Thúc đẩy sáng tạo ở làng nghề

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
10/06/2021 06:24 GMT+7

Những sự kiện điêu khắc liên tiếp được tổ chức tại làng nghề đá Ninh Vân (Ninh Bình), những không gian điêu khắc và cả cơ hội tạo ra sản phẩm mới ở làng nghề đang dần mở ra.

Đưa nghệ sĩ đến cơ sở sản xuất

Nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền (ĐH Mỹ thuật Việt Nam) đã 3 năm liên tiếp dự các workshop điêu khắc tại làng nghề đá Ninh Vân. Được tổ chức tại các không gian khác nhau trong làng, các nghệ sĩ rất thuận lợi khi sáng tác trên chất liệu đá. Không chỉ sáng tác, ông Tuyền cùng các nhà điêu khắc tham dự workshop còn có thêm những mục tiêu khác.
Năm nay, hoạt động này diễn ra tại xưởng của nghệ sĩ Lương Trịnh trong làng. “Đã 3 năm nay, chúng tôi có hoạt động sáng tác như vậy. Nghệ sĩ Lương Trịnh cũng là người của một gia đình chuyên về sản phẩm đá truyền thống. Chúng tôi muốn xây dựng một không gian cho tác phẩm điêu khắc tại đó”, ông Tuyền nói.
Cũng giống ông Tuyền, nhà điêu khắc Thái Nhật Minh gắn bó với workshop tại làng nghề đá này 3 năm. “Có hoạt động chúng tôi đóng tiền và doanh nghiệp chủ địa điểm hỗ trợ một phần, có hoạt động họ tài trợ cả và chúng tôi có thêm một khoản thù lao. Tùy trường hợp mà doanh nghiệp có thể giữ lại tác phẩm hay không. Nhưng dự kiến tới đây, sẽ có việc liên kết để có những sáng tác được nhân bản giới hạn”, ông Minh nói.
Còn nhớ, UNESCO cũng đã có những chương trình đưa nghệ sĩ đến với các cơ sở sản xuất. Từ đó, nghệ sĩ học được thêm kỹ thuật nghề như sản xuất nhựa, gỗ...; còn các cơ sở học thêm về việc thiết kế. Chính vì thế, việc giao lưu giữa các nghệ sĩ điêu khắc và làng nghề đá Ninh Vân cũng khiến nhiều người kỳ vọng. Về điều này, ông Khổng Đỗ Tuyền nói: “Tôi nghĩ họ sẽ hình dung rõ hơn về sáng tác. Khi chúng tôi làm việc, cũng có người tới quan sát, tìm hiểu. Dần dần sẽ có hiệu ứng trong sản xuất của họ”.
Thúc đẩy sáng tạo ở làng nghề1

Tác phẩm Sóng của Khổng Đỗ Tuyền

Lan dần tư duy sáng tác

Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết hiện có nhiều nghệ sĩ điêu khắc trẻ đương đại có tiếng xuất phát từ làng nghề, chẳng hạn như Cù Cao Khải hay Lương Trịnh... “Họ sống tại quê hương để làm nghề, nên đưa điêu khắc đương đại về làng nghề thực hiện trại sáng tác cũng có cái hay của nó. Mà nó cũng làm cho không khí của làng nghề truyền thống, như làng đá Ninh Vân chẳng hạn, sôi động hơn. Nó đưa ra những mỹ cảm mới cho làng nghề”, ông Đoàn nói.
Theo ông Đoàn, thợ tại làng nghề đá Ninh Vân chủ yếu làm các bia mộ, làm các mẫu có sẵn. Họ cũng hình thành các đội chuyên đi làm đá cho các công trình tượng đài. “Tượng đài ngôn ngữ đá thì phải thợ làng nghề đá có nghề từ nhiều đời thành thục trong việc xử lý đá mới làm tốt. Nên có trại sáng tác thế này rất tốt cho làng. Toàn đội trẻ cả, mà thế hệ trẻ nhất là 9X. Đấy cũng là một hướng tốt cho điêu khắc đương đại. Sắp tới, tác phẩm của trại sáng tác năm nay ở Ninh Vân sẽ bày ở Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCI”, ông Đoàn cho biết.
Ông Đoàn cũng cho hay các làng nghề vẫn cần giữ và rèn luyện sự tinh khéo trong xử lý chất liệu của mình. “Tôi không nghĩ là phải xê dịch ngôn ngữ mới cho làng nghề truyền thống, miễn là họ càng ngày càng tinh khéo hơn trong xử lý chất liệu”, ông Đoàn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.