Bảo tàng hình bàn xoay gốm ở Bát Tràng

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
04/05/2021 06:17 GMT+7

Bảo tàng ở làng Bát Tràng (làng gốm nổi tiếng ở H.Gia Lâm, Hà Nội) với kiến trúc lấy cảm hứng từ những bàn xoay gốm đang dần hình thành.

Từ những bàn xoay gốm đến công nghệ 3D

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đã không đắn đo khi chọn ý tưởng cho công trình Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt tại làng gốm Bát Tràng. Ý tưởng đó gắn với kỹ thuật nặn gốm của làng Bát Tràng, điều thể hiện rất rõ tài hoa và sáng tạo của bao nghệ nhân nhiều đời tại đây. “Công trình có cảm hứng từ những khối bàn xoay vuốt gốm. Có những mặt cong đa diện, chuyển động mềm mại và tự do. Có cả hình ảnh lò bầu cổ của người dân Bát Tràng xưa”, ông Hào nói.
Nhiều người vẫn gọi công trình này một cách gọn gàng là bảo tàng gốm hay bảo tàng Bát Tràng. Trên nền ý tưởng về lò bầu của người dân Bát Tràng, công trình có giải pháp cho lớp vỏ cũng mang tính văn hóa bản địa. Theo đó, lớp vỏ công trình được sử dụng bê tông cốt thép sợi tuyến tính mỏng, chịu lực hiệu quả, tải trọng không lớn… và việc hoàn thiện sẽ tận dụng tối đa vật liệu truyền thống Bát Tràng như gạch gốm cổ truyền, ngói nung, gạch men mosaic…
Bà Hà Thị Vinh, Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho biết muốn lập ra Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt sau khi từ Nhật trở về. Ở đó, người Nhật đã làm rất hay chương trình mỗi làng một sản phẩm. Vì thế, bà muốn làng nghề Việt Nam, làng nghề Bát Tràng có thể được giới thiệu và bước ra thị trường nhanh nhất.
Theo bà Vinh, không chỉ có việc xây bảo tàng thực địa, những giải pháp số cũng được chuẩn bị cho công trình này. Một sa bàn làng nghề Bát Tràng từ những năm 1950 được xây dựng, một app (ứng dụng) bảo tàng ảo cũng dự kiến được hiện thực hóa. “Sa bàn làng nghề Bát Tràng năm 1953 - 1954 kết hợp với mapping trình chiếu (kỹ thuật dùng ánh sáng tạo hiệu ứng 3D) sẽ giúp câu chuyện lịch sử làng được uyển chuyển hơn. App bảo tàng ảo có thể có nhiều phần. Chẳng hạn, những hướng dẫn nặn gốm từ xa, các hướng dẫn đường đến bảo tàng, những điểm cần đến khi tham quan du lịch ở Bát Tràng. App cũng sẽ có cả hướng dẫn đặt phòng lưu trú. Bản thân bảo tàng ảo này cũng có thể có các trưng bày thay đổi”, kiến trúc sư Đinh Việt Phương, Giám đốc Công ty 3Dart, cho biết. Là người tái hiện nhiều công trình cổ phiên bản 3D, ông Phương đang hỗ trợ thực hiện giải pháp số cho công trình này.
Bảo tàng hình bàn xoay gốm ở Bát Tràng

Kiến trúc bảo tàng Bát Tràng nhìn từ bên trong

Ảnh: Văn phòng kiến trúc 1+1>2 cung cấp

Điểm đến du lịch văn hóa

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đánh giá cao kiến trúc của công trình. Theo ông, ý tưởng kiến trúc của công trình rất thú vị và khi thực hiện hiệu quả thị giác cũng tốt. “Hiện tại, dù chưa hoàn thiện toàn bộ, công trình cũng đã thu hút công chúng. Có nhiều người đến chụp ảnh check-in ở đây. Điều đó cũng cho thấy nếu hoàn thiện tốt, công trình sẽ trở thành một điểm đến, đồng thời hút thêm khách cho du lịch Bát Tràng”, ông Đoàn nói.
Theo kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, công trình được chia làm 2 khối chính. Khối bảo tàng phía ngoài có 4 tầng: tầng 1 như một quảng trường gốm, là nơi kết nối khách tham quan với nghệ nhân và có thể tổ chức các festival văn hóa cổ truyền; tầng 2 và tầng 3 trưng bày các dòng men cổ độc đáo, hình dáng trang trí tinh xảo trong lịch sử làng Bát Tràng; tầng 4 là không gian xanh với cây được trồng theo mùa, cũng là nơi thư giãn, trải nghiệm cho trẻ em. Khối phía sau cũng cao 4 tầng, dành cho thương mại, homestay của chuyên gia, nghệ nhân, nhà hàng tinh hoa ẩm thực Bát Tràng.
TS Nguyễn Thu Thủy (Khoa Du lịch - Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết các làng nghề trên thế giới khi làm du lịch thường có xu hướng có các khu lưu trữ và giữ gìn kỹ thuật nghề. “Chẳng hạn, ở Peru có một làng có nghề dệt len từ lông một loại động vật. Khi tới khu này, khách được hướng dẫn cách phân biệt lông giả và thật. Sau đó, họ được đưa vào khu vực sản phẩm để minh chứng là sản phẩm làm thật. Trải nghiệm đó làm khách thấy rất ấn tượng và hấp dẫn”, bà Thủy nói. Tất nhiên, khi khách thấy ấn tượng, việc mua sản phẩm cũng sẽ được thúc đẩy; chưa kể trải nghiệm này cũng kéo dài thời gian lưu trú.
Bà Thủy cho rằng ở Bát Tràng, khi phát triển một bảo tàng nghề cần có sự xâu chuỗi nghề thủ công với du lịch sáng tạo. Ở đó, khách không chỉ chiêm ngưỡng mà còn tham gia vào quy trình thực hành nghề. Ở Bát Tràng có một hiện vật mang lại trải nghiệm rất quý là lò bầu. Để sản xuất, người dân không dùng lò bầu (đun củi) nữa, thành ra lò bầu không còn mấy. Nếu có thể trải nghiệm được lò bầu sẽ rất thú vị”, bà Thủy nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.