1.
Mùa đông từ lớp 1 đến lớp 12, tôi đi học bằng chiếc áo mưa có một không hai. Má tháo bao ni lông lót trong bao phân u rê, cột chéo ngay cổ làm áo mưa cho cả nhà. Bạn bè trêu “bà Hai Lúa”, tôi thẹn đỏ mặt, nghĩ giận má quá tay.
Sau này, tôi đậu đại học nhưng má kêu nhà mình không đủ khả năng, học cao đẳng trong tỉnh cho đỡ tốn. Ngày nhập học, lóc cóc đạp chiếc xe không thể tàng hơn xuống phố. Sinh viên vẫn quần xanh áo trắng (tận dụng bộ đồng phục cấp 3) và xin thêm bộ áo dài cũ của bà chị họ. Thảm hơn, mỗi tuần tới mấy bữa phải ăn cơm mắm. Còn phải hỏi. Hằng tuần má khoán hai lăm ngàn và dặn, liệu mà ăn cho hết tuần. Thấy bạn bè quần jeans áo pull, túi đẹp, giày xinh, đứa nào cũng thanh xuân rạng rỡ, nhìn lại mình đen đúa quê rình, tôi buồn tới mức tự ti.
Nhưng nếu đem chuyện đi học trong bộ dạng gốc rạ ra than thì má sẽ lạnh lùng phán: “Tao cho bây đi học chớ không biểu đua đòi. Học giỏi người ta khen, đua đòi người ta chửi”. Tôi ấm ức: “Con nhận học bổng loại giỏi mỗi tháng 180 ngàn mà tiền ăn mỗi tháng má cho đúng một trăm chẵn. Tính ra, con ăn chưa hết tiền của mình. Má nói, có đồng nào ăn đồng đó mai mốt bịnh đau chỗ đâu ngó chừng. Tôi không phục, gân cổ lý sự: Má ơi, đời vô thường, sống nay chết mai mà để dành chi? Má hét, phải mai chết đã phước, lỡ không chết mà la lết ra đấy rồi lấy cơm thuốc đâu mà cho vào mồm? Làm không tính ở lính tới già - má lại kết thúc cuộc thoại bằng câu kinh điển đó.
Hồi đó, có một học kỳ, dù biết có sự nhầm lẫn danh sách nhưng tôi vẫn to gan đi nhận học bổng. Nhận xong giấu má, đi mua áo ấm, túi xách, quần jeans rồi dẫn bạn đi ăn. Ngay sau đó, tôi bị phòng giáo vụ gọi lên la, cái tội sinh viên Sư phạm không thật thà, tham lam. Tôi đã khóc òa trên đường từ trường về nhà, tôi đổ thừa lòng tham của mình bắt nguồn từ sự ki bo của má. Tôi nghĩ đến một cái kết bi đát khi má phát hiện tôi dối 540 ngàn để đua đòi. Hình phạt thích đáng của má sẽ là nghỉ học ngay lập tức. Tính khí của má tôi biết quá rõ rồi. Má cực ghét nói dối và hoang phí, đua đòi. Nhưng không. Khi nói nhà trường phát nhầm, khi tôi thú tội và xin lỗi thì má chỉ im lặng lấy tiền bảo đi nộp gấp. Má dặn, một người tử tế chỉ tiêu xài những đồng tiền mình đổ mồ hôi mà có. Nghèo cho sạch rách cho thơm!
2.
Có lần mấy anh chị em tụ tập, vui miệng kể chuyện ngày nhỏ thèm nọ thèm kia. Chị Hai thấy mấy em cao trào “kể tội” má thì bức xúc lên tiếng. Chị bảo: "Có bao giờ tụi bây nghĩ đến nỗi khổ của má chưa? Má mồ côi từ trong bụng, lăn lê làm thuê làm mướn từ tấm bé. Rồi lấy chồng mồ côi, rồi ba ở suốt trong rừng, sau giải phóng lại vô trại cải tạo. Má chín lần đẻ, gần như một mình cưu mang bầy con, lại thêm chăm lo tuổi già từ ông cố đến bà ngoại. Khó khổ như vậy rồi có đứa con nào má bắt đi làm thuê làm mướn, ăn nhờ ở đậu cho người ta chưa? Hay tụi bây vẫn tung tăng đến trường. Năm Phú Yên vỡ đập Đồng Cam, các con được ăn cơm độn còn má ăn rau muống sống, chổng đầu hít từng gốc mía, vô rừng đào củ sung củ ráy qua ngày. Đời má được mấy bộ đồ mới, mấy đôi dép mới? Dầm mưa dãi nắng, má đã dám mua cho mình một ly nước mía giữa trưa nắng chang chang chưa? Nếu má không dè sẻn, tằn tiện theo kiểu “ăn cá mút xương ăn mắm mút dòi” thì tụi mầy được như bây giờ không? Bảy lăm tuổi còn đi bán vé số, má không muốn còn đi đứng được mà để các con lo toan. Mồ côi cha, bị bỏ rơi thuở lọt lòng nhưng má vẫn săn sóc bà ngoại lúc ốm đau. Má nghèo nhưng ai cho một cắc cũng không lấy. Tụi bây lo nhìn gương má mà học chứ đừng ngồi trách nọ trách kia”.
Chị Hai nói liền một hơi, mấy chị em tôi nín khe.
3.
Tôi kể với một người bạn đang ở tuổi xưa nay hiếm về má của mình thì người bạn vong niên đó kết luận: đức tính chịu thương chịu khó, tằn tiện chắt bóp của má tôi cũng giống má anh và những bà má khác của quê hương miền Trung. Ăn nhịn làm ráng, biết lo biết nghĩ và biết tự trọng là đặc tính của phụ nữ miền Trung. Rồi anh bảo, chắc tại vùng mình khí hậu khắc nghiệt, sống ở vùng bão lũ, hạn hán, một thời nhà nghèo con đông đã rèn nên những đức tính quý giá ấy.
|
Bình luận