Thương nhớ miền trung: Tới đây đất nước lạ lùng

Tới đây đất nước lạ lùng Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng run (*)

Ngày còn bé, mỗi lần nghe bà ngoại cất cái giọng Huế ai oán ngân nga câu hát ru đó là trí tưởng tượng trong tôi lại được mở ra, nâng mình trôi về một xứ sở bí ẩn và thần kỳ. Cứ tưởng xứ sở đó ắt có nhiều bóng đêm, có rừng rậm đầm lầy, có chim muông đội lốt, có ma quỷ lẫn tiên thánh đâu đó huyễn hoặc xa lắc. Mà ngày nào cũng nghe như than. Ngoại tôi bị ép xuất giá từ năm 16 tuổi, phải bỏ Huế quảy gánh theo chồng đi một hơi dặm dài hết miền Trung rồi “tới đây” lập nghiệp sinh con đẻ cái. Thời đó Huế đang là đất kinh kỳ, bà ngoại vốn là tôn nữ nên dù gia cảnh sa sút đi nữa cũng chẳng muốn rời xa. Chắc vì quá thương cha nhớ mẹ, mê đắm mơ màng câu hò mái nhì mái đẩy trên dòng Hương giang hoặc vì nặng nợ với mối tình thanh mai trúc mã nào đó chăng mà nơi tha phương mãi cứ “lạ lùng”.
Hai vợ chồng mua rẻ một miếng đất rộng thênh thang vốn là bãi chăn dê của một người Chà Và dưới chân hòn núi Một, cất lên một túp nhà tranh chơ vơ. Đất mới người thưa, một bên là rừng mai cọp dữ khỉ đàn một bên là động cát bỏ hoang làm bãi tha ma chạy dài tít tắp ra tới biển. Cứ dăm bữa nửa tháng là có người gánh tử thi bó chiếu tới chôn, đa phần là vô thừa nhận. Nên chi ai tới sau cũng túm tụm lại dựng nhà bên cạnh người tới trước. Lần hồi quây quần lại thành cái xóm nhỏ lưng dựa rừng mai, đêm đêm nhìn ra trước mặt thấy “ma trơi” ngoài bãi tha ma lập lòe nhảy nhót tới biển. Cuối bãi tha ma là cái miếu Âm hồn để vong linh người đã khuất có nơi nương tựa, ảo não tiếng chuông theo gió vọng về. Nhà ngoại tôi tới trước nên ai tới sau tấp vô cũng được nhường bớt cho cái rẻo đất một bên, giếng đào cho dùng chung, còn lấy làm mừng vui vì có thêm bạn xóm giềng. Chả ai nghĩ tới làm hàng rào, trồng vài bụi cây xương rồng, keo hay thuốc dấu cho có lệ là xong. Nên cuối cùng đất nhà ngoại tôi không ra cái hình thù gì nữa, dài ngoằng xéo quẹo, chỗ hẹp chỗ eo chỗ nở chỗ gấp khúc.
Nha Trang những năm ba mươi của thế kỷ trước chỉ mới định hình vùng dân cư dọc theo sông Cái, từ Thành đổ xuống cù lao ra cửa biển. Dọc theo bãi biển hầu như chưa có dân ngụ cư, đường sá cũng không. Vùng đất dựa rừng mai nhìn ra biển đang dần hình thành cái xóm nhỏ toàn dân nghèo di dân tha phương cầu thực nghiễm nhiên có tên Xóm Mới. Cha mẹ tôi sinh ra và lớn lên tại nơi này, cùng là những đứa trẻ Xóm Mới đầu tiên. Những đứa trẻ ấy nay đều đã ngoài tám mươi, chưa bao giờ thôi nhung nhớ về cái xóm nhỏ bên động cát trắng mênh mông trông ra biển lớn. Chúng cùng cảnh ngộ ăn đói mặc rách, đêm ngủ lạnh rút luôn mái tranh xuống quấn cho ấm, giành nhau cơm nguội với lũ khỉ ranh mãnh chực chờ sau nhà. Chúng từng cùng nhau chạy chân không trên cát bỏng đạp lên xương rồng bàn chải tuôn ào ra biển, chúng rượt bắt giông nổi lửa nướng ăn bên những ngôi mộ hoang, chúng dẫn nhau trèo lên núi Một tới cái miếu hoang để rình xem có mãng xà vương như lời đồn đại hay chỉ toàn khỉ là khỉ...
Cái xứ sở “lạ lùng” của bà ngoại tôi cũng không thể nằm ngoài dòng chảy của thời cuộc, của chiến tranh. Cuộc di cư của đồng bào miền Bắc đã thay đổi hẳn bộ mặt đô thị, nhiều khu dân cư mới đồng loạt xuất hiện biến cái xóm nhỏ thành kẻ ngoài rìa nhìn đất hoang nay vụt thành châu báu. Bãi tha ma được san ủi thành bình địa. Rừng rậm thành đất lành. Đường ở khu mới được mở ra tráng nhựa to rộng còn đường trong khu Xóm Mới mãi lầm lì cát bụi mùa mưa là ao to ao nhỏ. Không còn rừng mai lẫn bãi tha ma, núi Một ở đầu xóm cũng chẳng còn nhìn thấy vì bị khai phá và che lấp, không còn cả không gian bao la nhìn ra biển, Xóm Mới hồng hoang dần trở thành huyền thoại, ngày càng lạ lẫm và xa xôi rồi cũng có thể sẽ dần biến mất. Thêm vài cuộc bể dâu nữa người người tứ tán, lớp thành thiên cổ lớp đánh mất quá khứ lớp thiên di. Lúc đó, Xóm Mới ngày xưa ấy có lẽ thực sự trở thành xứ sở “lạ lùng” trong hình dung của những con người hiện tại đang sống trên chính nó...
Ông bà nội ngoại tôi đã ra người thiên cổ, con cháu nay đã nở ra tới thế hệ thứ năm ở tràn khắp chốn. Mà sao mỗi lần nghe lại câu hát cũ tôi vẫn rưng rưng khi mường tượng ra được cái tâm trạng của những người đi tha phương như ông bà mình, biết khổ biết khó, biết thua thiệt đủ đường mà vẫn bền chí vượt qua để có một ngày, cái “đất nước lạ lùng” ấy hóa thành miền cổ tích lung linh.
* Ca dao
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.