Lâm Bình neo thương nhớ

15/10/2020 08:00 GMT+7

Làng Lâm Bình và đầm nước nằm cạnh cùng tên neo thương nhớ vào lòng kẻ tha hương. Nơi đây lưu truyền giai thoại thấm đẫm tình người giữa cuộc đời bao nỗi lo toan...

1.

Vùng đất phía nam tỉnh Quảng Ngãi có bốn dòng sông hòa chung dòng nước đổ ra biển qua cửa Mỹ Á. Sông Thoa, Trà Câu, Lò Bó và sông Trường nối với đầm Lâm Bình như dòng Mê Kông hùng vĩ nối với Biển Hồ trên đất nước Chùa Tháp bao la. Mùa lũ, nước dâng lên ngập cả những cánh đồng nằm bên cạnh. Đầm nước mênh mông. Cá tôm tụ hội. Cư dân quanh vùng chèo thuyền giăng lưới, mắc đăng nò đánh bắt cá tôm trong giá lạnh. Bóng người mờ ảo giữa làn mưa giăng kín đất trời. Tôm cá tươi rói được vớt lên từ đầm hiện diện trong bữa cơm của người dân quê và chuyển đến những phiên chợ làng xa. Nhiều người mua mớ cá tươi ướp lạnh, gói ghém cẩn thận rồi gửi biếu người thân sinh sống phương xa cho vơi nỗi nhớ quê hương.

Một góc đầm Lâm Bình

Ảnh: Trang Thy

Bơi lượn trong làn nước mát lành từ đầm rộng đến sông dài nên cá tôm nơi đây thịt khá săn chắc và thơm ngon khi chế biến món ăn. Những món ăn đậm đà, phảng phất hương vị phù sa khiến thực khách xuýt xoa khen ngợi, làm nao lòng người bao năm phiêu bạt chốn xa. Cậu tôi về quê sau gần hai mươi năm mưu sinh giữa Sài thành hoa lệ, lòng bồi hồi khi thưởng thức món cá chép um trong bữa cơm gia đình. Món ăn dân dã gợi nhớ ngày giải phóng quê hương 45 năm trước. Ngày ấy, cậu cùng đồng đội trở về sau bao năm xông pha nơi lửa đạn. Người người ùa ra đường reo hò, nhảy múa như trẻ thơ khi quê hương im tiếng súng. Vòng tay ôm chặt, giọt lệ tuôn rơi trên đôi má hằn sâu vết chân chim vì xiết đỗi mừng vui. Đến bữa, những mẹ già bưng nồi cá chép um đến tận nơi đóng quân với giọng nói ân cần: "Cá bắt ở đầm Lâm Bình ngon lắm nghen chưa! Tụi bay ăn đi! Không ăn là dân làng giận đấy!". Những người lính dạn dày sương gió rớm lệ đón nhận tấm chân tình của người dân quê nghèo. "Khi ấy cuộc sống của bà con khó khăn nhưng vẫn bưng cả nồi cá đến cho, cảm động lắm. Tấm lòng thơm thảo ấy thật quý giá vô cùng...", cậu hồi tưởng.
Tuổi thơ tôi thỏa sức vẫy vùng trong làn nước mát lành. Sau buổi đến trường, tôi cùng lũ bạn lùa bò ra ven đầm trong nắng vàng như tơ trời óng ánh. Sóng lăn tăn làm cho những ngọn cỏ dập dềnh như đùa vui trên mặt nước. Cỏ năn non tơ phất phơ trước gió chiều. Đàn cò trắng thong dong tìm mồi ven bờ đầm tạo nên khung cảnh yên bình nơi đồng quê. Những con chim nước cần mẫn kiếm ăn gợi lên hình ảnh người dân quê chịu thương chịu khó lặn lội mưu sinh. Xa xa, ngư dân chèo ghe giăng lưới bắt cá trên mặt đầm. Những âm thanh nhịp nhàng, dồn dập phát ra từ thanh gỗ gõ vào mạn ghe vang vọng trên đầm nước mênh mông. Chúng tôi cởi áo, ngụp lặn bắt trai, hến ẩn mình trong lớp bùn non. Khi đã thấm lạnh, cả bọn lên bờ gom những nhánh củi khô rồi châm lửa. Khói lam chiều lượn lờ trong gió. Đôi tay nhăn nheo hơ ấm trên lửa và nướng chín trai, hến rồi gỡ lấy phần thịt chấm muối ớt mang từ nhà ăn ngon lành. Vị ngọt từ thịt hòa cùng vị mặn của muối lẫn với vị cay của ớt đọng mãi trong ký ức tuổi thơ.

2.

Ngược dòng thời gian, trở về hàng trăm năm trước. Nhiều người nơi khác đến đây mưu sinh với nghề bè rớ đánh bắt cá, tôm trên đầm. Họ mưu sinh và cư ngụ trên những chiếc bè tre vững chãi, đủ sức ngâm mình trong nước hàng chục năm. Đêm tối, cả xóm bè treo đèn sáng rực, lấp lóa trên mặt đầm dẫn dụ cá vào tấm lưới khá lớn cột vào bốn thân tre dài. Mỗi lần hạ và cất rớ kéo dài chừng mươi phút với sự tham gia của các thành viên trong gia đình nên khung cảnh rất nhộn nhịp. Những chú cá mơ màng dưới ánh đèn chợt quẫy tung tóe, lấp lánh vảy bạc khi tấm lưới được kéo lên khỏi mặt nước.

Chú chim nước đang tìm mồi

Ảnh: Trang Thy

Thuở ban đầu, cư dân xóm bè rớ chỉ lên bờ bán cá, tôm và mua những vật dụng cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Lâu dần, tình cảm giữa họ và người dân trên bờ gắn bó như anh em họ hàng. Họ chia sẻ mớ cá, tôm tươi rói vừa vớt lên khỏi mặt nước và nhận lại thúng lúa vừa gặt, rổ khoai vừa đào trên đất gò đồi. Thương cảm kiếp sống lênh đênh trên đầm nước, quan lại và cư dân bản địa nhường khu đất khá rộng để họ lập làng và sẻ chia ruộng lúa nước, đất gò đồi làm kế sinh nhai. Làng Lâm Bình hình thành từ đó. Đời nối tiếp đời, hậu duệ của những người làm nghề bè rớ an cư trên vùng quê nặng nghĩa ân tình. Sớm mai, con trẻ tung tăng cắp sách đến trường thay cho những bé thơ quẩn quanh trên bè thuở trước. Nhiều người đỗ cử nhân, tiến sĩ, góp sức xây dựng quê hương, sống phương xa nhưng lòng luôn hướng về quê nhà.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.