Khắc khoải tiếng vọng quê hương

01/10/2020 08:00 GMT+7

Không biết có tự bao giờ, tiếng sáo trúc đã rất quen thuộc với cuộc sống tinh thần của người dân miền Trung nghèo khó quê tôi.

Những buổi chiều tà khi trời vừa tắt nắng, trên đường đê có bóng lũ mục đồng dắt trâu về bỗng réo rắt ngân lên tiếng sáo trúc như xua tan không khí mệt mỏi của người nông dân sau một ngày tưới mồ hôi trên đồng ruộng.
Lúc nằm trong nôi lũ trẻ chúng tôi lớn lên trong tiếng ru dịu ngọt của mẹ, rồi lớn lên một chút hầu như đứa nào cũng được nuôi dưỡng bằng tiếng sáo trúc quê mình. Tiếng sáo mang niềm vui của một phận người nhưng cũng có không ít nhọc nhằn vất vả trong mỗi thanh âm phát ra từ ống trúc. Đói cơm thiếu áo người dân quê tôi phải sống nhờ vào những cuộc vui của hội hè mà trong đó tiếng sáo trúc như là người anh cả của phường bát âm. Hầu như gia đình nào trong vườn cũng có một khóm trúc xanh rì, vì thế chiếc sáo gần như là người bạn thân thuộc của mọi người, nhất là các cụ già và đám trẻ con. Những đêm trăng sáng, tiếng sáo trúc hò hẹn tình yêu làm cho đồi núi quê hương càng thêm lãng mạn. Nhờ tiếng sáo trúc mà nhiều đôi trai gái thành duyên, trong đó có cha mẹ tôi dù cách nhau con sông Ngàn Sâu tràn nước chảy.
Nhớ thời chiến tranh, quê tôi trơ thành chảo lửa túi bom, với tinh thần: “Miền Nam đang đổ máu đào/ Thanh niên Hà Tĩnh lẽ nào ngồi yên”, rất nhiều gia đình sẵn sàng cho con mình ra mặt trận. Người anh của tôi vào chiến trường Quảng Trị không quên dắt cây sáo trúc lên chiếc ba lô còn thơm mùi vải. Trên đường Trường Sơn, sáo trúc đã trở thành người bạn của các chàng lính trẻ măng tơ. Nghỉ chân bên bờ suối vắng, tiếng sáo quê nhà làm vơi đi bao nỗi nhọc nhằn trên đường hành quân, thúc giục bước chân để mang lại tự do để mong tiếng sáo thanh bình dìu dặt mãi trên bầu trời xanh. Sáo trúc dũng cảm theo bước chân anh giải phóng vào trận công đồn. Sáo trúc rộn ràng hòa niềm vui trong giờ phút chiến thắng. Rồi có lúc sáo trúc vĩnh viễn nằm lại chiến trường khi có ai đó hy sinh. Sáo trúc trở thành kỷ vật chiến trường để cho cha mẹ nhận mặt con trước ngôi mộ liệt sĩ vô danh. Hết chiến tranh, sáo trúc trở thành báu vật thiêng liêng được lưu danh trường tồn trong nhà truyền thống lịch sử.
Cậu bé chân quê Đinh Thìn khi 10 tuổi (Thanh Chương, Nghệ An) nhờ tiếng sáo mà trở thành nghệ sĩ lớn nền âm nhạc dân tộc. Tiếng sáo đã theo chân ông đi khắp nẻo chiến trường Liên khu IV tạo nên nguồn sống, niềm lạc quan có sức mạnh hơn cả đạn bom quân thù. Các tuyệt phẩm sáo trúc do ông biểu diễn và sáng tác như Nhớ về Nam, Trên đường chiến thắng, Vì miền Nam... là tấm lòng son sắt của hậu phương miền Trung đối với chiến trường miền Nam từng ngày nóng bỏng tin chiến sự. Gửi gắm trong tiếng sáo còn là tình yêu quê hương nỗi nhớ miền Trung da diết qua những sáng tác nổi tiếng như Đường về quê Bác, Trăng sáng quê tôi, Tiếng vọng quê hương... NSND xứ Nghệ cũng là người có công đầu trong việc giới thiệu thanh âm tiếng sáo Việt Nam cho 30 quốc gia trên thế giới hiểu về con người và văn hóa của đất nước “lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”. Tiếng sáo trúc còn tạo nên mối lương duyên giữa thơ và nhạc. Một giọng ngâm thơ miền Trung sẽ mất đi hồn cốt nếu vắng tiếng sáo dìu dặt làm nền. Tiếng sáo là linh hồn không thể thiếu trong mọi chương trình ngâm thơ.
Khi sống xa quê, nơi không có nhạc cụ sáo trúc phổ biến, dù ở trong nước hay nước ngoài thì nỗi nhớ tiếng sáo quê hương như càng thêm da diết tận đáy lòng. Trong đêm thanh vắng, bây giờ hiện đại chỉ cần mở ti vi, YouTube nghe tiếng sáo trúc thì nỗi lòng thương nhớ miền Trung vẫn còn nguyên vẹn, bao kỷ niệm tuổi thơ bỗng bồi hồi sống dậy. Tiếng vọng quê hương cứ trào dâng khắc khoải với thời gian.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.