuộc thứ họ nhận lại được chỉ là một nấm mồ chờ đợi, cô đơn, lạnh lẽo.
Với Frank, khi thốt lên câu nói: “Không thể biết được thời gian trôi qua nhanh như thế nào cho tới khi ta già đi”, ông dường như đang bày tỏ sự ăn năn cho những tháng ngày nông nổi của mình.
The Irishman là một bộ phim tráng lệ của Martin Scorsese. Tráng lệ bởi lẽ từng thước phim đều được tính toán kỹ càng, với màu sắc đậm chất điện ảnh, cũng như những kỳ công trong việc xây dựng nhân vật, cài cắm ẩn dụ.
The Irishman hiện nhận 5 đề cử tại giải thưởng Quả cầu vàng 2020, trong đó có hạng mục Phim hay nhất. Tác phẩm trước đó được Hội đồng Phê bình phim New York trao giải phim hay nhất năm. Tờ The New York Times xếp The Irishman vào nhóm 10 phim xuất sắc nhất năm, có nhiều tiềm năng tiến xa trong cuộc đua Oscar sắp tới.
Bình luận (0)