Thời gian có hạn nhưng tưởng tượng là vô cùng

17/07/2012 09:14 GMT+7

Buổi công diễn duy nhất vở kịch thể nghiệm Romeo và Juliet ở Sài Gòn bắt đầu đúng 20g tối 15-7 tại sân khấu Idecaf. Tất cả khán giả đến trễ chừng... năm phút đều phải ở ngoài vì đạo diễn yêu cầu đóng cửa rạp hát, không nhận thêm bất cứ ai. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối, cố năn nỉ bảo vệ mở cửa cho vào đứng xem cũng được nhưng đều bị từ chối.

 Thời gian có hạn nhưng tưởng tượng là vô cùng - Đạo diễn người Na Uy Cliff Moustache (đứng) giao lưu với khán giả sau khi vở diễn kết thúc
Đạo diễn người Na Uy Cliff Moustache (đứng) giao lưu với khán giả sau khi vở diễn kết thúc
- Ảnh: H.O

Trong khán phòng, toàn bộ chỗ ngồi đều được lấp kín. Trước khi vở mở màn, mỗi khán giả được phát một bản khảo sát ý kiến với các nội dung đánh giá về vở diễn, mức độ yêu thích, email để nhà hát giữ liên lạc và thông báo các vở diễn trong tương lai. Thời lượng của vở từ khi mở màn đến lúc kết thúc đúng y boong 50 phút, như đã được thông báo trước đó trong tờ rơi. Sau buổi diễn, khán giả cùng ngồi lại giao lưu và đặt câu hỏi trực tiếp về vở kịch với đạo diễn và êkip sáng tạo... Đó là cách làm hơi khác của đạo diễn người Na Uy Cliff Moustache và tiến sĩ nghệ thuật Nguyễn Nghiêu Khải Thư (Đại học Berkeley, Mỹ) trong nhóm kịch NEWS, khiến nhiều khán giả thấy “khó chịu” vì đã quen với kiểu “giấy mời ghi 20g thì 20g30 đến là vừa” và “vở sắp hết rồi, tranh thủ ra sớm lấy xe” khi đi xem kịch ở VN.

Trước đó, 13 buổi tập của nhóm NEWS tại trụ sở Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM cũng không giống như những buổi tập của sân khấu VN. Tất cả nhân lực tham gia dự án từ đạo diễn, diễn viên, nhạc công, hậu đài, phiên dịch, trợ lý... đều phải có mặt đúng giờ và tập luyện nghiêm túc cho đến hết buổi, nếu vắng buổi nào thì bị trừ thù lao buổi đó. Không như các đạo diễn ở VN thường hay thị phạm và đôi khi cầm tay chỉ việc cho từng diễn viên, đạo diễn Cliff Moustache thông qua phiên dịch lại luôn hỏi các diễn viên của mình: “Với cảnh này, bạn định sẽ diễn như thế nào?”. Khi họ thử diễn theo những tưởng tượng và suy nghĩ của mình, Cliff tại tiếp tục hỏi: “Đây có phải là cái tốt nhất của bạn? Hãy cho tôi xem cái tốt nhất, nếu bạn có thể!”. Sau khi có “cái tốt nhất của diễn viên”, đạo diễn lại hỏi các thành phần sáng tạo khác: “Bạn có ý kiến gì để làm cho cái này tốt hơn nữa không?”.

Cứ thế, những câu hỏi được đặt ra, những câu trả lời ra đời, rồi vở diễn theo đó mà dần thành hình từ sự đồng sáng tạo của tất cả những người có mặt trong buổi tập. Cliff và Khải Thư tôn trọng và yêu quý từng sáng tạo dù là nhỏ nhất, dù là “bất thường” nhất. Vậy nên Romeo và Juliet ở Sài Gòn mới hẹn nhau ở... cầu Chữ Y, nhảy sạp trong đám cưới, Romeo đi xe đạp còn Juliet chạy xe máy...

Đã ba năm trôi qua kể từ vở diễn Thêm một giấc mộng đêm hè tại TP.HCM (tháng 3-2009), Cliff Moustache và Khải Thư mới trở lại VN với Romeo và Juliet ở Sài Gòn. Trong ba năm đó, Cliff vẫn chu du cùng Đoàn kịch Nordic Black (Oslo, Na Uy) khắp châu u và châu Phi trong những dự án kịch thể nghiệm của mình. Khải Thư thì tiếp tục công việc của một tiến sĩ nghệ thuật tại Mỹ. Nhưng cả hai vẫn giữ liên lạc với nhau và mong sớm trở lại VN để tiếp tục những gì NEWS đã thực hiện: kết hợp kịch hình thể phương Tây với nghệ thuật hát bội VN trong các dự án Hành trình qua bản sắc (2007), Hành trình và đích đến (2008), Thêm một giấc mộng đêm hè (2009).

Sự kết nối Đông và Tây trong một thể nghiệm những chuyển động hình thể và ngôn ngữ ước lệ đã trở thành một cái gì đó rất lạ với khán giả. Sau buổi diễn, số lượng người thích và không thích là... bằng nhau. Có khán giả khen vở rất sáng tạo và độc đáo, có khán giả lại bảo “chưa ra hát bội” hay “không phải Shakespeare”, có khán giả lại thắc mắc mục đích của việc kết hợp này là gì...

Trả lời cho tất cả những điều này, Cliff Moustache - với vẻ ngoài phóng khoáng của một Người châu u da đen (tên vở diễn mà Cliff dàn dựng tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế ở Hà Nội năm 2006) - bảo: “Tôi thích hát bội của các bạn, cũng như các bạn thích Shakespeare của chúng tôi. Phía này nhìn về phía kia với một sự tò mò và mong muốn khám phá. Sự kết hợp là cái cớ để chúng ta gặp nhau. Thời gian và ranh giới địa lý là có hạn nhưng tưởng tượng và sáng tạo là vô cùng. Tại sao không thử nghiệm? Chúng tôi sẽ còn trở lại vào tháng 9 năm nay”.

Theo Hoàng Oanh / Tuổi Trẻ

>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 13): Nửa thế kỷ thiết kế sân khấu
>> Bí mật vườn Lệ Chi tái diễn trên sân khấu lớn
>> Vở kịch kinh dị "Họa hồn
>> Vở kịch "Những người độc thân
>> Vở kịch tiền tỉ lùi ngày công diễn
>> “Vở kịch” Clearstream trên chính trường Pháp
>> Hội Sân khấu TPHCM trao giải thưởng 4 vở kịch hay năm 2008
>> Mỹ Uyên đầu tư vở kịch Đời có đợi anh không?
>> Đứa con bị đánh cắp - một vở kịch hấp dẫn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.