Tôi leo lên bờ ruộng, chạy theo tiếng kêu mong bắt được. Ba nói, nó kêu vì lạc mẹ và vì nó khát.
Mùa hạn lại đến nữa rồi. Những cánh đồng khô nẻ chân chim, lúa chết dần chết mòn vì thiếu nước. Có những cánh đồng lúa héo rũ chưa kịp trổ hạt. Những con bò ốm đói lén xuống ruộng nhai những gié lúa chết yểu. Chúng biết mình sai nên sợ hãi con người. Đôi mắt to tròn gục gặc đầu nhìn lấm lét.
Một người lùa bầy cừu đi ngang qua tôi. Ở mảnh ruộng đã cắt xong những cánh đồng trơ gốc rạ. Bầy cừu được lùa xuống, vội vã gặm gốc rạ khô. Lông cừu ngả vàng và bụng tóp teo ốm đói. Tôi chạy băng qua cánh đồng cừu, tìm chú cúm núm nhỏ.
Khi tôi quay về, ba úp vào tay tôi chú cúm núm nhỏ. Trong lúc tôi chạy đuổi theo, nó đã chạy về phía ba. Sau khi uống nước, nó sợ hãi nằm trong lòng bàn tay tôi. Nó nhỏ và yếu như một nhúm bông.
Gần ba tháng rồi trời không có lấy một hạt mưa. Lúa nhà tôi đang chết. Trên cánh đồng, màu xanh đã nhường chỗ cho màu vàng. Nhưng không phải là màu vàng mơn mởn báo hiệu một mùa gặt đủ đầy, mà màu vàng khô khốc chực thiêu đốt trong nắng hạn. Những con mương nhỏ lấp lánh nước bạc không còn. Đáy mương trơ đất cát, nằm buồn hiu. Mấy tháng nay đêm nào ba cũng nhìn trời, thèm một cơn mưa. Nhưng cái vòng tròn bao quanh ông trăng khiến ba thở dài. Những giọt mưa giờ quý hơn vàng.
Ở làng quê người dân rục rịch mua nước cho bọn gia súc, trẻ con có thêm sân chơi vì mọi cánh đồng đều khô nẻ, tha hồ chạy nhảy, thả diều. Ở những miền cao hơn, nơi mọi dòng suối đều khô hạn, xã phải chở những thùng nước to về, những người Raglai dắt díu xách từng can nước...
Mà lạ, càng nắng hạn mọi thứ càng rực rỡ hơn, như bừng cháy. Cánh đồng nhìn từ xa vàng rực. Những tháp Chăm cũng giống như chiếc lá đỏ trên nền trời. Ngay cả bộ lông của những chú cừu hiền lành lâu nay xốp như bông cũng quắt lại, úa đỏ trong ráng chiều.
Mùa hạn hán làm ba má thở dài, mắt trũng sâu hơn. Nếu cứ kéo dài, ngay cả miếng ruộng cuối cùng cũng chung số phận. Không có mùa gặt, không có lúa bán. Tiền đâu đóng cho chúng tôi đi học. Và đói.
Một cơn mưa đến vào giữa đêm như mong chờ. Mưa khẽ khàng, vỗ lộp độp trên mái tôn. Trẻ nhỏ ngủ nên không biết để hò reo. Vài người lớn thức giấc, gương mặt khắc khổ nhoẻn cười sung sướng. Có mưa rồi. Ruộng được cứu rồi.
Sáng mai thức dậy như chưa từng có cơn mưa đi qua. Đất chưa kịp ướt. Đất quá khô nên mưa trôi tuột vào đất. Trời mát hơn một chút. Vài cái lá khô khốc cũng có chút nước gọi là.
Tôi theo ba ra đồng, nhìn ruộng lúa chống chọi với cơn khát. Ba nói đây là đồng dưới, gần mương nước nên lúa cầm cự lâu hơn. Tay ba chai sần run run cầm cuốc vun vén bờ cỏ. Ba sợ mảnh ruộng cuối cùng không chống cự được hạn hán. Và những món nợ kéo theo khi mùa gặt thất bát cũng kinh khủng như hạn hán.
Lại có thêm một cơn mưa đêm. Lần này mưa sớm và ở lại lâu hơn. Mưa mát lòng mát dạ. Con chó Bi chạy ra sân, xù lông vẫy nước. Mọi ngày có người sẽ la nó nhưng giờ chẳng ai la cái trò của nó cả. Ai cũng hả lòng hả dạ bởi cơn mưa.
Má nói với ba, chắc xứ mình khổ nhiều rồi nên ông trời cho mưa để bớt đói. Không có cơn mưa này đúng là đói thật. Những chú cừu lần lượt ngã quỵ trên đồng cỏ. Dù chịu khí hậu khô hạn, nhưng chúng khát và đói. Ở các làng, sau khi bán đàn gia súc chết dần chết mòn, những người vai dài sức rộng lên đường lộ, đón chuyến xe vào thành phố, làm thuê làm mướn xứ lạ để trả nợ ở quê nhà.
Đến hẹn lại lên, cứ hai, ba năm mùa hạn hán lại tới. Làm sao bỏ xứ quê nhà? Xứ khác giàu hơn nhưng quê mình lại là nơi chôn nhau cắt rốn. Cứ chống chọi với mùa hạn, rồi đi làm thuê trả nợ, có chút tiền lại về quê hương, lại chăn nuôi, trồng trọt.
Rất khó hiểu khi người ta không bỏ quê mình, dù quê rất nghèo. Cứ đi rồi quay trở lại. Có lẽ là một tình thương đã ăn sâu vào máu, đi là nhớ, tới xứ người sung sướng vẫn thấy day dứt trong lòng.
Có nơi nào khí hậu khắc nghiệt hơn Ninh Thuận quê tôi? Mùa hè hạn hán và mùa đông gió bấc. Những chú cừu gốc Ấn, được lai tạo và đã chọn chốn này. Chúng nhẫn nại nhai rạ mùa hạn hán và chờ những bụi cỏ non lún phún mùa xuân. Giống như ba má tôi bảo, có cơn mưa này rồi, ruộng sống rồi, có tiền trả nợ và đóng học cho sắp nhỏ rồi.
Niềm vui của người nông dân chỉ là có tiền trả nợ và đóng học phí thôi. Mưa ơi có biết?!
|
Bình luận