Thị trường nước ngoài cho phim Việt

Ngọc An
Ngọc An
11/05/2021 05:54 GMT+7

Ngoài thị trường trong nước, nhiều phim Việt đã và đang hướng đến thị trường nước ngoài tiềm năng.

Những tín hiệu khả quan

Bộ phim Bố già đã ra rạp tại Singapore và Malaysia từ ngày 22.4. Tại Malaysia, Bố già (tựa Anh: Dad, I’m sorry) được phát hành tại nhiều rạp chiếu của GSC, công ty điện ảnh lớn nhất của quốc gia này. Bên cạnh đó, bộ phim được công chiếu tại Golden Village, rạp chiếu hàng đầu tại Singapore. Phía nhà phát hành chưa đưa ra thống kê doanh thu cụ thể của Bố già tại Malaysia hay Singapore. Dù vậy, có thể nhìn thấy sự đón nhận của công chúng qua số lượng suất chiếu cùng thời gian trụ rạp của bộ phim (đến thời điểm này phim vẫn được chiếu tại Singapore).
Theo Box Office Mojo (trang web chuyên theo dõi doanh thu phòng vé độc lập dựa theo hệ thống thuật toán chính xác), ở thời điểm hiện tại, doanh thu của Bố già hiện xếp thứ 29 trong bảng xếp hạng doanh thu điện ảnh trên toàn cầu trong năm nay với hơn 17,129 triệu USD (khoảng 400 tỉ đồng). Còn bộ phim Lật mặt 5: 48h đang đứng ở vị trí 47 với hơn 6,584 triệu USD (khoảng hơn 151 tỉ đồng). Nhà sản xuất phim này đã dự tính đưa bộ phim công chiếu tại Mỹ và Canada, cũng như kết nối phát hành ở Úc và khu vực châu Á. Trước đó năm 2019, Lật mặt 4: Nhà có khách (tựa Anh: Face off: The walking guests) cũng đã được chiếu tại Mỹ, Úc và Canada.
Những tín hiệu khả quan trong việc “xuất khẩu” phim Việt có thể thấy ở việc ngay khi Thiên thần hộ mệnh còn chưa ra rạp tại Việt Nam, phía TFilm Entertainment - đại diện nhà sản xuất, cho biết đang thỏa thuận để phim này công chiếu trên thế giới (Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Ireland, CH Czech, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore, Úc…). Tương tự, phim Bóng đè của đạo diễn Lê Văn Kiệt theo dự kiến phải giữa tháng 5 mới chiếu tại Việt Nam, nhưng trước đó đã được mua bản quyền phát hành ở 25 quốc gia.
Mặc dù không ít phim Việt đã được “xuất ngoại”, nhưng hầu hết hiếm khi được công bố doanh thu ở thị trường quốc tế. Hai Phượng (tựa Anh: Furie) do Lê Văn Kiệt đạo diễn là bộ phim hiếm hoi công bố doanh thu quốc tế rõ ràng. Cụ thể, Hai Phượng có doanh thu khoảng 160 tỉ đồng tại thị trường trong nước và khoảng 40 tỉ đồng tại nước ngoài. Dễ thấy, trong nước vẫn là thị trường chủ yếu và đem lại phần lớn doanh thu cho phim Việt, nhưng không thể phủ nhận tiềm năng của thị trường nước ngoài với lượng lớn khán giả là kiều bào, cũng như những khán giả quốc tế quan tâm đến những nền điện ảnh khác lạ.
Thị trường nước ngoài cho phim Việt1

Phim Thiên thần hộ mệnh được thương thảo để phát hành trên thế giới

ẢNH: ĐPCC

Phim tốt không khó để “xuất khẩu”

Với nhiều giải thưởng tại những liên hoan phim quốc tế, đến nay bộ phim Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng đã đến với khán giả tại 16 quốc gia, vùng lãnh thổ như Mỹ, Ý, Uruguay, Tây Ban Nha, Canada, Ấn Độ, Anh… Đạo diễn Lương Đình Dũng cho hay những nhà phân phối, phát hành phim từ nhiều quốc gia trên thế giới thường tìm đến các liên hoan phim quốc tế uy tín để thương thảo, mua bán bản quyền phim. Những cơ hội để Cha cõng con được mua bản quyền công chiếu tại nước ngoài cũng bắt đầu từ đây. “Trước đây, chúng tôi chỉ bán bản quyền để chiếu phim tại rạp, còn hiện tại Cha cõng con đã được bán bản quyền ở nhiều hình thức phát hành khác, từ chiếu trên truyền hình cho đến DVD…”, ông Dũng nói. Mới đây, bộ phim đã được mua bản quyền trình chiếu tại trường đại học ở Nhật Bản, hay phát hành DVD ở Thổ Nhĩ Kỳ…

Cần để khán giả các nước “trải nghiệm” phim Việt, từ đó họ có nhu cầu xem thêm phim Việt

Ông Nelson Mok, Giám đốc, cố vấn Film Group (Singapore)

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết thêm sau bộ phim điện ảnh đầu tay, ông đã có nhiều kinh nghiệm trong việc thương thảo với những nhà phát hành quốc tế. Nhiều “người quen” đã chủ động tìm đến khi Lương Đình Dũng thực hiện bộ phim hành động 578: Phát đạn của kẻ điên (dự kiến ra rạp Việt Nam vào tháng 8 tới). “Hiện tại những phim Việt chất lượng tốt không khó để xuất khẩu”, ông Dũng nhìn nhận.
Ông Nelson Mok, Giám đốc, cố vấn Film Group (Singapore) - đơn vị hợp tác với ê kíp Bóng đè đưa bộ phim ra thị trường nhiều quốc gia, cho hay ban đầu không dễ dàng để thuyết phục nhà phát hành phim quốc tế đưa phim Việt vào rạp chiếu vì khán giả nước ngoài “chưa quen”. Tuy nhiên, chính “sắc thái” và “tầm nhìn” trong bộ phim của đạo diễn đã khiến những nhà phát hành gật đầu. “Cần để khán giả các nước “trải nghiệm” phim Việt, từ đó họ có nhu cầu xem thêm phim Việt”, ông Nelson Mok cho hay. Theo đạo diễn Charlie Nguyễn, để đưa phim Việt ra thị trường quốc tế, nhà làm phim tất nhiên cần có kỹ năng kể chuyện, quan trọng hơn là phim mang câu chuyện gần gũi với con người ở bất cứ đâu, nhưng cần bắt nguồn từ đời sống, xã hội của Việt Nam. “Bố già chính là một ví dụ rõ ràng. Chúng ta cần kể câu chuyện của chính mình chứ không phải kể lại câu chuyện mà những nền điện ảnh khác đã kể”, đạo diễn Charlie Nguyễn nhận xét.
“Xem phim chả khác gì đi du lịch cả. Bởi thế, người xem muốn tìm cái gì họ chưa được xem, ít được xem, chứ không phải cái gì đã có quá nhiều, hay ở đâu cũng có”, đạo diễn Lương Đình Dũng bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.